Người Afghanistan bán thận, bán con để có miếng ăn

20/01/2022 - 20:58

PNO - Kể từ khi phương Tây cắt nguồn viện trợ sau khi Taliban lên nắm quyền, nhiều gia đình Afghanistan phải bán thận, bán con để đắp đổi qua ngày.

Kể từ khi phương Tây cắt nguồn viện trợ sau khi Taliban lên nắm quyền, nhiều gia đình Afghanistan đã rơi vào cùng cực. Họ phải làm mọi việc để kiếm miếng ăn, từ ăn xin, nhặt rác thậm chí phải bán thận, bán con để đắp đổi qua ngày.

Hơn một nửa dân số đối mặt với nạn đói 

Đối với Zaigul - một bà nội trợ 32 tuổi sống tại trại Nasaji gần thủ đô Kabul - cuộc sống vốn đã rất khó khăn trước khi Taliban lên nắm quyền vào ngày 15/8/2021. Cô làm nghề giúp việc, còn Nasir chồng cô làm tại các công trường xây dựng để nuôi bảy đứa con. Nhưng giờ đây, đất nước đã chìm vào cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, nạn đói diễn ra khắp nơi và một bữa ăn đầy đủ cho gia đình gần như là xa xỉ. “Vấn đề cấp bách nhất là khó khăn về tài chính”, Zaigul nói khi đang ngồi trên tấm đệm cũ nát trải trên nền đá lạnh trong ngôi nhà nhỏ trống hoác. 

Hơn một nửa dân số Afghanistan đối mặt với nạn đói - ẢNH: AP
Hơn một nửa dân số Afghanistan đối mặt với nạn đói - ẢNH: AP

Giống như nhiều gia đình ở Afghanistan, Zaigul và Nasir thất nghiệp khi các công trình bị gián đoạn. “Không ai trong chúng tôi có thể tìm được việc làm. Chúng tôi thiếu những thứ cơ bản nhất - thức ăn, quần áo ấm và lò sưởi để giữ ấm vào mùa đông”, Zaigul nói. Hai con gái tuổi teen của cô ngồi nép bên cạnh mẹ, trong khi đứa con út ngồi chơi với những mảnh vải vụn cũ ở phía sau. “Các con tôi đi nhặt rác để bán hoặc đốt để giữ ấm. Đôi khi, tôi nghĩ đến việc tiếp tục ra đường để ăn xin”, cô nói khi gục đầu vào lòng bàn tay và nước mắt giàn giụa ở khóe mắt.

Eloom Bibi - bà mẹ sáu con góa bụa ở ngoại ô Jalalabad - cũng phụ thuộc rất nhiều vào các khoản từ thiện sau khi chồng cô qua đời cách đây bốn năm. “Lòng từ thiện của mọi người đã giúp tôi rất nhiều. Nhưng bây giờ, không có gì. Mọi người thất nghiệp và phụ nữ chúng tôi cũng không được ra ngoài làm việc”, người phụ nữ 35 tuổi nói. Cô than thở: “Trước đây, các con tôi được đi học nhưng giờ không có gì cả. Chúng tôi đang chờ chết trong nhà”. 

Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 22 triệu người - hơn một nửa dân số Afghanistan - phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Trong đó, hơn 3,2 triệu trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính và có thể có hơn một triệu trẻ em tử vong do suy dinh dưỡng.

Chồng đi bán thận, cha mẹ bán con 

Khi đói rét bám lấy từng nhà, cơm không có ăn, áo không có mặc, đêm thì rét dưới 00C, những cơ thể yếu ớt vì thiếu ăn càng lả đi. Để cầm cự qua ngày, rất nhiều gia đình đã bấm bụng bán con nhỏ để lấy tiền nuôi sống những người còn lại. Thà hy sinh một đứa con để cứu lấy nhiều đứa khác. Phần lớn những đứa trẻ bị bán đi là bé gái để làm người giúp việc, rồi sau này làm dâu cho những gia đình bỏ tiền mua. Đôi khi, cũng có bé trai được bán cho những gia đình không có con trai.

Cũng có gia đình không muốn bán con thì người chồng sẽ đi bán thận. Các bác sĩ ở thủ đô Kabul cho biết, có đến 99% là đi bán thận vì tiền, chỉ có 1% là hiến tặng cho người thân. “Thông thường, dựa vào nhóm máu mà một quả thận được định giá, trung bình là 4.000 USD”, bác sĩ Nasir Ahmad cho biết.

Với đôi mắt đỏ hoe, Ghulam Hazrat nói và vén áo để cho thấy những vết may chằn chịt bên eo trái sau khi bán một quả thận: “Tôi không thể tìm việc và cũng không thể ra ngoài ăn xin. Vì thế, tôi đã quyết định đến bệnh viện để bán thận. Với số tiền này, ít nhất tôi có thể nuôi các con mình được một thời gian”. 

Ngày 11/1, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi thế giới viện trợ 5 tỷ USD cho Afghanistan để tránh một “thảm họa” nhân đạo. Theo đó, số tiền sẽ được dùng vào những trường hợp khẩn cấp, cần thiết cho đất nước như cung cấp các nguồn lương thực, y tế thiết yếu hoặc trả lương cho nhân viên. 

Thu Thanh (theo Aljazeera, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI