"Avatar" của phụ nữ hiện đại

Những lá thư của thập niên 80

06/03/2020 - 10:09

PNO - Chờ đến lúc sự trân quý người phụ nữ không còn bị thu hẹp trong một ngày của tháng ba, hẳn sẽ còn là một quãng đường dài. Cho tới khi đó, tôi mong những người phụ nữ trong đời mình sẽ tìm được cảm giác nhẹ nhõm mà sống.

"Avatar" của phụ nữ hiện đại

Nói về phụ nữ hiện đại, người ta hình dung ra một thế hệ phụ nữ trẻ xinh đẹp, năng động, hướng ngoại và “biết buông bỏ” những trách nhiệm truyền thống, những danh hiệu truyền đời về đức hy sinh.

Nhưng, liệu cái “avatar” mới đó đã đúng với thế hệ phụ nữ trẻ chưa, khi vẫn có những cô gái trẻ khước từ hạnh phúc cá nhân, quên thân ở xứ người cho những chuyến làm ăn sinh tử, những cuộc “hôn nhân kinh tế” - vì gia đình?

Có lẽ, mang bất kỳ một hình ảnh nào ra làm “avatar” cho một thế hệ phụ nữ đều có phần phiến diện. Nhưng vẫn có những nguyên cớ, những chất liệu thời cuộc làm ra những hạnh phúc hay bi kịch chung của cả một thế hệ - dù là cô gái đi giày cao gót khước từ hy sinh, hay một đứa con đánh đổi sinh mạng vì gia đình...

 Bài 1Phụ nữ và áp lực của "văn minh"

Trong mớ đồ lưu niệm cất ở một góc tủ, ngoài những cuốn album, mấy cuộn phim gốc, vài tấm postcard từ những địa danh lớn, có một xấp thư tay được xếp gọn ghẽ vào chiếc bao thư cũ mèm đã rách gần hết.

Con tem còn in dấu bưu điện một thành phố của châu Âu, địa chỉ nhận là một khu xóm nghèo của quận tư Sài Gòn. Xấp thư của thập niên 80, nay đã hơn 30 năm tuổi, mực viết vẫn rõ nhưng mặt giấy đã ố vàng, nhám bụi, mỏng manh. 

Bà tôi sinh chín người con, trong đó hai người con gái tìm được đường sang nước ngoài làm việc từ khi còn rất trẻ rồi định cư luôn ở đó. Những năm đó các dì chỉ độ ngoài 20 tuổi, đi làm ở nhà máy, công việc cụ thể là gì trong thư chẳng kể rõ. Chỉ biết mỗi lá thư đi kèm với mấy chục đồng mác gửi cho bà tôi, vài món quà linh tinh cho em út và người thân trong gia đình như móc khóa, dây đeo tay, mắt kiếng, thậm chí quần áo lót.

Thư viết cho bà tôi thường khuyên bà bớt nhọc nhằn, dùng tiền đó mà làm những việc bà thích như đi chùa lễ Phật, cho lòng thảnh thơi đôi chút. Thư viết cho các cậu thì đầy những trăn trở dặn dò, hỏi thăm điểm số thứ hạng trong lớp. Có thư còn chỉ rõ những lỗi ngữ pháp, chính tả, sửa lại những dấu chấm dấu phẩy mà cậu tôi khi ấy - một cậu bé lớp năm - khi viết thư cho các chị mình đã viết sai.

Tôi lớn lên vào những năm 90, khi câu chuyện của cái nghèo dần trở thành quá khứ. Tôi nghe kể nhiều câu chuyện: về bà tôi một mình nuôi chín đứa con ăn học dù gia cảnh rất nghèo, về các dì tôi chật vật chắt chiu với mức lương công nhân ở nước ngoài để giúp nuôi đàn em lóc nhóc ở Sài Gòn. Nhưng đó chỉ là sự tóm gọn rất nhỏ so với bao nhiêu trăn trở của thời gian khó đó.

Đọc thư của các dì có lúc bật cười vì những đoạn sửa chính tả, câu cú rất tỉ mỉ, có lúc lại thấy thương cho nỗi nhớ nhà, nhớ Sài Gòn, nhớ giọng nói của ”má và các em”. Có những dòng thư tự vấn về trách nhiệm với gia đình, với tư cách là một đứa con và một người chị lớn, liệu đã làm đủ cho gia đình chưa. Có những dòng thư phảng phất nỗi bồi hồi của những ngày cận tết, hỏi về mâm quả, rồi dặn dò mấy đứa em hồi âm kể về cuộc sống thường nhật.

Không có internet phủ sóng, không có mạng xã hội và những cuộc điện thoại cũng rất khó khăn, cuộc sống tha hương của người Việt khi ấy cần thật nhiều kiên nhẫn, thật nhiều dũng khí và niềm tin vào phía trước. Mặc dù không thể nói sự tha hương bây giờ dễ dàng hơn ngày xưa.

Thư của các dì khiến tôi nhớ về câu chuyện của năm trước, về một người em gái cũng tìm đường sang miền đất hứa để tích góp gửi về cho gia đình. Nhưng sự ra đi đó kết thúc trong bi kịch. Rất nhiều ngày sau sự việc, tôi vẫn nghĩ mãi về con đường cô đơn của em, sự tuyệt vọng của em, nỗi sợ hãi của em khi cái chết gần kề, mặc dù em không viết gì về những điều này trong những dòng tin cuối.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thay vào đó, em xin lỗi cha mẹ vì ước nguyện không thành. Vì sao đến cả giây phút cuối cùng em vẫn mang theo cảm giác có tội, rằng lẽ ra em phải sống, phải bám trụ lại xứ người, phải giúp gia đình em thoát khổ, thoát nghèo. Vì sao đến khi chết, em vẫn đem theo mặc cảm em vẫn còn trách nhiệm trên vai.

Bà tôi mất đột ngột vào một ngày hè. Khi các dì về tới quê sau hai chuyến bay dài, quan tài đã đóng nắp, không kịp nhìn thấy bà hay chạm vào bà lần cuối. Tôi nhớ mãi thân người bé nhỏ của dì tôi bên quan tài, dì cúi đầu thì thầm thật lâu như chuyện trò với bà tôi lần cuối.

Không biết khi ấy dì có tự trách mình không. Chẳng hiểu sao cảm giác có lỗi như đi liền với những người phụ nữ trong gia tộc tôi, như thể sự hy sinh là số mệnh, là điều hiển nhiên, và những trách nhiệm nặng nề đi kèm với nó - như sự thịnh vượng sống còn của một gia đình - luôn đặt lên vai những con người này, đến tận giây phút cuối cùng. Có lẽ vì họ sinh ra trong một thời đại mà sự hy sinh, sự vong thân được xem là đức tính, là phẩm hạnh của người phụ nữ.

Xã hội ngày nay đang dần đi xa khỏi những diễn ngôn đó, nhưng dư chấn của nó vẫn còn vang vọng, tiếp diễn. Chúng ta có những biến thể khác về kỳ vọng đối với một người phụ nữ, có thể không còn là sự hy sinh quên mình cho gia đình nữa, mà là sự tháo vát vẹn toàn, vẻ đẹp hình thể hoàn hảo, hay những tuyên ngôn về lối sống hiện đại, tân tiến, tự do.

Dù đó là gì, những chân lý mới để ”định giá” thế nào là một người phụ nữ trọn vẹn và thực thụ của thời đại này vẫn tiếp tục bồi đắp cho niềm tin rằng giá trị của một người phụ nữ luôn nằm ngoài bản thân họ. Cảm giác là người có tội, có lẽ vì vậy, chưa bao giờ có thể mất đi.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Chúng ta có thể dành những đóa hồng, những lời ca bay bổng để khen ngợi và tri ân những người phụ nữ trong đời mình. Nhưng đó chỉ là câu chuyện của một ngày. Nó không thể thay đổi căn tính của một xã hội luôn đòi hỏi người phụ nữ phải chứng minh được nhiều hơn thế.

Nó không thể xóa đi cảm giác có lỗi và nỗi mặc cảm khi mọi nỗ lực chưa bao giờ đủ. Nó không thể làm vơi đi những áp lực và trách nhiệm mà người ta thường quy về thành câu chuyện của thân phận, của số mệnh. 

Chờ đến lúc sự trân quý người phụ nữ không còn bị thu hẹp trong một ngày của tháng ba, hẳn sẽ còn là một quãng đường dài. Cho tới khi đó, tôi mong những người phụ nữ trong đời mình sẽ tìm được cảm giác nhẹ nhõm mà sống, không phải đem những lỗi lầm và sự chấp nhặt của thế giới đặt lên vai mình nữa. 

Mai Thảo Yên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Huỳnh My 06-03-2020 14:53:31

    Vậy mà Sếp tui (nữ) lại phán "Đàn ông không có lấy 1 ngày tôn vinh mà phụ nữ có đến 2 ngày, cho nên tiền quà không bớt thì thôi chứ tăng thêm gì"???

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI