Những trại lều tiếp cư trên đất Ông Tạ - Chí Hòa

14/03/2021 - 06:48

PNO - Hình ảnh và ký ức về trại tiếp cư ở Sài Gòn - khu Ông Tạ - Chí Hòa được nhà báo Cù Mai Công kể trong cuốn sách “Sài Gòn một thuở “Dân ông Tạ đó!”” (nhà xuất bản Trẻ) thật ấn tượng.

Trại tiếp cư lớn nhất Sài Gòn thời “Bắc 54” là Phú Thọ lều (nay là khu vực trường đại học Bách Khoa TP.HCM, Bệnh viện Trưng Vương). Nơi này có lúc là chỗ trú ngụ cho hơn mười ngàn người dân di cư từ Bắc vào Nam, với một khu lều trại được đặt trên bãi đất rộng mênh mông.

Sài Gòn một thuở “Dân Ông Tạ đó!” là những ghi chép từ ký ức sâu sắc của một người đã trải qua tuổi thơ trên vùng đất lạ lùng này. Ngày ấy điện chưa về, đêm xuống nhìn về phía trung tâm thành phố, chỉ thấy được những ánh đèn phía xa xa. Nơi đó đón nhận một đợt sóng di cư lớn chưa từng thấy của người từ đất Bắc vào phương Nam, hòa trộn nếp sống và văn hóa. Và đặc biệt, vùng đất ấy được gọi tên cho đến ngày nay bằng một địa danh thân thương: khu Ông Tạ.

Bức chân dung về đông y sĩ Thủ Tạ - Ông Tạ (tên thật là Trần Văn Bỉ) được tác giả khắc họa trên trang viết là hình ảnh vị lương y đúng nghĩa như từ mẫu. Tên ông trở thành tên đất, tạc vào lòng người muôn năm. Đến giờ, người đời vẫn gọi: chợ ông Tạ, ngã ba ông Tạ, cầu ông Tạ…

Đã có rất nhiều sách viết về thành phố nhưng chỉ cần gọi tên một vùng đất tưởng chừng quen thuộc với người Sài Gòn hôm nay vẫn còn bao điều ẩn giấu. Sài Gòn một thuở “Dân Ông Tạ đó!” mở đầu bằng chương viết về cuộc chiến vĩ đại và bi tráng của quân dân nhà Nguyễn trên đất ông Tạ. Những đồn lũy, ngôi mộ tập thể, những kiên cường, hy sinh với số người chết lên đến hàng vạn trong trận đánh Pháp được xem là lớn nhất của quan quân triều đại này.

Tác giả miêu tả rất tỉ mỉ không gian xưa để người đọc hình dung, đối chiếu với hình ảnh hôm nay. Đất ông Tạ - Chí Hòa thời ấy như một miền quê hẻo lánh, thiếu thốn điều kiện. Người sống trong cảnh không có điện, sử dụng nguồn nước giếng chảy bên dưới khu nghĩa địa, nhà cổng rào xiêu đổ, cửa cũng không đóng. “Người trong vùng cũng vậy. Dù gian khó chồng chất: nơi ăn chốn ở tạm bợ, sống chật chội trong các trại, ra vô mái lá lều tranh, lều bạt… nhưng họ vẫn cứ ngoi lên để sống” - tác giả viết.

Từ những trại lều tiếp cư đèn dầu nước giếng, đường đất chân trần dần hình thành những ngôi nhà, những “làng ông Tạ” và cứ thế ngày một phát triển. Bọn trẻ trong gian khó thiếu thốn cũng ngày một lớn lên.

Đôi lúc, trang viết như cuộc rong chơi cùng ký ức của tác giả với những câu chữ pha chút dí dỏm về: Giang hồ khu Ông Tạ “trai Nam Thái, gái An Lạc”, Dân Tân Sơn Hòa chung sống với dân Bắc 54 Ông Tạ ra sao? Dân Ông Tạ: Ra ngõ không đụng giang hồ thì gặp văn nghệ sĩ, Tản mạn chuyện ma khu Ông Tạ...

Cái sự “va đập” văn hóa của dân Nam - Bắc thuở ban đầu trên đất Ông Tạ được kể lại khá dễ thương. Như, dân Nam thấy người xứ Bắc sao… kỳ, ví dụ bà bán hàng tạp hóa “bán hàng kiểu gì mà suốt ngày chửi khách om sòm”. Ngược lại, dân Bắc không thể hiểu nổi vì sao lại có chuyện vợ cãi chồng um sùm, lại còn có bữa “nổi nóng, vợ xách dao phát cỏ rượt ông chồng chạy vòng quanh…”.

Rồi vợ chồng Bắc làm gì có chuyện “vợ ra quán ngồi vắt chân” cà phê với chồng. Lời của đứa trẻ di cư: “Đám con nít chúng tôi chơi rượt đuổi vô tận sân nhà họ, chưa nghe chửi lần nào. Chỉ nghe bà con dặn: “Trưa dì ngủ, mấy đứa Bắc kỳ con bây bớt la chút coi, chơi xong nhớ đóng cổng vô giùm dì nha!”. Nồng hậu là vậy, tình cảm là vậy. Và họ đã dung hòa với nhau, sống cùng nhau trên đất lành.

Sài Gòn một thuở “Dân Ông Tạ đó!” chưa đầy 200 trang nhưng chứa đựng cả một giai đoạn hơn nửa thế kỷ của đất Ông Tạ, từ lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa… Những ghi chép sống động, ngồn ngộn thông tin chi tiết về sự kiện, con người, vùng đất.

Nhìn lại hình ảnh những trại lều tiếp cư, những “khuôn mặt Bùi Chu” nhìn về đất mới lạ lẫm khi vừa cập bến Bạch Đằng, những cụ bà răng đen rời tàu USS Bayfield ngày đặt chân xuống Sài Gòn năm 1954… chợt thấy trăm năm ngoảnh lại đã như một cái chớp mắt. 
 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI