NSND Bùi Bài Bình: Thể hiện hình tượng Hồ Chủ tịch là lời tri ân với Người

16/05/2015 - 09:31

PNO - PN - Điềm đạm, hóm hỉnh nhưng say sưa và quyết liệt với nghề, NSND Bùi Bài Bình (sinh năm 1956 tại Hà Nội) đã hóa thân vào hàng loạt vai diễn đa chiều trong suốt mấy chục năm gắn bó với điện ảnh.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hàng chục phim truyện nhựa, phim truyền hình mà ông tham gia với các vai quan trọng đã trở thành một phần của điện ảnh nước nhà như Anh và em (Bông sen Vàng, LHP Việt Nam lần thứ VIII-1988), Thị trấn yên tĩnh, Sơn ca trong thành phố, Ngày Chủ nhật vắng chúa, Mùa ổi (Bông sen Vàng, Diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIII-2001), Gió làng Kình (giải bình chọn Nam diễn viên xuất sắc), Ma làng...

Mới đây, một bước đột phá trong nghiệp diễn của ông, Bùi Bài Bình lần đầu tiên vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ phim điện ảnh Nhà tiên tri - khắc họa giai đoạn Cụ Hồ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc những năm 1947-1950. Đây là bộ phim được mong chờ trong dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong ngôi nhà và cũng là quán cà phê quen thuộc của Bùi Bài Bình và vợ là NSƯT Ngọc Thu tại 40 Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội, ông thong thả kể chuyện làm phim, chuyện nghề...

NSND Bui Bai Binh: The hien hinh tuong Ho Chu tich la loi tri an voi Nguoi

NSND Bùi Bài Bình trong phim Nhà tiên tri

* Cảm xúc của ông khi lần đầu tiên vào vai lãnh tụ Hồ Chủ tịch?

NSND Bùi Bài Bình: Vài năm trước, khi còn đang viết kịch bản, anh Hoàng Nhuận Cầm đã nửa đùa, nửa thật bảo tôi “ông chuẩn bị vào vai Bác Hồ nhé!”. Sau này, anh Cầm và đạo diễn Vương Đức đều đặt vấn đề nghiêm túc đề nghị tôi thử vai Cụ Hồ cho phim truyện điện ảnh Nhà tiên tri.

Đối với tôi, vai diễn này là một nén tâm nhang, một lời tri ân đối với Người. Khi học tiểu học ở trường Độc Lập (Hà Nội), tôi đã được cùng học sinh các trường trong khu vực vẫy cờ đón Bác về thăm Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Tôi nhớ mãi kỷ niệm này.

* Mỗi vai diễn về Bác Hồ ở một giai đoạn khác nhau lại có những thử thách về ngoại hình lẫn phong cách diễn xuất?

- Hình tượng Bác Hồ trong Nhà tiên tri là ở vào thời điểm vô cùng gian khổ của Bác ở Việt Bắc những năm 1947-1950. Tại đây, Bác đã có 28 lần phải di chuyển, vừa tránh biệt kích, vừa hoạt động cách mạng trong điều kiện rừng núi hiểm trở, sức khỏe yếu. Thậm chí có lúc ốm phải nằm cáng.

Chúng tôi đã lên thăm các di tích cách mạng tại Việt Bắc để hiểu tường tận về điều kiện sống và hoạt động cách mạng vô cùng hiểm nguy, thách thức của Người, cũng là hiểu thêm ý chí sắt đá, sự linh hoạt, thông minh của một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Để vào vai Người thời điểm này, dù đã khá “mảnh khảnh” nhưng tôi cũng phải giảm đi 5kg, đắp răng, mài răng khểnh...

Trong phim, có trường đoạn Hồ Chủ tịch bí mật sang gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Liên Xô nhằm thuyết phục bạn bè quốc tế ủng hộ cách mạng Việt Nam. Ngoài tiếng Trung đã được học từ phổ thông, tôi phải học thêm cách phát âm tiếng Pháp, tiếng Nga, sao cho khẩu hình đúng để thuận cho người lồng tiếng. Con gái của NSND Như Quỳnh và con trai của NSND Bùi Đình Hạc là hai “thầy dạy” ngoại ngữ cấp tốc của tôi.

Tất nhiên, thể hiện vai Bác Hồ không phải cứ đi đứng, hút thuốc, nói vài câu tiếng Pháp, Nga, Trung giống giọng Bác là xong. Tôi đã tìm thêm tài liệu nước ngoài, trong đó có một cuốn sách của hai tác giả người Mỹ viết, để qua đó thấm tinh thần, cốt cách của Hồ Chủ tịch. Làm sao để hiểu sâu sắc tinh thần thể hiện sau mỗi cử chỉ, câu nói của Người, nhằm truyền đạt trọn vẹn tới khán giả.

NSND Bui Bai Binh: The hien hinh tuong Ho Chu tich la loi tri an voi Nguoi

NSND Bùi Bài Bình (phải) trong phim Nhà tiên tri

* Những cảnh quay nào khó nhất với anh?

- Có ba đoạn đặc biệt khó diễn. Một là đoạn Cụ Hồ phong hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp. Lúc ấy Người khóc. Với Tướng Giáp - một người thuận bút hơn thuận súng, cụ coi ông như người con, như học trò, nhưng vì chiến tranh mà phải để con người tài hoa ấy ra trận... Lòng người cha nào không đau!

Đoạn khó thứ hai là khi Cụ Hồ đón đoàn cán bộ miền Nam, trong đó có bà Nguyễn Thị Định, ông Trần Văn Trà... ra Bắc, giữa lúc Bác để tang người nữ cấp dưỡng trong đoàn cận vệ của mình. Người nói “Hôm nay cô Chín hy sinh là đúng một nghìn ngày kháng chiến, gia đình cô Chín đều mất trong nạn đói năm 1945. Ở đây, Bác và anh em coi cô Chín như người nhà”.

Sau đó Bác trao một thanh gươm cho ông Trần Văn Trà với lời dặn dò: “Bác gửi thanh gươm cho đồng bào Nam bộ diệt thù. Lúc nào đồng bào miền Nam cũng trong trái tim Bác...”. Chỉ riêng cảnh trao gươm này, tôi đã chủ động đề nghị thể hiện nhiều cung bậc để đạo diễn lựa chọn. Cuối cùng đoàn phim chọn cách thể hiện nhẹ nhàng, kìm nén.

Đoạn khó diễn thứ ba là sau chiến thắng mặt trận ông Khê, Bác nhận tin ông Cả Khiêm mất. Diễn đến đâu để đủ bộc lộ nỗi đau trong Bác nhưng không ủy mị quá? Trong đoạn này có chi tiết Cụ ngước nhìn trời, nhìn đoàn máy bay Pháp đưa tù binh về, và đặt tên cho con gái mới sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Võ Hòa Bình. Đó cũng là một cảnh quay xúc động...

* Xin trở lại với chặng đường điện ảnh đã qua, điều gì khiến ông tâm đắc nhất?

- Đó là cơ hội được làm phim cùng với nhiều nghệ sĩ điện ảnh tên tuổi, mỗi người một phong cách, một thế mạnh như Phạm Văn Khoa, Vũ Phạm Từ, Nông Ích Đạt, Đức Hoàn, Đặng Nhật Minh, Hải Ninh...

* Ngay lúc này ông nghĩ đến điều gì về điện ảnh Việt Nam?

- Đã có thời dù khó khăn, mỗi năm chúng ta làm đến 20 phim, trong đó nhiều phim được thế giới biết đến, nay phim truyện nhựa làm ra quá ít. Một nền điện ảnh phải sản xuất được một lượng phim tương đối, đa dạng rồi mới tính đến chọn được phim hay. Cũng có nhiều lý do, trong đó có việc vai trò điện ảnh bị thu hẹp. Điện ảnh Việt Nam trước hết phải kể được câu chuyện của xã hội Việt Nam, trong đó con người đang sống, ứng xử với nhau ra sao, tương lai thế nào... chứ không phải chuyện nhà lầu, xe hơi và những hào nhoáng bề nổi...

CAO BẢO HÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI