Nhút mít quê choa (*)

18/03/2013 - 16:48

PNO - PN - Trong bữa cơm nhạt nhẽo của căn-ting ký túc xá sinh viên, cả lũ túm tụm lại nói về đặc sản của quê hương mỗi người.

Người Thanh Hóa thì xuýt xoa về nem chua với sự kết hợp hoàn hảo giữa tỏi, thịt sống, lá đinh lăng gói trong những lần lá chuối ngự tươi rói. Người Nam Định lại mơ màng với tô phở bò nước trong leo lẻo mà dậy lên hương vị mỡ màng, ngọt dịu của xương ống ninh kỹ. Người Lạng Sơn vung tay cười khoái trá kể về món vịt quay, heo quay, cao sằng, khâu nhục... Giữa những gương mặt sôi nổi tự hào, người xứ Nghệ tưng tửng xen ngang: “Thua nhút mít quê choa hết!” làm rộ lên những tiếng cười chế giễu. Ừ thì nhút mít (hay nhút xơ mít), nghe cái tên đã thấy quê òm, ăn vài bữa không sao, để lâu dậy lên mùi thum thủm khó chịu… Ừ thì cách chế biến nó cũng như dưa muối, cà muối, tức là dùng muối trắng làm gia vị chủ đạo, để vài bữa cho lên men chua là ăn được. Thế mà chẳng người xứ Nghệ nào không quý nó.

Nhut mit que choa (*)

Để có được một hũ nhút mít ngon, người chế biến phải hết sức nhẫn nại. Mít non hái trên cây xuống, được gọt sạch vỏ, đặt lên một cái mẹt đã lót lá chuối. Rồi người làm bắt đầu băm quả mít, tỉ mẩn từ ngoài vào trong, sao cho cả xơ lẫn hạt đều phải nhỏ và đều rặp. Mà thứ mít non lắm nhựa, khi gọt vỏ rồi gặp gió là thâm sì ngay. Chỉ tội người chế biến vừa cật lực thái nhỏ, chốc chốc phải nhón một nhúm muối trộn vào phần đã băm xong để chúng không bị thâm đen. Nhút mà thiếu lá rau răm xanh non mơn mởn thì... không phải là nhút mít. Nhút mít có thể xào với lạc, ăn kèm rau quế, kinh giới, hay dùng nấu canh chua, hoặc chấm nước mắm pha đường với chanh tỏi. Vị của nhút mít chua thanh, vừa dai vừa giòn, đậm đà.

Giữa trưa, nghe tiếng băm mít đều đều của bà, của mẹ, đến lúc thức dậy, mẹt mít mãi vẫn chưa thấy đầy mà lưng bà và mẹ đã còng gập, đôi bàn tay thì đã đen sì, bám nhằng nhịt nhựa mít… Cái thời khó khăn, đói kém đến mức nhà chỉ có mỗi hũ nhút mít làm thức ăn mặn rồi cũng dần qua nhưng nhút mít vẫn có mặt trên mâm cơm của người xứ Nghệ, như thứ gia vị không thể thiếu.

Thấm thoắt, thời sinh viên đói khổ trôi qua, chiều nay ngồi trong bàn tiệc với mâm cao cỗ đầy, tay nâng đũa rồi lại buông. Thở dài chán ngán trước những món ăn quá cầu kỳ, chợt thèm cái vị chua, thanh đạm của xơ mít non muối mặn nhưng chẳng biết tìm đâu ra ở chốn phồn hoa này.

Bích Thảo

                    * “Quê choa”: từ địa phương, nghĩa là quê tao, quê tụi tao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI