Những "trụ cột" nhí ở Afghanistan sau khi Taliban nắm quyền

08/02/2022 - 13:25

PNO - Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), trước khi Taliban tiếp quản, có khoảng 60.000 trẻ làm việc trên các đường phố của Kabul, nhưng con số này đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây.

Tại một trong những khu chợ sầm uất nhất ở thủ đô Kabul của Afghanistan, với nhiều nhà hàng và dòng người tấp nập, cô bé Shaista, 10 tuổi, đang cố gắng bán túi nhựa cho những người đi ngang qua. “Nếu em không làm việc này, cả gia đình em sẽ đói”, cô bé nói.

Mỗi buổi sáng, Shaista mua vài chiếc túi với giá 5 afghani/chiếc (khoảng 1.000 đồng), sau đó mang chúng ra chợ để bán với giá gấp đôi.

Trẻ em làm việc trên đường phố sưởi ấm bàn tay của họ bên ngọn lửa nhỏ của quầy hàng thịt nướng
Trẻ em làm việc trên đường phố sưởi ấm bàn tay bên ngọn lửa nhỏ của quầy hàng thịt nướng

Shaista run rẩy trong đôi giày nhựa mỏng manh. Nhiệt độ đã giảm xuống dưới 0 độ. Mùi trà xanh mới pha và bánh mì ấm nóng từ một tiệm bánh gần đó phảng phất trong không khí, nhưng em cố nhịn cho đến bữa tối, trừ khi có ai đó thương tình mua cho em một bữa ăn.

Shaista còn có 3 người em. Nếu công việc thuận lợi, mỗi ngày em kiếm được khoảng 50 afghani. “Mỗi ngày, mẹ em mua bánh mì bằng số tiền em kiếm được. Em muốn đi học”, Shaista chia sẻ.

Ở ngoại ô Kabul, Noor Agha, 10 tuổi, là con cả trong gia đình có 8 người con, và cũng là lao động chính. Hàng ngày, Noor đi nhặt và phân loại rác, tìm những mảnh nhựa để đốt bếp và sắt vụn để bán.

“Em bắt đầu công việc khi mặt trời mọc và trở về nhà vào nửa đêm”, Noor nói. Ngôi nhà em ở chỉ là một căn phòng với vài tấm nệm xếp chồng lên nhau trong một góc, và một cái bếp dùng để nấu nướng và sưởi ấm.

Zahra Habibullah, bà mẹ đơn thân 51 tuổi của Noor, đã không thể trả tiền thuê nhà trong nhiều tháng, và số tiền ít ỏi mà Noor kiếm được dùng để mua thức ăn cho cả gia đình.

Hai năm trước, bà Habibullah đưa các con đến Kabul, sau khi ngôi nhà của họ ở tỉnh Kunduz phía Bắc bị tàn phá trong một cuộc không kích. “Chúng tôi đã ở ngay trên chiến tuyến, và Noor đã bị thương vì trúng đạn. Sau khi bị mất nhà, tôi đã quyết định chuyển đến Kabul sống để an toàn hơn”, bà kể lại.

Nhưng sau khi Taliban tiếp quản, bà Habibullah bị mất việc, do chủ của bà cũng gặp khó khăn tài chính và không thể giữ nhân viên.

Theo The Guardian, ngoài Shaista và Noor, hàng trăm trẻ em khác, mà một số em chỉ mới 4 tuổi, cũng đang phải vật lộn để kiếm sống mỗi ngày tại các khu chợ lớn ở Kabul. Có những em không còn cách nào khác ngoài việc bám theo các đám đông để xin ăn.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, có khoảng 97% người Afghanistan có thể đang sống dưới mức nghèo khổ kể từ tháng 6/2021.

Suy thoái kinh tế ở Afghanistan đã đẩy người dân nước này vào cuộc khủng hoảng đói ăn. Gần 80% chi tiêu của chính phủ cũ, tương đương 43% GDP của đất nước, là từ nguồn viện trợ nước ngoài. Sau khi Taliban nắm chính quyền vào tháng 8/2021, các nguồn viện trợ này đã nhanh chóng bị cắt.

Mặc dù Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi viện trợ lương thực cho Afghanistan, với giá trị khoảng 4,5 tỷ USD, nhưng các lệnh trừng phạt và cấm vận đột ngột đã khiến nước này không tránh khỏi vòng xoáy của sụp đổ kinh tế.

Khi các nguồn tiền viện trợ không còn, nhiều công chức, bác sĩ, giáo viên và người lao động - từng tham gia các chương trình hỗ trợ việc làm do các tổ chức nước ngoài thực hiện trước đây -  nay không có lương, và hàng triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói.

“Taliban thật sự không thể làm gì nhiều nếu các lệnh trừng phạt tiếp tục - không chính phủ nào có thể làm được, ngay cả khi họ có các chính sách hoàn hảo. Hiện tại, chính phủ Taliban đang cần tiền, cũng như sự công nhận của quốc tế, hơn bất cứ điều gì khác”, Haroun Rahimi - một nhà kinh tế người Afghanistan - nhận định và cho biết thêm, viễn cảnh này có vẻ khó xảy ra và tình trạng nghèo đói có thể tiếp tục gia tăng.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI