Nỗi ám ảnh từ những kẻ đeo bám

25/07/2025 - 06:50

PNO - Tháng Sáu vừa qua, nữ ca sĩ Taylor Swift đệ đơn xin lệnh cấm tiếp cận đối với một người đàn ông liên tục xuất hiện tại nhà cô ở thành phố Los Angeles (Mỹ) trong gần một năm. Không chỉ người nổi tiếng hay chính trị gia, bất kỳ ai cũng có thể rơi vào trường hợp này, nhất là phụ nữ.

1/5 phụ nữ ở Úc từng bị theo dõi, hầu hết là do người đàn ông mà họ quen biết - ẢNH MINH HỌA: UFABIZPHOTO/SHUTTERSTOCK
1/5 phụ nữ ở Úc từng bị theo dõi, hầu hết là do người đàn ông mà họ quen biết - Ảnh minh hoạ: Ufabizphoto/Shutterstock

Bị bám đuôi và sống trong lo lắng

Taylor Swift cáo buộc người đàn ông 45 tuổi tên Wagner đã quấy rối và theo dõi cô. Wagner bắt đầu xuất hiện tại nhà riêng của cô vào tháng 7/2024. Mỗi lần đến, anh ta đều bị đội an ninh của cô chặn lại. Một thành viên đội an ninh cho biết, Wagner đã cố gắng liên lạc với Swift hàng trăm lần.

Năm 2024, một người đàn ông cũng bị buộc tội theo dõi và quấy rối sau khi đến nhà Taylor Swift khoảng 30 lần chỉ trong vài tháng.

Đối với Mayu Ushida - ứng viên tranh cử vào Thượng viện Nhật Bản - cuộc chạm trán đầu tiên với kẻ theo dõi cô xảy ra vào tối 6/6 vừa qua tại Tokyo, khi cô lái xe về nhà. Cô giảm tốc độ và dừng lại vài lần để nhường đường cho một chiếc xe, nhưng nó vẫn bám đuôi. Và cô phải mất khoảng nửa giờ để cắt đuôi chiếc xe bí ẩn.

Ushida nói: “Tôi đã rất hoảng sợ, tự hỏi người này sẽ bám theo tôi bao xa, liệu tôi có thể thoát?”.

Các nữ chính trị gia thường phải đối mặt với nhiều hình thức quấy rối từ cử tri và những người ủng hộ như theo dõi, đe dọa sát hại, đến những cái bắt tay và ôm quá lâu. Sau vụ bị bám đuôi, văn phòng của Ushida đã tạm ngừng công khai lịch trình hoạt động trên mạng xã hội và cảnh sát cũng tăng cường tuần tra các cuộc vận động công khai của cô cho đến kỳ bầu cử 20/7.

Theo kết quả khảo sát vào năm 2024 của Cục Thống kê Úc (ABS), 2 triệu phụ nữ (chiếm 20% dân số nữ trưởng thành) và 650.000 nam giới (chiếm 6,8%) tại Úc từng bị theo dõi kể từ năm 15 tuổi. Phụ nữ trẻ (18-34 tuổi) đang gặp khó khăn về tài chính có nhiều khả năng bị theo dõi hơn so với phụ nữ lớn tuổi và có điều kiện tài chính.

William Milne - người đứng đầu bộ phận thống kê tội phạm và tư pháp của ABS - nhấn mạnh: “Nếu cánh đàn ông bị theo dõi với tỉ lệ tương đương bởi kẻ đeo bám ở cả 2 giới thì phụ nữ lại có nguy cơ bị theo dõi cao hơn gần 8 lần bởi nam giới”.

Một nửa phụ nữ bị đeo bám bởi người yêu/chồng cũ, từng bị kẻ đó tấn công hoặc đe dọa tấn công, đồng thời 83% cho biết họ phải chịu ảnh hưởng xấu đến đời sống, công việc, học tập và phải thay đổi thông tin liên lạc.

Hành vi đeo bám cũng có thể dễ dàng phát triển thành tội ác. Vào tháng Sáu, một phụ nữ ngoài 50 tuổi ở thành phố Daegu (Hàn Quốc) tử vong do bị đâm tại nhà riêng ngay cả khi đang được cảnh sát bảo vệ. Nghi phạm, một người đàn ông ngoài 40 tuổi, từng đe dọa nạn nhân bằng dao trước đó. Hắn được cho là đã trèo đường ống dẫn khí gas để đột nhập vào nhà nạn nhân ở tầng 6.

Nguy cơ từ không gian mạng

Khi công nghệ ngày càng can thiệp sâu hơn vào cuộc sống hằng ngày, nó cũng dễ dàng trở thành công cụ gây hại, nhất là với phụ nữ và trẻ em. Giữa tháng 7/2025, chủ sở hữu Công ty An ninh Robert Hocevar đã bị kết án 22,5-26,5 năm tù vì theo dõi 7 phụ nữ tại Mỹ.

Từ 2021-2025, Hocevar đã lắp đặt hệ thống an ninh tại 3 doanh nghiệp và 2 nhà riêng ở quận Cuyahoga, bang Ohio (Mỹ). Sau đó, hắn tự ý truy cập vào hệ thống và gửi cho các nạn nhân nữ những tin nhắn, hình ảnh và video khiêu dâm. Công tố viên Michael O’Malley giải thích: “Hắn từng bị kết án 3 lần vì hành vi tương tự, và rõ ràng hắn vẫn luôn là mối nguy hiểm cho cộng đồng”.

Trong một số trường hợp, việc không biết danh tính của kẻ theo dõi có thể gây ra sự bất an vô cùng lớn đối với các nạn nhân và cũng khiến họ gặp nguy hiểm nhiều hơn. Vì vậy vào cuối năm 2024, Bộ Nội vụ Anh ban hành hướng dẫn mới về “quyền được biết”, cho phép cảnh sát công bố danh tính kẻ theo dõi trực tuyến càng sớm càng tốt.

Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper tuyên bố: “Chúng tôi sẽ sử dụng mọi công cụ sẵn có để trao thêm quyền cho nạn nhân và tước quyền của kẻ xấu. Phụ nữ có quyền được biết danh tính của những kẻ theo dõi họ. Cảnh sát sẽ hợp tác với tất cả dịch vụ hỗ trợ để mang lại cho nạn nhân sự bảo vệ mà họ xứng đáng có”.

Linh La (theo The Guardian, Korea Herald, NBC News, The Japan Times, Gov.uk)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI