Những bước chân tự do

08/03/2022 - 06:00

PNO - Đến từ nhiều miền đất khác nhau trên thế giới, những phụ nữ ấy đã đặt những bước chân tiên phong, chinh phục những điều tưởng chừng không thể. Câu chuyện của họ là minh chứng cho thấy chẳng giới hạn nào là không thể vượt qua, bất chấp tuổi tác, giới tính.

Người phụ nữ gốc Á đầu tiên một mình chạm đến Nam Cực

Preet Chandi, một sĩ quan quân đội Anh gốc Ấn Độ 32 tuổi, đã hoàn thành chuyến thám hiểm một mình đến Nam Cực. Tổng thời gian hành trình của cô là 40 ngày, 7 giờ và 3 phút, chỉ kém kỷ lục thế giới hiện tại vài ngày. 

Preet Chandi chụp ảnh lưu niệm tại Nam Cực  sau chuyến hành trình hơn 40 ngày - ẢNH: PREET CHANDI
Preet Chandi chụp ảnh lưu niệm tại Nam Cực sau chuyến hành trình hơn 40 ngày - Ảnh: PREET CHANDI

Preet Chandi cho biết: “Tôi cảm thấy vô cùng phấn khích khi đến được Nam Cực. Tôi có một cháu gái, Simran (mười tuổi) và tôi muốn chứng minh cho cháu rằng không có gì là không thể”.

Preet thừa nhận rằng cô “có máu” phiêu lưu từ bé. 19 tuổi, cô phát hiện ra một tấm áp phích tuyển lực lượng dự bị của quân đội và đăng ký nhưng không thành công. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô gia nhập Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) nhưng rồi cô nhận ra ước mơ của mình là gia nhập quân đội. Cô nghỉ việc, xin vào làm công việc y tế trong quân đội ở Kenya. Cô từng có chuyến công tác tới Sudan trong đội hình Liên Hiệp Quốc và từng làm việc ở Nepal. 

Với tinh thần không bao giờ né tránh thử thách, năm 2019, Preet đã hoàn thành Marathon des Sables, chạy bảy cuộc đua marathon trên sa mạc Sahara trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt.

Đầu năm 2020, cô đặt cho mình một thử thách mới - đến Nam Cực. Preet đã liên hệ với một công ty thám hiểm vùng cực, sau đó nhắn tin trên Instagram cho những người thám hiểm có kinh nghiệm để xin lời khuyên. Cô kể: “Bạn bè và gia đình nghĩ tôi bị điên”.

Dù vậy, khi hoàn thành mục tiêu, người phụ nữ này chia sẻ: “Nam Cực không chỉ là một chuyến thám hiểm trong mơ đối với tôi. Chuyến đi đó giúp tôi chứng minh rằng ai cũng có thể làm bất cứ điều gì, bất kể giới tính, xuất thân hay cộng đồng mà họ thuộc về. Màu da của tôi là yếu tố quan trọng. Đó là một phần con người tôi nhưng nó không phải là điều duy nhất xác định tôi là ai”. 

Bà lão 80 tuổi và những chiếc bánh lá liễu vì cộng đồng

Bà Koh Mang Joo (giữa) cùng hai em Susan (trái) và Lilian  bên món bánh lá liễu gia truyền - ẢNH: CNA
Bà Koh Mang Joo (giữa) cùng hai em Susan (trái) và Lilian bên món bánh lá liễu gia truyền - Ảnh: CNA

Bà Koh Mang Joo (80 tuổi) cùng các em gái Susan và Lilian là đồng chủ nhân tài khoản Instagram và thương hiệu bánh lá liễu Joo’s Kueh. Bà Joo học làm bánh từ bà ngoại (người gốc Triều Châu) từ năm 12 tuổi. Dù món bánh lá liễu khá phổ biến ở Singapore và nhiều nước Đông Nam Á khác, hương vị món bánh của chị em bà Joo vẫn gây ấn tượng nhờ công thức gia truyền.

Với món bánh của bà Joo, nhân gạo nếp được trộn cùng nấm, tôm khô, hẹ chiên, hành lá. Tất cả được gói trong lớp vỏ mỏng, mềm và hơi dính. Tất nhiên, món ăn sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu nước tương ngọt và một ít ớt. Sau khi nhận được nhiều phản hồi tích cực trong khoảng thời gian giãn cách phòng dịch và xúc động với ý tưởng đóng góp cho cộng đồng, ba chị em quyết định mở tiệm.

Được sự giúp đỡ của con trai Susan và con gái Lilian, cuối cùng, bà Joo cùng các em đã khai trương Joo’s Kueh vào tháng 7/2021, đồng thời tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe để chia sẻ món bánh đầy yêu thương với nhân viên y tế như một sự động viên, tri ân họ.

Nhờ sự ủng hộ của gia đình và bạn bè, họ tiếp tục triển khai một chương trình tài trợ thực phẩm để tặng bánh cho các nhà dưỡng lão.

Bà Susan chia sẻ: “Có lần, chúng tôi phân phát bánh cho viện dưỡng lão nơi nuôi dưỡng mẹ một bạn học cũ của tôi. Bà ấy bị chứng mất trí nhớ nhưng sau khi cắn miếng bánh đầu tiên, bà đã thốt lên: “Ồ, đây là bánh lá liễu!”. Tôi rất xúc động khi nghe điều đó. Ngay cả khi mất trí nhớ, bà ấy vẫn có thể nhận ra hình dạng và mùi vị của bánh”. 

Dấn thân vào nỗi sợ

Một thành viên của Free to Run chia sẻ: “Khi tôi chạy, xa nhà tù  và chiến tranh, tôi cảm thấy như thể không có giới hạn  và không gì có thể ngăn cản tôi” - ẢNH: THE OBSERVER
Một thành viên của Free to Run chia sẻ: “Khi tôi chạy, xa nhà tù và chiến tranh, tôi cảm thấy như thể không có giới hạn và không gì có thể ngăn cản tôi” - Ảnh: THE OBSERVER

Những ngọn núi tại khu vực Kurdistan ở Iraq được tô điểm bởi ánh nắng vàng khi chiếc xe buýt nhỏ chở các cô gái nhỏ di tản chạy qua. Hành trình của họ khởi hành từ Erbil, thủ phủ của vùng và đến Shaqlawa, một thành phố lịch sử cách đó khoảng 50 phút, để bắt đầu chuyến đi bộ lên ngọn núi Safeen.

Những thiếu nữ ấy sống cùng gia đình tại một trong hai khu trại chính của Erbil dành cho người di cư trong nước. Chuyến đi bộ đường dài này được đề xướng bởi Free to Run - một tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở các khu vực xung đột thông qua thể thao, cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng sống và tạo không gian an toàn để họ phát triển sự tự tin, mở rộng mạng lưới bạn bè, giành lại không gian công cộng ở một đất nước thiếu quyền phụ nữ.

Giai đoạn chiến tranh tại Iraq đã làm gia tăng sự bất bình đẳng hiện có, khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ bị lạm dụng, bóc lột hơn. Các thiếu nữ tại Free to Run đã trải qua hai cuộc chiến: chiến tranh Iraq (2003 - 2011) và cuộc chiến với ISIS (2014 - 2017). Không chỉ chịu đựng những tổn thương khi phải rời bỏ nhà cửa, nhiều thành viên trong nhóm đã mất người thân và không được học hành. Giờ đây, họ lại mắc kẹt trong vòng xoáy nghèo đói.

Juan, nhân viên chương trình Free to Run, một phụ nữ người Kurd thân thiện chịu trách nhiệm dẫn đầu chuyến đi bộ, chia sẻ rằng các cô gái nhỏ không chỉ xem cô như "người mẹ thứ hai" mà còn như một người bạn. Điều đó khiến cô tự hào khi chứng kiến những tiến bộ mà nhóm đạt được.

Wafaa (16 tuổi) - một thành viên nhóm đi bộ - nói: “Trong chương trình Free to Run, chúng tôi học được cách không sợ hãi”. Gần đó, Hiba (14 tuổi) cho biết thêm: "Trước đây, khi đến những nơi này, chúng tôi rất sợ nhưng bây giờ chúng tôi thấy nó rất bình thường. Đi bộ đường dài cũng giống như cuộc sống. Mọi thứ thật khó nhọc nhưng bạn phải vượt qua những thử thách để đến đích”.

Phụ nữ Ả Rập dẫn đầu phong trào nghiên cứu khoa học ở Trung Đông

Tiến sĩ Ghada Dushaq bảo vệ luận án tiến sĩ về quang tử học  tại Viện Khoa học và Công nghệ Masdar, Abu Dhabi - ẢNH: ELSEVIER
Tiến sĩ Ghada Dushaq bảo vệ luận án tiến sĩ về quang tử học tại Viện Khoa học và Công nghệ Masdar, Abu Dhabi - Ảnh: ELSEVIER

Phụ nữ Ả Rập đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nghiên cứu khoa học và đổi mới trên khắp Trung Đông. Các số liệu của UNESCO cho thấy có tới 57% sinh viên tốt nghiệp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (khối ngành STEM) ở các nước Ả Rập là phụ nữ, trong khi ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), 61% sinh viên STEM tại đại học là nữ.

Để nâng cao nhận thức và quảng bá thành tựu của các nhà khoa học nữ, giải thưởng Tài năng trẻ MENA của Tổ chức L’Oréal-UNESCO vì phụ nữ trong khoa học đã được tổ chức tại hội chợ EXPO 2020 Dubai, diễn ra từ tháng 10/2021 - 3/2022. Giải thưởng ghi nhận thành tựu của 14 nhà khoa học nữ Ả Rập từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi, hai trong số đó đến từ UAE. Họ được tuyên dương vì những nghiên cứu mang tính đột phá và những khám phá hấp dẫn về quang tử học, cấy ghép nội tạng.

Tiến sĩ Ghada Dushaq, một trong những người chiến thắng từ UAE, chia sẻ: “STEM là nhóm lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn. Loại hình nghiên cứu chúng tôi thực hiện rất đặc biệt, đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, bên cạnh rất nhiều sự cống hiến của chính chúng tôi. Ở UAE, tôi thực sự cảm thấy vinh dự khi rất nhiều trường đại học cung cấp cho chúng tôi môi trường thích hợp để nghiên cứu”. 

Phụ nữ tại UAE nói riêng đang tiếp tục ghi dấu ấn khi hiện diện ngày càng nhiều trong ngành y (chiếm ít nhất 35% số nhân viên ngành y tế quốc gia). Đại dịch COVID-19 đã kéo theo những thách thức mới, bao gồm sự phức tạp và nhu cầu khoa học ngày càng tăng, đồng thời vai trò của phụ nữ ở UAE và Dubai trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Một ví dụ khác về đóng góp của phụ nữ cho khoa học là “Nhiệm vụ thám hiểm sao Hỏa” được Dubai khởi động có sự góp mặt của 34% thành viên là nữ giới; riêng trong nhóm khoa học, nhân lực nữ chiếm đến 80%. 

Ngọc Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI