Những người già cô độc ở nơi thọ nhất thế giới

13/05/2025 - 06:45

PNO - Góa phụ Law Wai-ho năm nay 82 tuổi. Bà sống một mình ở Hồng Kông (Trung Quốc) và lo sẽ không có ai ở đó để giúp đỡ mình nếu có chuyện gì xảy ra. Bà từng bị ngã trên phố và không thể đứng dậy cho đến khi một nhân viên an ninh đưa bà đến bệnh viện và ở đó suốt 1 tuần mà không có người thân bên cạnh.

Sống nhờ trợ cấp của chính phủ, bà Law cho biết con trai bà hiếm khi đến thăm, trong khi con gái lại sống ở xa. “Tôi dành phần lớn thời gian ở nhà một mình. Thậm chí không ai biết tôi đã chết hay chưa” - bà Law nói. Bà phải dùng gậy để đi lại, bị đau thắt ngực, tiểu đường và cao huyết áp.

Bà Law là một trong những “người già ẩn dật” ở Hồng Kông. Đây là nơi có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, nhưng người già lại thiếu sự chăm sóc của gia đình, sự quan tâm của xã hội. Các chuyên gia và nhân viên xã hội cảnh báo những cư dân lớn tuổi này phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe thể chất và tinh thần, cần được hỗ trợ kịp thời hơn. Tình trạng này lại 1 lần nữa được báo động khi mới đây, một người lớn tuổi được phát hiện đã chết nhiều ngày mà không ai biết. “Thật không thể tin được là người ta chỉ tìm thấy người đàn ông lớn tuổi khi ông chỉ còn lại bộ xương. Điều này cho thấy ông ấy không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ có hệ thống nào” - ông Tik Chi-yuen - người đại diện cho ngành phúc lợi xã hội - cho biết.

Số lượng người cao tuổi ở Hồng Kông đang tăng rất nhanh - ẢNH: DICKSON LEE
Số lượng người cao tuổi ở Hồng Kông đang tăng rất nhanh - Ảnh: Dickson Lee

Theo điều tra dân số năm 2021, có hơn 188.000 người từ 65 tuổi trở lên sống một mình ở Hồng Kông và khoảng 396.000 cư dân cao tuổi chỉ sống với vợ hoặc chồng của mình. Theo dự báo, số người từ 65 tuổi trở lên ​​sẽ tăng gần gấp đôi, từ 1,45 triệu năm 2021 lên 2,74 triệu vào năm 2046.

Các cơ quan phúc lợi đang nỗ lực thiết lập một cơ sở dữ liệu tập trung về những người làm công việc chăm sóc, bao gồm cả những người chăm sóc người cao tuổi. Ông Tik kêu gọi chính phủ triển khai cơ sở dữ liệu này càng sớm càng tốt. Cần mở rộng không chỉ đối tượng người chăm sóc mà còn cả người cao tuổi sống một mình hoặc chỉ có vợ hoặc chồng, người khuyết tật và người mắc bệnh mãn tính. Điều này nhằm giữ liên lạc thường xuyên với người cao tuổi, giúp họ không gặp nguy hiểm hoặc gặp vấn đề mà không được người khác thông báo.

Ted Lui Chi-ho - nhà tổ chức cộng đồng tại Hiệp hội Tổ chức cộng đồng - đồng tình với kêu gọi của Tik. Ông cho biết đây chỉ là bước đầu trước khi cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc hơn cho nhóm này.

Giáo sư Paul Yip Siu-fai - Khoa Công tác xã hội và quản lý xã hội của Đại học Hồng Kông - cho rằng, có những khoảng cách về dịch vụ cần được thu hẹp. Ông lưu ý, một dự án do Quỹ Từ thiện Hong Kong Jockey Club Charities Trust tài trợ và được trường đại học hỗ trợ đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để tìm kiếm những cư dân lớn tuổi bị cô lập về mặt xã hội. “Đây là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta. Chúng ta cần xem xét tình hình một cách nghiêm túc và cố gắng đưa ra một hệ thống hỗ trợ tốt hơn” - ông khẳng định.

Thảo Nguyễn (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI