Những "bóng hồng" mang sứ mệnh chinh phục vũ trụ

26/02/2023 - 07:37

PNO - Đảm nhận vai trò “lãnh ấn tiên phong” trong sứ mệnh khám phá không gian của loài người, những bóng hồng thuộc chương trình Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chính là các nhân vật đang tạo ra cơ hội cho tương lai.

 

NASA thực hiện nhiều sáng kiến khuyến khích phụ nữ tham gia vào các sứ mệnh của mình
NASA thực hiện nhiều sáng kiến khuyến khích phụ nữ tham gia vào các sứ mệnh chinh phục vũ trụ của mình

Họ là những phụ nữ tài năng luôn tạo niềm cảm hứng cho thế hệ phụ nữ trẻ - được NASA đặt tên là Thế hệ Artemis (một sáng kiến ​của NASA với mục tiêu đưa người phụ nữ đầu tiên lên Mặt trăng vào năm 2024) - dám dấn thân trở thành kỹ sư và lãnh đạo công tác trên mặt đất và trên quỹ đạo để đảm bảo trạm vũ trụ cách mặt đất hơn 400km luôn hoạt động thông suốt và an toàn.

Cùng gặp gỡ 3 gương mặt phụ nữ nổi bật tại Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA ở Houston (Mỹ) - những người vẫn đang miệt mài tiếp tục đi theo con đường khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), và đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong chương trình ISS của NASA hiện nay.

Laura Shaw là Phó giám đốc Văn phòng Điều hành và Tích hợp Nhiệm vụ của chương trình ISS. Cô đã làm việc cho NASA trong 24 năm sau khi tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân kỹ sư cơ khí tại Đại học Purdue.

 Laura Shaw bắt đầu từ vị trí Thực tập sinh trước khi được thăng tiến lên vị trí lãnh đạo ở NASA như hiện nay
Laura Shaw bắt đầu từ vị trí thực tập sinh trước khi được thăng tiến lên vị trí lãnh đạo ở NASA như hiện nay

Laura bắt đầu sự nghiệp của mình tại NASA ngay khi còn là sinh viên đại học với tư cách là thực tập sinh. Sau khi nhận tấm bằng kỹ sư loại giỏi, cô làm việc tại Ban giám đốc kỹ thuật, phụ trách nghiên cứu phát triển phần cứng hệ thống nước (water system hardware) cả trong môi trường phòng thí nghiệm lẫn trên tàu con thoi và trạm vũ trụ.

Một thời gian sau đó, Laura được bổ nhiệm làm Giám đốc dự án phát triển máy lọc nước phục vụ nhu cầu nước uống cho các thành viên phi hành đoàn làm làm việc tại các trạm không gian. Khi dự án này hoàn thành, Laura tiếp tục được giao nhiệm vụ quản lý hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và thông gió của trạm ISS, và mới đây, cô đảm nhận vai trò Phó giám đốc phụ trách điều hành và tích hợp nhiệm vụ của trạm vũ trụ ISS.

Quá trình làm việc tại ISS đã mang đến cho Laura Shaw cơ hội phát triển khả năng lãnh đạo, góp phần thực hiện sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng và sao Hỏa của NASA bằng nhiều dự án đặc thù. Cô đóng một vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch tiếp liệu phục vụ nhiệm vụ của phi hành đoàn, cũng như lập kế hoạch công việc cho các thành viên phi hành đoàn.

Chia sẻ về con đường từ một kỹ sư đến khi được nắm giữ vai trò lãnh đạo cấp cao, Laura cho biết, cô đã thực hiện phương pháp tiếp cận “từng bước một” cho sự nghiệp của mình.

“Tôi bắt đầu bằng cách phát triển chuyên môn từ những vị trí công việc kỹ thuật, sau đó nâng cấp dần lên các vị trí quản lý hệ thống, rồi quản lý tổng thể, và đến nay là quản lý đa hệ thống phần cứng các chuyến bay của tàu vũ trụ”, Laura nói.

Laura trong chuyến tham quan Trung tâm Vũ trụ Kennedy năm 1988
Laura trong chuyến tham quan Trung tâm Vũ trụ Kennedy năm 1988

Theo cô thì điều rất quan trọng là mỗi người cần phát triển một cơ sở kỹ thuật vững chắc trước khi bắt đầu thăng tiến trong cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc với người khác là rất quan trọng.

“Bước nhảy vọt từ một kỹ sư xuất sắc trở thành một nhà lãnh đạo kỹ thuật xuất sắc chính là khả năng làm việc cùng và hướng dẫn những người khác cùng hợp tác để đạt được mục tiêu chung”.

Kristi Duplichen là Phó giám đốc Văn phòng Tích hợp Giao thông Vận tải thuộc chương trình ISS.

Cô tốt nghiệp Cử nhân vật lý của Đại học bang Texas và lấy bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học Houston-Clear Lake. Đến nay, Kristi đã có 23 năm làm việc cho NASA, đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trước khi thăng tiến lên vị trí lãnh đạo như bây giờ.

Kristi Duplichen đang hướng dẫn cho một nhóm sinh viên Đại học Yale tham gia chương trình “Weightless Wonder của NASA vào năm 2000
Kristi Duplichen đang hướng dẫn cho một nhóm sinh viên Đại học Yale tham gia chương trình “Weightless Wonder" của NASA vào năm 2000

Ban đầu, Kristi chịu trách nhiệm điều khiển các chuyến bay tại trạm ISS và tàu con thoi, điều phối hậu cần và chuyển các trang thiết bị vũ trụ đến và đi từ trạm vũ trụ. Năm 2006, Kristi được NASA bổ sung vào Ban Giám đốc Bảo đảm An toàn, nơi cô tập trung vào nhiệm vụ giữ an toàn cho các phi hành gia khi ở trên quỹ đạo.

Mười năm sau, cô được giao phụ trách hai hợp đồng lớn cho trạm vũ trụ ISS: một hợp đồng đóng gói phần cứng vũ trụ để vận chuyển đến trạm, và hợp đồng còn lại là quản lý hậu cần ở Nga và cung cấp dịch vụ đào tạo, dịch thuật tiếng Nga.

Đầu năm 2023, Kristi tiếp tục đảm nhận vai trò đảm bảo tất cả các phương tiện tham quan trạm vũ trụ đều tiếp cận, ghép đôi và khởi hành an toàn, đồng thời quản lý chi phí, lịch trình và các hoạt động kỹ thuật với sự hợp tác của các nhà cung cấp thương mại và đối tác quốc tế.

“Hãy theo đuổi ước mơ của bạn ngay cả khi điều đó có vẻ khó khăn. Nếu bạn làm những điều mà bạn thấy thú vị, bạn sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ ngay cả khi gặp phải thách thức. Và đừng quên tầm quan trọng của làm việc nhóm (teamwork)”, Kristi đưa ra lời khuyên cho các bạn gái trẻ quan tâm đến việc theo đuổi ngành kỹ thuật.

Mary Lawrence hiện đang là Phó giám đốc Văn phòng quản lý Phương tiện thuộc chương trình ISS. Cô có bằng cử nhân Kỹ thuật cơ khí của Đại học Penn State University in State College, Pennsylvania.

Cô Mary Lawrence
Cô Mary Lawrence

Lawrence bắt đầu sự nghiệp của mình tại NASA với tư cách là thành viên của nhóm điều khiển chuyến bay vận hành hệ thống chỉ huy và xử lý dữ liệu của trạm ISS, sau đó tiếp tục thăng tiến với vai trò lãnh đạo các sứ mệnh thám hiểm và lắp ráp trạm vũ trụ.

Năm 2012, Lawrence trở thành trưởng nhóm Chuyên gia sử dụng mạng tần số vô tuyến truyền thông (CRONUS) chịu trách nhiệm về tất cả các khía cạnh vận hành, kỹ thuật và nhân sự của các hoạt động điều khiển chuyến bay và chỉ huy từ xa của trạm ISS.

Theo Lawrence, bất cứ ai cũng sẽ phải luôn đối mặt với một loạt thách thức cá nhân trên con đường sự nghiệp đã chọn. Với cá nhân côi, điều trở ngại lớn nhất cảm giác chưa sẵn sàng hay những giai đoạn nghi ngờ bản thân khi đứng trước một thử thách mới.

“Chính vì vậy, tìm được người cố vấn và nguồn lực hỗ trợ trong lĩnh vực mà mình đang theo đuổi là điều cực kỳ quan trọng”, Lawrence cho biết.

Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) là một tổ hợp công trình quốc tế nhằm nghiên cứu không gian trên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất, nhờ sự hợp tác của năm cơ quan không gian, bao gồm: NASA (Mỹ), RKA (Nga), JAXA (Nhật Bản), CSA (Canada) và 10 trong 17 nước thành viên của ESA (châu Âu).

 

 

Nguyễn Thuận (theo NASA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI