Những điều nên và không nên giữa cha mẹ - con cái

09/04/2022 - 14:08

PNO - Lắng nghe chuyên viên tâm lý chỉ ra những điều nên và không nên trong cuộc sống, để cha mẹ đưa con về “cùng chiến tuyến” với mình.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều cố gắng mang đến cho con sự yêu thương, che chở và cả chăm sóc, lo lắng về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, càng thương con, càng muốn làm trung tâm của con, cha mẹ vô tình làm cho trẻ cảm thấy ngột ngạt, bị siết chặt. 

Nhiều cha mẹ quá thương con mà vô tình tạo áp lực thêm cho trẻ, ảnh internet
Nhiều cha mẹ quá thương con mà vô tình tạo áp lực thêm cho trẻ (Ảnh minh họa)

Chị Phan Thị Kiều Trinh (53 tuổi, ở Q.1, TPHCM) rơi vào căng thẳng khi cảm thấy... con gái không bao giờ hiểu cho mẹ.“40 tuổi tôi mới sinh con đầu lòng, khó để có một đứa con nên tôi sợ mỗi khi con khuất sau tầm mắt của mình.

Lúc nhỏ cháu rất ngoan, không hiểu sao từ 2 năm trước, cháu luôn làm ngược lại những điều tôi muốn. Như nói cháu ăn cơm, cháu sẽ nhịn; áo đi học của con, tôi giặt tay, ủi thẳng thì cháu lại lấy bộ đồ nhăn nhúm để mặc. Tôi nói gì cháu cũng cãi lại, dù chỉ là kêu con đi ngủ sớm, nhắc nhở học bài”, chị Trinh tâm sự.

Quá mệt mỏi, chị tâm sự với cô giáo chủ nhiệm của bé, rồi càng buồn hơn khi cô cho biết ở trường con gái của chị rất hòa đồng, ngoan ngoãn, cũng không thấy bé có biểu hiện gì đặc biệt.

Tìm cách trò chuyện với bé, cô giáo biết được do mẹ quá bảo bọc không cho làm việc nhà, đi học thì thôi, về nhà mẹ luôn để sẵn cơm, trái cây, thậm chí cả quần áo mặc ở nhà cũng là do mẹ soạn sẵn. Vì vậy, bé cảm thấy bản thân không thể quyết định điều gì, nói ra thì mẹ trả lời “vì mẹ thương con, tất cả để mẹ lo”.

Bé cãi mẹ như một cách để được công nhận nhưng với chị Trinh, đứa con gái 13 tuổi của chị còn rất nhỏ, chưa hiểu chuyện và phải được bảo bọc.

Chuyên viên tâm lý Hải Uyên đang tư vấn, phối hợp với phụ huynh để trị liệu cho trẻ
Chuyên viên tâm lý Hải Uyên đang tư vấn, phối hợp với phụ huynh để trị liệu cho trẻ

Ngược lại với chị Trinh, sau khi chuyên gia tâm lý thăm khám cho con của chị Hoài Thương (37 tuổi), chuyên gia tâm lý lại cho rằng chính chị Thương mới có vấn đề. Do gia đình xáo trộn, chị Thương dồn hết kỳ vọng vào con, song song đó chị muốn con chia sẻ tất cả vấn đề với mình từ bạn bè, nhật ký, kể cả trang facebook chị cũng yêu cầu con... sử dụng chung.

Khi bé không đồng ý, chị áp dụng “thiết quân luật”, thậm chí dần có xu hướng bạo lực. Quá sợ, con chị thường tránh né chị, gắn khóa ngang và luôn khóa cửa phòng mỗi khi về nhà. 

Được hỏi về các trường hợp trên, chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết ngoài những bé thật sự bị tâm lý, hay các rối loạn khác, không ít trẻ cũng gặp những vấn đề về sức khỏe tâm thần liên quan đến mối quan hệ từ người thân trong gia đình. Trong đó, sự thương yêu của cha mẹ vô tình làm con cảm thấy áp lực, mệt mỏi... thậm chí, cha mẹ cũng có biểu hiện về tâm lý mà không hay.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên nhận thấy nổi trội có những nguyên nhân dưới đây làm cho cha mẹ, con cái dần cách xa nhau. Đồng thời, chị chỉ ra những điều nên và không nên để cha mẹ và con có thể điều chỉnh, đưa nhau về “cùng chiến tuyến”: 

Cha mẹ không nênCha mẹ nên

Phán xét và ngăn cấm những sở thích của con

Những phàn nàn “Cái đó có gì mà con mê dữ vậy” thường khiến trẻ cảm thấy ba mẹ không hiểu con. Sự phán xét này mang tính quyền uy của một người lớn áp đặt vào con trẻ. 

 

 

Thử trải nghiệm sở thích và những xu hướng con quan tâm

Một lời đề nghị “Cho ba/mẹ xem thử, chỉ cho ba/mẹ làm thử” có thể khiến trẻ trầm trồ ngạc nhiên ban đầu nhưng cũng rất xúc động với nỗ lực hiểu con của ba mẹ. Nhiều trẻ đã chia sẻ cảm thấy phụ huynh của mình thật gần gũi khi loay hoay tìm hiểu công nghệ và mạng xã hội để tương tác với gia đình. 

Kiểm soát chặt chẽ

Con đi đâu, làm gì, với ai, mấy giờ về, gia cảnh bạn thế nào… Đừng dồn dập trẻ với những câu hỏi có vẻ như phải “khai báo”. Bản thân trẻ luôn có nhu cầu được trở thành và công nhận một phần người lớn bên trong. Vì vậy, sự kiểm soát này khiến con có cảm giác mình không được công nhận bất cứ sự trưởng thành nào, tạo ra khủng hoảng xung đột giữa nhu cầu lớn của con và những phản hồi thiếu đáp ứng của ba mẹ. 

Cho con không gian riêng

Trẻ có quyền giữ cho mình những bí mật và chia sẻ với những người trẻ cho là có thể giúp đỡ được mình mà có thể không phải là ba mẹ. Chúng ta sẽ cần chấp nhận những giới hạn của bản thân rằng cha mẹ không phải đấng toàn năng để giải quyết mọi vấn đề cho con, hãy chia sẻ trách nhiệm này với những người xung quanh. Giữ một khoảng cách phù hợp với thời gian sinh hoạt và những vấn đề của con lại chính là cách để rút ngắn khoảng cách với trẻ. Khi trẻ cảm thấy được tin tưởng, trẻ sẽ có đủ sự thoải mái và an toàn để bộc lộ với ba mẹ một cách chân thật nhất.

Nhắc nhở con trước mặt bạn bè

Tuổi càng lớn, trẻ càng bước khỏi gia đình để đến với những mối quan hệ giao lưu bè bạn. Hình ảnh bản thân trong mắt bạn bè đối với trẻ là vô cùng quan trọng. Việc bị nhắc nhở trước bạn bè có thể làm trẻ cảm giác bị xấu hổ, cảm xúc này có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì ba mẹ có thể hình dung, và càng củng cố cho niềm tin rằng ba mẹ không hiểu con.

Nhắc nhở khi chỉ có con và ba mẹ

Trẻ vẫn sẽ tiếp nhận lời khuyên hoặc thậm chí sự khiển trách trong bối cảnh tâm tình riêng tư của gia đình. Ba mẹ có thể nhấn mạnh thêm “Khi có bạn con, ba mẹ không nói lúc đó vì không muốn con xấu hổ”, sự chân thành đầy tính xây dựng này sẽ được trẻ ghi nhận. 

 

 

 

Cha mẹ hay yêu cầu, đề nghị

Đừng buộc con phải hiểu cho những nỗi lo của ba mẹ đằng sau nỗ lực kiểm soát và la mắng, vì trẻ con chưa từng làm người lớn

Cha mẹ đồng hành cùng con

Hãy hiểu cho những nhu cầu được công nhận, được bảo vệ hình ảnh bản thân trước mọi người, sự nhạy cảm và mong muốn gắn bó của con, vì người lớn cũng đã từng là trẻ con.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI