Nữ thẩm phán đầu tiên chủ trì phiên điều trần tại Hội đồng Nhà nước Ai Cập

06/03/2022 - 06:15

PNO - Ngày 5/3, bà Radwa Helmi đã chủ trì phiên điều trần đầu tiên của mình ở tòa án cấp cao nhất, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trên con đường tiến đến bình đẳng giới tại Ai Cập.

Mới đây, bà Radwa Helmi đã làm nên lịch sử với tư cách là nữ thẩm phán đầu tiên ngồi trên băng ghế của Hội đồng Nhà nước Ai Cập, cơ quan tư pháp chính của quốc gia Bắc Phi.

Bà Helmi, xuất hiện tại tòa án Cairo, nằm trong số 98 phụ nữ được bổ nhiệm vào năm 2021 để tham gia hội đồng, sau quyết định của Tổng thống Ai Cập.

Radwa Helmi ngồi trong phiên tòa đầu tiên của cô tại hội đồng nhà nước ở thủ đô Cairo của Ai Cập.
Bà Radwa Helmi trong phiên tòa đầu tiên của bà tại Hội đồng Nhà nước Ai Cập, ở thủ đô Cairo

Người đứng đầu Hội đồng Quốc gia về phụ nữ (NCW), Maya Morsi cho biết: “Ngày 5/3 đã trở thành một ngày lịch sử đối với phụ nữ Ai Cập”.

Động thái này diễn ra ngay trước ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Phụ nữ ở Ai Cập, quốc gia Ả Rập đông dân nhất, đã phải đấu tranh trong nhiều năm để đảm bảo quyền lợi của mình.

Ai Cập có hàng trăm nữ luật sư nhưng phải mất hàng thập niên mới có một người gia nhập hàng ngũ tư pháp và trở thành thẩm phán. Người đầu tiên là bà Tahany al-Gebaly, được bổ nhiệm vào năm 2003 vào tòa án hiến pháp tối cao của Ai Cập.

Bà Gebaly đã giữ chức vụ trong một thập niên trước khi bị Mohamed Morsi, tổng thống Hồi giáo tại nhiệm vào thời điểm đó, bãi nhiệm vào năm 2012.

Mặc dù không có luật nào cấm phụ nữ trở thành thẩm phán ở Ai Cập nhưng cơ quan tư pháp ở quốc gia Bắc Phi khá bảo thủ và có truyền thống chỉ chọn toàn nam giới.

Phụ nữ giành được quyền bầu cử và ứng cử vào các chức vụ công vào năm 1956 nhưng quyền cá nhân của họ vẫn bị coi thường. Hầu hết phụ nữ không có quyền đối với con cái hoặc cuộc sống cá nhân của họ, những trách nhiệm như vậy thường được giao cho người giám hộ nam, theo luật Sharia.

Thu Hương (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI