Nỗi ân hận của cô gái cãi lời cha mẹ

17/04/2025 - 06:00

PNO - Tình yêu quan trọng, nhưng hôn nhân không chỉ là chuyện của 2 người. Nó còn là sự hòa hợp giữa 2 gia đình, 2 lối sống, và 2 hệ giá trị.

Vì không nghe lời khuyên của cha mẹ, chạy theo những cảm xúc nhất thời mà các cô gái đã phải trả giá bằng hạnh phúc cả cuộc đời (ảnh Freepick)
Vì chạy theo cảm xúc nhất thời mà các cô gái trả giá bằng cuộc hôn nhân không hạnh phúc (ảnh minh họa: Freepik)

Họ là những người con gái được cha mẹ chăm bẵm yêu chiều, đầu tư cho ăn học đàng hoàng, gia đình có nền tảng vững chắc, nhưng đã vứt bỏ tất cả để chạy theo tiếng gọi của tình yêu.

Chuyện tình của Minh Tuyết ( quận 1, TPHCM) là một điển hình. Tuyết là con gái duy nhất của một gia đình sở hữu chuỗi nhà hàng danh tiếng, được cha mẹ cho sang Mỹ du học và tốt nghiệp một đại học danh giá.

Khi trở về, cô mang theo bao kỳ vọng của gia đình, rằng sẽ tiếp quản và phát triển cơ nghiệp của cha mẹ. Nhưng rồi chỉ sau 2 tháng, cô đã khiến cả gia đình thất vọng khi tuyên bố sẽ kết hôn với một anh chàng lái xe taxi công nghệ, người mà cha mẹ cô cho là không môn đăng hộ đối.

Dù cha mẹ hết lời khuyên ngăn, Tuyết vẫn một mực bảo vệ tình yêu của mình. Cô nói rằng, gia đình mình không thiếu tiền, nên cô không cần lấy một người đàn ông giàu có. Người yêu Tuyết tuy nghèo, nhưng có chí, hiếu thảo, chăm chỉ, và mang lại cho cô cảm giác ấm áp, an toàn.

Đám cưới diễn ra, nhưng lòng cha mẹ Tuyết trĩu nặng nỗi buồn. Họ biết rằng, con gái mình đang bước vào một con đường đầy chông gai. Và quả thật, chỉ sau 3 tháng, Tuyết đã gọi về cho mẹ, kể rằng cô đã sớm nếm trái đắng hôn nhân.

Mẹ chồng và em chồng cô đến ở, mang theo những thói quen sinh hoạt khác biệt, khiến cô không thể hòa nhập. Những bữa cơm gia đình với những hành động gắp thức ăn qua lại bằng đũa đang ăn, hay thói quen ngậm tăm, khạc nhổ của mẹ chồng khiến cô khó chịu. Chiếc váy rẻ tiền chồng tặng, dù biết là tấm lòng, nhưng cô không thể mặc đi làm, vì nó không phù hợp với hình ảnh của một người phụ nữ thành đạt. Và rồi, cô nhận ra rằng, mình không thể đưa chồng đến những buổi gặp gỡ đối tác, vì chồng không biết sử dụng dao nĩa, thưởng thức rượu vang.

Sự khác biệt về văn hóa, lối sống, và địa vị xã hội, đã tạo nên một khoảng cách vô hình giữa Tuyết và gia đình chồng. Cô thấy lạc lõng, cô đơn và bắt đầu hối hận về quyết định của mình...

Vợ chồng chị Thu Ngân là chủ một doanh nghiệp lớn ở Đồng Nai. Trang - con gái chị Ngân - du học Úc trở về mến ngay cậu nhân viên phục vụ quán cà phê tên Hùng. Nghe con gái kể về mối nhân duyên với người yêu mà chị Ngân nẫu ruột gan. Cô gái hay tới quán cà phê ở trung tâm thành phố ngồi làm việc vì thiết kế quán đẹp, cô ưa thích không gian yên tĩnh ở đó.

Trang thường ngồi cả buổi làm việc bằng laptop ở quán cà phê này. Hùng thấy Trang hay ngồi một mình đã tinh tế quan sát, nhớ cả món đồ uống Trang yêu thích.

Trang vừa tới quán, chưa kịp gọi món, ly nước yêu thích của cô đã được Hùng chu đáo bưng ra. Trên bàn của Trang còn thêm lọ hoa cắm bông hồng đỏ lãng mạn. Nếu Trang tới vào buổi tối, Hùng sẽ thắp trên bàn cô một ngọn nến lung linh. Thế là từ từ cô rung động với chàng trai bưng bê ở quán cà phê và yêu rồi lấy làm chồng.

Vợ chồng chị Ngân không ngăn được đôi trẻ, Trang dọa sẽ tự đăng ký kết hôn mà không cần tới sự có mặt của bố mẹ trong đám cưới, thế là đám cưới diễn ra.

Mới đây, Trang đưa Hùng về nhà cha mẹ, vô tình gặp nhóm bạn bè của vợ chồng chị Ngân. Lúc này, một vị khách hỏi dự định tương lai của Hùng là gì, cậu có hoài bão gì. Nghe câu trả lời của con rể mà chị Ngân không biết nói sao. Hùng đáp: "Mơ ước cả đời của cháu là đổi được chiếc xe máy mới. Xe của cháu đã đi chục năm và bị hỏng nhiều lần mà mãi cháu không có tiền đổi xe".

Vợ chồng chị Ngân rất lo, bởi vì, cơ đồ của gia đình vợ đang có cả ngàn công nhân, thế mà anh con rể chỉ hoài bão một chiếc xe máy, dẫu biết ai cũng có ước mơ, nhưng như thế thì làm sao xứng đáng kế thừa sự nghiệp.

Hôn nhân không thể vội vàng quyết định bằng cảm xúc nhất thời của hai người, còn đòi hỏi sự hoà hợp về lối sống và nhận thức từ nền tảng gia đình (ảnh Freepick)
Hôn nhân đòi hỏi sự hoà hợp về lối sống và nhận thức từ nền tảng gia đình (ảnh minh họa: Freepik)

Sau lần gặp đó, chị Ngân kể thêm với bạn bè rằng, từ ngày lấy chồng, Trang cũng... tụt hậu theo chồng, tầm nhìn hạn hẹp dần. Câu chuyện của Trang suốt ngày loanh quanh chuyện ăn uống, cơm áo nhỏ nhặt. Cô bảo từ lâu rồi mình cũng đi xe máy đi làm, không tự lái xe hơi nữa vì sợ chồng mặc cảm.

Chị Ngân rầu rĩ vì đã mất bao công lo cho con, bồi dưỡng học hành, khí chất để con vươn xa hơn, hội nhập với thế giới rộng lớn. "Con đang đi ô tô tuột xuống đi xe máy; đang theo dõi thị trường chứng khoán, giá vàng, giá đô thì nay suốt ngày quan tâm vài đồng tiền đi chợ. Biết cuộc sống là của con, nhưng tôi cứ tiếc cho nó", chị than thở.

Theo chị Ngân, chuyện tình của Trang, ban đầu "chính chủ" tưởng là lãng mạn, hóa ra lại là một sai lầm. Trang không hề hạnh phúc như mộng tưởng. Sự khác biệt về hoài bão, tầm nhìn, và lối sống, đã khiến Trang ngày càng xa rời gia đình, bạn bè, và chính bản thân mình.

Xưa nay, chuyện của các nàng "tiểu thơ con nhà" vượt mọi khoảng cách để đến với tình yêu như Tuyết và Trang không hiếm. Sẽ chẳng có gì để bàn nếu họ hạnh phúc và vững vàng với sự lựa chọn. Nhưng hôn nhân không chỉ là chuyện của 2 người, đó còn là sự hòa hợp giữa 2 gia đình, 2 lối sống, và 2 hệ giá trị... Các nàng tiểu thư đã không thể vượt những khoảng chênh này.

Ngọc Hạnh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI