Những biểu tượng trăm năm

10/08/2018 - 08:30

PNO - Một cách đầy chủ ý, Phanbook đã chọn những tên tuổi từng gắn bó với Sài Gòn qua nhiều thế hệ, từng viết những quyển sách rất hay về thành phố để làm nên tập sách tinh tuyển những ký ức: Sài Gòn - những biểu tượng.

Du Tử Lê, Nguyễn Tường Bách, Phạm Công Luận, Phan Triều Hải, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Lưu Vĩ Lân, Nguyễn Đức Hiệp… là những tên tuổi đã góp tay vẽ ra một Sài Gòn “bặt thiệp và truyền cảm hứng” cho cuốn sách để gửi đến cho độc giả.

Nhung  bieu tuong  tram nam

“Sài Gòn trong tập sách này, dù là quá khứ xa hay hiện tại gần, dù là tiếng nói nghiêm cẩn của khoa học hay là những cảm xúc bay bổng; nói về con người hay di sản kiến trúc, môi trường... đều hàm chứa những tâm tình và nỗ lực tìm tòi hiểu biết” - những lời giới thiệu đầy tính dẫn dụ và cũng đủ khái quát tinh thần cuốn sách.

Tôi đã đọc nhiều sách viết về Sài Gòn xưa, với đủ thể loại, đa dạng góc nhìn. Vậy mà, với Sài Gòn - những biểu tượng, vẫn lại thấy những trang viết đầy cuốn hút theo một cách rất riêng.

Sách được mở đầu bằng câu chuyện về đêm Sài Gòn xưa, giữa hoa lệ vàng son một thuở ấy hiện lên những bức chân dung sống động về các danh ca, những dấu tích văn hóa không thể xóa nhòa.

Rồi đến quán cóc ven đường với bao cuộc đời hiền lành, dung dị mà nhớ thương. Ân tình từ hẻm nhỏ cũng như những hàng cây qua bao nắng mưa, vẫn lặng lẽ mà thắm tình đất, tình người.

Những biểu tượng của Sài Gòn vẫn ở đó, sừng sững suốt chiều dài lịch sử hơn ba trăm năm, đã chứng kiến những đổi thay, thăng trầm của thời cuộc, được thế hệ sau nhìn ngắm bằng tất cả sự tôn kính và thân thương.

Sách được chia thành hai phần: văn và biên khảo. Ở phần đầu, độc giả sẽ được ngược dòng cảm xúc, về với Đại học Văn khoa (nay là Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) ngày tháng cũ, sân bay Tân Sơn Nhất thuở mới bắt đầu hoạt động, với tờ báo Thiếu Nhi vang bóng một thời ở địa chỉ “159 Thiệu Trị, Q.Phú Nhuận”; cùng ký ức ngày mới đặt chân đến đất Sài thành của một thế hệ cầm bút giờ đã trưởng thành… Phần hai là hình ảnh, chú thích về các di tích, địa danh nổi tiếng, quan trọng của Sài Gòn - TP.HCM.

“Thành phố này là một con tàu. Mỗi người ghi nhớ chiếc phao đã giữ mình lại, khắc ghi vào tâm thức bước chân đầu tiên của mình trên miền đất mới - nơi mà ngay từ giây phút lựa chọn ở lại, không còn phân biệt người cũ - mới, mà chỉ còn là một: người Sài Gòn” - tâm tình của nhà văn Phan Triều Hải có lẽ cũng là tiếng lòng của bao người tứ xứ.

Họ đã đến, ở lại và chọn neo giữ trong lòng một tình thương đằm thắm và sâu nặng dành cho mảnh đất này - cái mảnh đất mà như nhạc sĩ Quốc bảo từng nói: “Sài Gòn chưa xa đã nhớ”.

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI