Những đứa con đã lớn

16/02/2015 - 13:46

PNO - PN - Công Vinh:

edf40wrjww2tblPage:Content

Ca khúc khải hoàn 

Cuối năm 2005, cả nước rúng động bởi nghi án cá độ tại Sea Games 23 bị phát giác, Văn Quyến và một số cầu thủ vướng vào vòng lao lý. Tại “thánh địa” Vinh, chúng tôi gặp Công Vinh. Danh thủ của SLNA ngày đó nói một câu làm tôi nhớ mãi: “Cứ đá cho hay và cống hiến hết mình, mọi điều tốt đẹp sẽ đến”.

Tỏa sáng sau Văn Quyến và có những bước đi dài, vững chắc, Công Vinh khôn ngoan biết né tránh những cám dỗ đời thường. Điểm xuất phát thấp, luôn đối mặt với khó khăn từ thuở mới mon men đặt chân vào lò bóng đá Sông Lam, nhưng Công Vinh đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại và ca khúc khải hoàn.

Nhung dua con da lon

Công Vinh luôn bền bỉ và kiên cường trên sân cỏ

Chúng tôi phóng xe về Hoàng Mai (Quỳnh Lưu, Nghệ An) trong mưa bụi và mơ hồ hình dung về một Công Vinh xa lơ xa lắc, một Công Vinh đen như que than mặc xà lỏn tả xung hữu đột với quả bóng nhựa, hoặc có khi chỉ là một búi cỏ khô, cuộn rơm, mải mê hò reo cùng lũ bạn trên đường làng. Dưới căn nhà nhỏ, tôi được nghe mẹ Công Vinh kể về gia đình mình. Bà mở đầu câu chuyện bằng một hoài niệm: “Hồi nhỏ, nó hay đá bóng với cu Lệnh. Cu Lệnh bằng tuổi cu Vinh, vừa câm vừa điếc. Hai đứa như hình với bóng. Có lẽ cũng một phần nhờ cu Lệnh mà hồi nhỏ Vinh đá bóng hay như thế”, rồi bà lặng lẽ nhìn ra con đường phía trước. Nơi đây, đã bao năm, bà nín lặng dõi theo từng bước đi của con.

Quê xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, bà Hồ Thị Tuệ (SN 1957) từng đi bộ đội ở Lào và tại đây, những năm quăng quật trong rừng, bà đến với ông Lê Công Duệ (SN 1952, quê xã Minh Thành, huyện Yên Thành). Mãn hạn nghĩa vụ quân sự, hai vợ chồng trở về sinh sống tại quê ngoại Quỳnh Lâm. Bà Tuệ sinh hạ bốn đứa con. Gia đình đông con, kinh tế lại khó khăn, vợ chồng bà Tuệ trải qua những năm tháng “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Khoảng năm 1991, ông Lê Công Duệ bị chấn thương nặng trong một vụ tai nạn giao thông. Thời gian dài nằm viện, tiền thuốc thang chạy chữa khiến gia tài khánh kiệt. Sau khi bình phục, để có tiền nuôi con, ông Duệ liều lĩnh vận chuyển “hàng cấm” cho một người quen, bị bắt ngay từ “phi vụ” đầu tiên. Năm 1995, bà Hồ Thị Tuệ đi bước nữa.

“So với Văn Quyến, Công Phượng, Vinh thiệt thòi hơn nhiều. Nỗi khổ của nó không chỉ là cơm ăn áo mặc thường ngày mà nó còn nỗi khổ về tinh thần”, bà Tuệ nói. Trong những tháng năm cơ cực ấy, căn nhà để ở cũng dột nát, chị em nhà Công Vinh phải nương nhờ ông bà ngoại xa tít tận Quỳnh Lâm. Đam mê bóng đá, 14 tuổi Lê Công Vinh được tuyển vào lò đào tạo bóng đá trẻ SLNA, bắt đầu sự nghiệp
cầu thủ.

“Hồi nó đi học đá bóng cũng hao tiền tốn của lắm. Tiền ăn, tiền học phí hàng tháng, lấy đâu ra? Tôi nghèo, chẳng có tiền cho con ăn học, may nhờ có người thân hỗ trợ, san sẻ gánh nặng”, bà Tuệ nói.

Công Vinh khởi nghiệp cầu thủ khá muộn và gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Thậm chí, ngày “đầu quân” vào đội hình bóng đá trẻ của SLNA, anh bị đánh giá là không có nhiều triển vọng, cả kỹ thuật lẫn tâm lý thi đấu. Cùng một lứa với Văn Quyến, nhưng khi Quyến được vinh danh Cầu thủ xuất sắc nhất giải vô địch U-16 châu Á, tiếng tăm nổi như cồn, thì Công Vinh vẫn là một chân sút “vô danh tiểu tốt” không mấy ai để ý đến. Năm 18 tuổi, Công Vinh được gọi vào đội chính của SLNA, tạo dấu ấn ở giải JVC Cup 2003 và các năm sau đó, Lê Công Vinh liên tục tỏa sáng.

Trong một lần tôi tiếp xúc với cựu HLV trưởng đội tuyển bóng đá QG Nguyễn Thành Vinh tại nhà riêng cạnh hồ Cửa Nam, ông Vinh nói: “Lê Công Vinh là một trong những cầu thủ tốt nhất của BĐVN từ trước tới nay, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Anh không chỉ có sự dẻo dai bền bỉ, kỹ thuật khéo léo và bùng nổ đúng thời điểm, mà còn thể hiện ý chí thi đấu kiên cường”. Ý chí ấy, có lẽ đã được tôi luyện, rèn giũa trong những tháng năm khó khăn gian khổ nhất, ngày anh chập chững bước vào sân cỏ.

Ngôi sao tài năng từng ba lần đoạt danh hiệu quả bóng vàng VN vẫn không quên xứ sở, gốc gác của mình. Mỗi lúc rảnh rang, Công Vinh lại chạy về thăm mẹ. “Từ nhỏ, khi vào Sông Lam, em luôn được mẹ chăm sóc từng ly từng tí. Một tháng mẹ đánh đường vào Vinh một lần, nhà còn thiếu thốn nhưng mẹ luôn dành cho em những gì tốt đẹp nhất. Những lúc em gặp khó khăn, bế tắc trong thi đấu, mẹ luôn gọi điện động viên và nói “con không đá bóng nữa thì về với mẹ”, Vinh nói. Bà Hồ Thị Tuệ cho biết, con trai bà đã bỏ ra 1,2 tỷ đồng mua cho bố một căn hộ chung cư tại Vinh, sắm ô tô tặng mẹ và dượng. Cứ mỗi lần có dịp về xã Quỳnh Lâm, Lê Công Vinh lại rảo cẳng đi tìm cu Lệnh, đứa bạn khố rách áo ôm ngày nào.

Nhung dua con da lon

Gia đình Công Vinh tại Nghệ An

Sánh đôi cùng Thủy Tiên và có với nhau một nàng công chúa kháu khỉnh, Lê Công Vinh đang sống những ngày yên ả, hạnh phúc nhất trong đời. Là người vợ, Thủy Tiên luôn đồng hành, theo dõi các trận đấu chồng cô tham gia. Chỉ ít giờ sau khi đội tuyển Việt Nam để thua đối thủ Malaysia trong trận bán kết tối 11/12/2014, Công Vinh đã gửi lời xin lỗi tất cả người hâm mộ Việt Nam. Ngay lập tức, rất nhiều cổ động viên đã gửi lời chia sẻ, động viên chân sút xứ Nghệ.

Trước tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng của chồng, Thủy Tiên công khai viết lời an ủi Công Vinh trên trang cá nhân: “Hôm nay bạn ấy ghi hai bàn, vậy mà rốt cuộc gọi về nhà hình như đang khóc và giọng khàn đi... thôi đừng buồn nữa, dù sao bạn cũng đã cố gắng đến những phút cuối cùng. Cuộc sống có được thì có mất, ngày mai bạn còn nhiều việc phải đối mặt, lạc quan lên nhé...”.

“Được gặp Thủy Tiên, trở thành vợ chồng là duyên trời định. Cô ấy quá tuyệt vời! Thủy Tiên biết chăm sóc cho chồng con từng bữa ăn, giấc ngủ và sẵn sàng dẹp chuyện ca hát để làm mọi việc tốt đẹp nhất cho chồng mình”, Công Vinh chia sẻ. 

Văn Quyến, nẻo về...

Gần chục năm trước, khi cái tên Văn Quyến đang... sôi sùng sục, chúng tôi thường phóng xe từ Vinh về xóm nhỏ hẻo lánh xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên, Nghệ An) gặp mẹ anh, bà Hồ Thị Niềm. Lúc để chia sẻ niềm vui, khi để động viên bà. Mỗi lần tiễn khách rời căn nhà cấp bốn hiu hắt, bà Niềm thường đưa chúng tôi ra tận ngõ. Gương mặt phảng phất buồn cố hữu, giọng nói khàn trầm và cả đôi mắt lúc nào cũng như ngấn lệ, đã toát lên những tủi cực, đắng cay mà bà phải chịu đựng suốt một thời gian dài, khi tình riêng chưa vận vào ai và cả khi bà đã là mẹ của một cầu thủ nổi tiếng, của một “ngôi sao lầm lạc”.

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở một xã thuần nông, học xong trường làng, Hồ Thị Niềm xin đi làm công nhân cầu đường với hy vọng “thoát ly cho đỡ cực”. “Hồi đó cả xã thắp đèn dầu, đói triền miên. Bạn bè cùng trang lứa chẳng mấy người được vào cao đẳng - đại học, hầu hết làm nông. Nghề nông cơ cực, không có tương lai. Xin được chân công nhân như tôi, dù lương ba cọc ba đồng nhưng dẫu sao cũng là... người nhà nước”, bà Niềm kể. Manh áo vá vai, ngày quăng quật, lầm lũi bám mặt đường, đêm về mấy chị em quây quần trong căn nhà tập thể cũ nát. Thân gái dặm trường thoát khỏi lũy tre làng này, lại gặp một lũy tre làng khác, buồn và tủi.

Trong những ngày vất vả ấy, Hồ Thị Niềm đã “trao thân gửi phận” cho một đồng nghiệp. “Mối tình đó không dài, nhưng tôi đã có những phút giây hạnh phúc”, rọi cái nhìn hư hao ra khoảng sân đầy nắng, bà Niềm bất chợt mỉm cười, nhưng không nhắc đến tên “chồng”. Bởi khi bà Niềm mang thai, người đàn ông đó đã không ở bên để chia sẻ nỗi vất vả với bà.

Ngày 29/4/1984, bà Niềm trở dạ. Bé trai kháu khỉnh chào đời, hơi thiếu cân vì mẹ đói. Không đủ sữa, nhiều hôm bà Niềm phải bế con đi khắp làng, xin cho con bú mướn. Đứa bé lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà, của các cậu, các dì bên ngoại. Lúc lọt lòng, đứa bé không nhìn thấy mặt cha, quãng thời gian dài sau đó người cha vẫn biệt vô âm tín, không thèm đoái hoài đến hai mẹ con bà Niềm. Bà đặt tên con là Quyến, vẫn phải mang họ Phạm của cha nó, tên lót là Văn. Lót thêm chữ Văn, bà Niềm mong sau này con mình được học hành, có chút chữ nghĩa.

Nhung dua con da lon
 

Vợ chồng Văn Quyến

Quyến lớn lên, khôi ngô, tuấn tú. Học lực thuộc loại làng nhàng, nhưng ơn giời, cậu sớm bộc lộ năng khiếu bóng đá. Ngõ xóm, đồng bãi chăn trâu, cái sân nhà chật chội, bất cứ đâu cũng là sân đá bóng của Quyến và lũ bạn. Bà Hồ Thị Niềm trở lại với công trường, cuối tuần lại đạp xe về thăm mẹ, thăm con. Niềm vui từ đứa con mang lại giúp bà quên đi nỗi buồn thân phận. Thỉnh thoảng sực nhớ ra, Quyến gặng hỏi: “Cha đi đâu hả mẹ?”. Bà Niềm nhìn con, gượng cười mà trong lòng đắng ngắt. “Cha con đi làm ở xa, tết mới về!”.

“Khi còn nhỏ, nó sống khép mình, trầm tĩnh. Sau này lớn lên cũng vậy, ít nói, chính vẻ ngoài lầm lì, lạnh nhạt ấy khiến nhiều người hiểu sai về Văn Quyến, cho rằng nó khó tiếp xúc, khó gần”, bà Hồ Thị Niềm kể. Năm 12 tuổi (1996), Đoàn bóng đá Sông Lam tuyển lớp đào tạo bóng đá trẻ, Phạm Văn Quyến được nhận vào luyện tập, bắt đầu sự nghiệp cầu thủ. Từ “lò” bóng đá SLNA, năm 1998, Văn Quyến tham gia giải bóng đá thiếu niên toàn quốc và cùng Như Thuật, Văn Quyến đưa đội Nghệ An đoạt ngôi vương với chiến thắng giòn giã 4 - 0 trước đội Khánh Hòa.

Năm 1999, Phạm Văn Quyến trở thành cầu thủ xuất sắc nhất giải U16 toàn quốc. Năm sau, anh được gọi vào đội tuyển U16 quốc gia. Tại vòng chung kết U16 châu Á, đội Việt Nam xếp vị trí thứ 4 và Phạm Văn Quyến được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất giải. Năm 2003, Văn Quyến liên tục được bình chọn cầu thủ xuất sắc nhất trong giải bóng vô địch quốc gia và được gọi vào đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tham dự Sea Games 22. Ở giải đấu này, anh đã thi đấu thành công, ghi được nhiều bàn thắng vang dội và trở thành cầu thủ được nhắc đến nhiều nhất.

Từ một cầu thủ làng, trưởng thành tại chảo lửa thành Vinh và vụt sáng, trở thành một ngôi sao sân cỏ, Văn Quyến được tung hô, săn đón khắp nơi. Ở quê nhà Hưng Nguyên, người mẹ lặng lẽ dõi theo con. Khi cậu con trai Văn Quyến ở giai đoạn đỉnh điểm vinh quang, mỗi ngày, bà Niềm nhận được hàng trăm bức thư của người hâm mộ trong Nam ngoài Bắc. Từ những vùng đất xa ngái, nhiều cô gái trẻ đánh đường tìm về nhà bà, nằng nặc đòi bà Niềm nhận làm... con dâu. “Nó còn trẻ, chưa tính chuyện vợ con vội, phải lo đi đá bóng cái đã!”, bà bảo. Có bữa sau trận bóng, tên tuổi Văn Quyến được tung hô ầm ĩ, bà nhấc máy gọi cho tôi, hỏi dồn dập: “Chú xem, nó đá như rứa đã hay chưa?”.

Trong vầng hào quang và “bị” vây quanh bởi những lời ca tụng, không tỉnh táo sẽ thành một ngôi sao lầm lạc. Năm 2005, Phạm Văn Quyến cùng một số cầu thủ bị bắt, bị khởi tố vì liên quan những bê bối sân cỏ tại vòng bảng Sea Games 23. Lãnh án tù treo và bị treo giò một thời gian dài, sự nghiệp cầu thủ của Văn Quyến từ đỉnh cao vụt rơi xuống vực sâu. Gánh chịu đau đớn này không chỉ mình Văn Quyến, mà còn có mẹ anh. Bà Niềm gầy rộc, mất ngủ triền miên. Nỗi đau tình phụ đã từng làm bà chao đảo, giờ thêm bi kịch con trai vướng vào vòng lao lý, bà Niềm dường như kiệt sức.

Trong lý lịch của mình, những dòng khai về cha có lúc Quyến để trống, có lúc ghi hai chữ “đã mất”. Quá khứ là vết thương, nhưng tình cha con vẫn luôn là sợi dây vô hình, ràng rịt. Có lần, Quyến vào Nam tìm cha. Cuộc hội ngộ bất ngờ và ngắn ngủi. Trong giai đoạn Văn Quyến bị treo giò, ông Phạm Văn Thập - bố của Quyến bị bệnh nan y. Tâm nguyện cuối cùng của ông Thập là được vợ và con trai tha thứ, được trở về quê hương bản quán những năm tháng cuối đời.

Thương cha, Quyến lặn lội vào Cần Thơ đưa ông Thập về Diễn Châu - Nghệ An, chăm sóc cho đến khi cha mất. V-League 2009, Văn Quyến trở lại sân cỏ, thi đấu cho CLB bóng đá SLNA, sau đó chuyển ra Ninh Bình, nhưng không còn giữ được phong độ như xưa. Ngày 19/4/2014, Phạm Văn Quyến tuyên bố giải nghệ và chưa đầy ba tháng sau, anh cưới vợ. Không để mẹ phải bơ vơ một mình, vợ chồng Văn Quyến đưa bà Niềm xuống phường Hưng Bình, TP Vinh sinh sống. 

Bán lợn, vay tiền cho Công Phượng đi... đá bóng

Bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ Công Phượng kể, thuở ấy, nhà nghèo, bố Phượng, ông Nguyễn Công Bảy phải đi làm thợ nề kiếm sống, mỗi tuần ba buổi bà Hoa lọc cọc đạp xe chở Công Phượng vượt 20 cây số lên thị trấn Đô Lương (Nghệ An) tập đá bóng, lớp năng khiếu bóng đá nhi đồng do thầy Trương Quang Vinh (Trung tâm VH-TT huyện Đô Lương) huấn luyện. Con mải mê tập trên sân, mẹ ngồi đợi từ trưa đến tối mịt. Mùa gió Lào nắng như đổ lửa hay mùa đông lạnh buốt, Công Phượng vẫn không chịu bỏ tập ngày nào. “Có hôm bụng đói, nó đá hăng quá, ngất xỉu. Thầy Vinh phải mua mì tôm về cho nó ăn lấy sức”, bà Hoa kể.

Phát hiện năng khiếu bóng đá và những tố chất vượt trội của Công Phượng, năm Phượng 10 tuổi, huấn luyện viên (HLV) Trương Quang Vinh đưa cậu xuống “lò” đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An (SLNA), nhưng sau một tháng tập luyện, cầu thủ nhí Công Phượng bị gạt ra rìa vì thấp bé nhẹ cân, thể lực yếu. Trở về Đô Lương, cậu bé không nản, hàng ngày vẫn nằng nặc đòi mẹ đạp xe chở lên sân vận động huyện để tập bóng. Thương con, bà Nguyễn Thị Hoa bỏ cả việc đồng áng, chợ búa, bất chấp nắng mưa, ngày hai buổi gồng mình đạp xe vượt hàng chục cây số đèo con đi về. Sự tận tâm của bà đã tiếp thêm nghị lực, sức mạnh để con trai theo đuổi, thực hiện giấc mơ cháy bỏng của mình.

Nhung dua con da lon

Giây phút vui sướng của Công Phượng khi ghi bàn

Năm 2006, xem ti vi thấy Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tuyển cầu thủ trẻ, Công Phượng đòi bố đưa đi thi. “Cả đời tau biết Gia Lai ở mô mà đưa mi đi!”, ông Nguyễn Công Bảy ngán ngẩm lắc đầu, nghĩ đến đường xa. Nhưng thấy cu cậu suốt ngày ngồi ủ rũ ở góc nhà, thương con, ông Bảy bàn với vợ bán một con lợn, ba tạ lúa, vay mượn thêm hàng xóm được ba triệu đồng giắt lưng đưa Công Phượng vào Gia Lai “ứng thí”.

Một giờ sáng xuất phát, rời Đô Lương, rạng sáng hôm sau vào đến Gia Lai. Mua cho con chiếc bánh mì cầm hơi và đợi mưa tạnh, ông Bảy dò hỏi đường, dẫn Công Phượng đến đại bản doanh HAGL. Vượt qua vòng thi thứ nhất, Công Phượng được HLV yêu cầu ở lại thi chung kết. Sợ không đủ tiền tàu xe, ông Nguyễn Công Bảy đưa Công Phượng xuống Bình Dương tá túc trong phòng trọ của anh trai Phượng. Vượt qua hơn 400 thí sinh đến từ các tỉnh thành khắp cả nước, Nguyễn Công Phượng bước vào chung kết, chiến thắng giòn giã. Cậu bé gầy nhẳng, từng bị từ chối vào đội hình cầu thủ nhí SLNA ngày nào đã trở thành học viên của HAGL, rồi “nhạc trưởng” bóng đá U19 toàn quốc.

Đường 15A như một lằn roi quất ngang sông Lam, trên tuyến đường chiến lược một thời ấy là dấu tích của Truông Bồn huyền thoại. Mỹ Sơn, một trong hai xã đầu tiên của Đô Lương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) nhưng ngó quanh vẫn là xã nghèo. “Toàn xã có hơn 1.400 hộ, gần 6.000 nhân khẩu, xã thuần nông nhưng khó khăn về thủy lợi, nguồn sống chủ yếu trông chờ vào ruộng lúa nương khoai, Mỹ Sơn đứng trong top những xã nghèo nhất của huyện”, Phó chủ tịch xã Mỹ Sơn Nguyễn Công Minh cho hay. Vùng đất khắc nghiệt thường là nơi sản sinh ra những anh tài, hào kiệt trong thiên hạ. Thấm cái khó, cái khổ từ thuở mới lọt lòng, những người như Công Phượng đã dạn dày nắng mưa, bền bỉ chịu đựng gian truân và bùng nổ, tỏa sáng.

Dành cho con tất thảy sự ngọt ngào, trìu mến, nhưng ông Bảy bà Hoa không muốn Công Phượng cứ mãi cuộn mình trong tổ kén. “Chúng tôi không có tiền để mua sắm, trang trải các phương tiện sinh hoạt đắt đỏ cho con. Hành trang của nó mang theo chỉ có tình thương, tính tự lập, sức chịu đựng và nỗ lực vượt qua gian khổ. Hãy quăng con ra với đời, cuộc đời sương gió sẽ giúp nó cứng cáp, mạnh mẽ hơn!”, ông Nguyễn Công Bảy triết lý. Người mẹ đã đội mưa gió đèo con vượt quãng đường xa ngái, bỏ ruộng vườn đồng áng, bỏ chợ búa chỉ để... đưa con đi đá bóng; người cha từng bất chấp gió rét, trùm áo mưa ngồi trên vệ cỏ, miệng hò hét cổ vũ con thi đấu trên sân tập của HAGL mà quên cả đường về xa lơ xa lắc và bữa cơm chiều ướt sũng nước mắt, đã chịu nhiều thiệt thòi để con trai mình có thể thực hiện hoài bão, mơ ước và thổi bùng ngọn lửa đam mê trong tim “cậu bé vàng”.

Nhung dua con da lon

Công Phượng với các bạn ở quê nhà

Giờ đây, Công Phượng đã là một tuyển thủ xuất sắc U19 VN và được dẫn dắt bởi vị HLV người Pháp, nhưng chàng cầu thủ quê Nghệ An vẫn không quên người thầy đầu tiên dẫn dắt em vào sân cỏ. “Công Phượng thường xuyên gọi điện thăm hỏi vợ chồng tôi và hễ mỗi lần có dịp về quê, thế nào cậu học trò nhỏ cũng lên thị trấn Đô Lương tìm tôi. Em là người sống có nghĩa tình, có trước có sau”. Ông Vinh nói.


QUANG LONG - QUỲNH MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI