Những bà mẹ đi bán… con mình

29/12/2020 - 06:53

PNO - Không ai biết chính xác nạn buôn bán thai nhi ở miền tây Nghệ An xuất hiện từ bao giờ. Song, lần đầu tiên hiện thực nhức nhối này được công bố là cuối năm 2018, trong kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An.


Miền tây xứ Nghệ luôn để lại trong tôi nhiều chiều xúc cảm. Thượng nguồn Lam giang trữ tình, quyến luyến bước chân lữ khách bao nhiêu thì thân phận phụ nữ dọc các huyện biên ải Kỳ Sơn, Tương Dương càng khiến tôi vừa muốn ngồi lại sẻ chia, vừa muốn rời đi như trốn chạy bấy nhiêu. Những góa phụ tuổi mới ngoài đôi mươi, chồng bỏ mạng trong các hầm vàng thổ phỉ; những người đàn bà đi đẻ thuê, những cô gái chớm dậy thì đã bị lừa bán hoặc tự nguyện theo người ta sang bên kia biên giới…

H. và V. rủ nhau đi bán hai đứa con đang trong tháng thứ bảy của thai kỳ để “trả nợ cho mẹ và chồng mẹ”. Bán con… hụt, H. phải bán nhà. Gian nhà này mới được dựng lên trước khi H. sinh một ngày, trên nền đất của trường tiểu học - Ả NH: NGỌ C MINH TÂM
H. và V. rủ nhau đi bán hai đứa con đang trong tháng thứ bảy của thai kỳ để “trả nợ cho mẹ và chồng mẹ”. Bán con… hụt, H. phải bán nhà. Gian nhà này mới được dựng lên trước khi H. sinh một ngày, trên nền đất của trường tiểu học - Ảnh: Ngọc Minh Tâm

Ở đó, dường như mỗi bước chân tôi đều vấp phải một phận buồn. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được gương mặt, ánh mắt những sản phụ vừa sinh nở - mà chỉ đôi, ba tháng trước, họ còn khệ nệ ôm bụng bầu vượt núi rừng theo người ta tìm đường sang bên kia biên giới chờ bán… đứa con của chính mình.

Một bản có ba bà bầu rủ nhau đi bán con

Những năm qua, biết bao biến tướng của nạn buôn người đã khiến nhiều người bàng hoàng, sửng sốt. Từ lừa bán phụ nữ, trẻ em sang bên kia biên giới; kẻ xấu còn lôi kéo, dụ dỗ, lừa lọc đồng bào mình mang thai hộ, đi đẻ thuê. Vài năm nay, lũ buôn người còn tàn độc đến độ xúi bẩy, rủ rê, “vẽ đường” cho người cùng làng, cùng bản - thậm chí là chị em, họ hàng vượt biên đem bán chính đứa con còn đang ở những tháng cuối thai kỳ. Vấn nạn ấy đã từng gây sốc, đã như thanh nứa sắc lẻm cật vấn biết bao người có lương tri: “Tại sao, người ta nỡ bán đi chính đứa con ruột của mình?”.

Tháng này qua năm khác, nạn buôn bán thai nhi vẫn âm ỉ diễn ra. Bao thai phụ miền tây xứ Nghệ vẫn âm thầm tính toán rồi lén lút rủ nhau vác bụng ra đi. Vừa mới đây thôi, bản Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương nửa như ngơ ngác, nửa như bấm bụng bảo nhau “biết rồi, khổ lắm…” khi thấy cuộc trở về của ba thai phụ: Lư Thị H. (sinh năm 1991), Lư Thị V. (sinh năm 1995) và Lư Thị Th. (sinh năm 1985).

Đó là ba trong bốn “nạn nhân” của Cụt Văn Nga (sinh năm 1989, trú tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). Nga đã bị Công an tỉnh Lạng Sơn ra quyết định khởi tố ngày 14/10/2020 về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Theo điều tra của cơ quan chức năng, Nga được một phụ nữ Việt Nam sống tại Trung Quốc đặt vấn đề tìm phụ nữ mang thai đưa sang Trung Quốc, thù lao của Nga sẽ là 7.000 nhân dân tệ.

Ba bà bầu ở bản Chăm Puông cùng một thai phụ sống ở xã Hữu Lập đã đồng ý theo Nga sang Trung Quốc đẻ và bán con với giá 70 triệu đồng. Khi cả nhóm đang di chuyển trên đường mòn thuộc khu vực huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, thì lực lượng chức năng đã phát hiện được.

Ba thai phụ người Khơ Mú đi bán con hụt ấy được đưa về lại Chăm Puông. Lư Thị H., Lư Thị V. đã mẹ tròn con vuông, Th. thì đang chờ ngày khai hoa nở nhụy. Tôi đã không biết phải gọi tên những xúc cảm trong mình thế nào cho đúng, khi nhìn mẹ con H., mẹ con V.; vợ chồng H., vợ chồng V. vẫn quấn quýt, yêu thương, lo lắng cho nhau - thì chắc chắn hai bà mẹ ấy không có lý do gì để vơi bớt yêu thương đứa con mới chào đời. Nhưng nhìn sâu trong mắt họ, thì dường như cả sự ra đi hai tháng trước, lẫn lần sinh nở này đều là việc chẳng đặng đừng.

Trước khi quyết định bán con, và cả khi cùng đứa con trong bụng trở lại Chăm Puông, vợ chồng V. vẫn hết mực thương yêu nhau
Trước khi quyết định bán con, và cả khi cùng đứa con trong bụng trở lại Chăm Puông, vợ chồng V. vẫn hết mực thương yêu nhau

Những nếp nhà sàn hổng hoác tre nứa, không có món đồ dùng nào trị giá nổi vài trăm ngàn đồng. V. ơ hờ ôm con, nhát gừng trả lời khách. H. cũng thế, nửa muốn giấu giếm câu chuyện, nửa thật thà, chân chất với những câu nói đều đều. Th. có gương mặt trẻ hơn V. và H., dù lớn tuổi nhất. Đôi lông mày xăm vụng như hai vết nhọ nồi vạch ngang gương mặt không rõ buồn hay vui. Chỉ biết gian nhà nền đất ghép những ván gỗ tơ hơ của Th. cũng đầy những gió, như nhà H., nhà V.

Không ai nói, không ai hỏi, nhưng dân bản đều biết

Vượt mười mấy cây số đường mới mở vắt qua các sườn núi từ UBND xã Lượng Minh vào bản Chăm Puông, Chủ tịch xã Vi Đình Phúc nói: “Mấy năm trước, khi nghe thông tin xã Lượng Minh có người đi bán con, tôi giật mình không dám nghĩ điều đó là sự thật. Chuyện mang thai hộ, đẻ thuê thì biết nhiều rồi. Chứ chuyện bán chính đứa con ruột của mình với chồng mình thì tôi còn không dám nghĩ đến”.

Rồi ông nói như bất lực, như trách móc chính mình: “Những chuyện ấy ở ngay xã mình, có khi là người cùng bản với mình, ai mà không đau lòng? Nhưng cũng không có cách nào giám sát hay biết bà bầu nào có ý định… bán con để mình ngăn chặn cả. Ngoài ba trường hợp mới được đưa về Chăm Puông, thì các trường hợp khác, chúng tôi chỉ nghe được thông tin truyền tai nhau thôi”.

Chiều tà, bản nghèo càng hoang vu, ảm đạm. Lư Thị D., một bà mẹ 9x của bản Chăm Puông, đã tiết lộ với chúng tôi nhiều chi tiết về cả ba người đàn bà bán con hụt, cùng không ít chuyện buốt lòng trong cái xóm núi này. Tôi kể với D.: “Khi tôi hỏi người dẫn H. đi có đáng tin không, mà H. lại đi theo người ta như thế? H. trả lời “đáng tin, là một người bác họ của bố”. Tôi hỏi cụ thể là ai thì H. không nói nữa”.

Lư Thị H. đã sinh đứa con thứ tư tại nhà. Đây cũng là đứa con mà chị “bán hụt”
Lư Thị H. đã sinh đứa con thứ tư tại nhà. Đây cũng là đứa con mà chị “bán hụt”

D. trả lời: “Cả bản biết người đó mà. Nhưng người ta tự nguyện đi bán con chứ có phải bị lừa hay thế nào đâu. Bà con cũng sợ gặp rắc rối từ những người dẫn đi đó nên không dám nói”. Chị thật thà: “Với lại ở đây cũng có nhiều người đi bán con… “thành công” và trở về rồi, chứ không phải ai cũng bị phát hiện như H., V., Th.”. Tôi lại hỏi: “Những người khi đi mang bụng bầu, khi về bụng lép mà lại không thấy con đâu; hàng xóm hay ai hỏi thăm thì họ trả lời thế nào?”. D. gãi đầu gãi tai cười: “Không ai hỏi thăm gì đâu, vì mọi người đều biết là đi làm gì mà, nên mọi người cũng tránh hỏi”.

Theo ông Vi Đình Phúc, một số đối tượng rủ chị em đi bán thai nhi đều là người gốc Lượng Minh đi làm ăn hoặc lấy chồng bên Trung Quốc. Có một điều không lấy gì làm khó hiểu, là không ít đối tượng ấy từng thấy người ta kiếm lợi từ việc đưa mình đi sang Trung Quốc ra sao; để rồi đến khi tha hóa như những kẻ lôi kéo, dụ dỗ, lừa lọc ấy; họ lại về ngon ngọt với những người dân hiền lành từng cùng bản, hoặc bà con họ hàng với mình.

Sau những vụ phụ nữ Lượng Minh vượt biên đi bán con, đặc biệt là sau khi H., V., Th. trở về, các đối tượng ấy đều đã lọt “tầm ngắm” của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng. “Chúng tôi phải hết sức đề phòng mỗi khi các đối tượng đó về thăm quê. Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cũng thường xuyên tuyên truyền. Song vẫn không thể phủ nhận nhiều người vì nghèo quá, nhận thức thì lại hạn chế” - ông Phúc thở dài nói.

Số phận hay nhận thức đều khiến người ta phải xót xa

Cố gắng lý giải tại sao các thai phụ lại bán đi chính đứa con ruột của mình, ông Phúc nhận định một lần nữa, là do dấu cộng của cả cái nghèo và nhận thức. Lý do đi bán con của H. và V. đã khiến tôi cố mường tượng rồi xót xa: “Bán con để trả nợ cho mẹ và chồng của mẹ”.

H. và V. là hai chị em ruột. Bố đẻ mất sớm, mẹ đi bước nữa, sinh thêm một đàn con với chồng mới. “Mẹ nợ tiền người ta, chồng của mẹ cũng nợ. Người ta đòi mấy lần mà không có tiền trả. Em không còn cách nào cả, chỉ còn cách đi bán con thôi. Em rủ V., hai chị em cùng đi bán để trả nợ cho mẹ và chồng mẹ…”. Tôi đã gặng hỏi mẹ H. và chồng của bà làm ăn gì mà nợ đến mức đó, nhưng cả H. và V. đều không biết rõ. Chủ tịch xã Vi Đình Phúc nói “chồng vay một sổ (ngân hàng), vợ vay một sổ, mua con trâu, con bò - mỗi con mấy chục triệu mà chăn nuôi không được là mất hết”.

Chị em H., V. giấu hai ông chồng, theo lời “mách nước” của người họ hàng rủ nhau đi bán hai đứa trẻ đang trong tháng thứ bảy thai kỳ. Nghe những lời nói lí nhí, đầy khó nhọc của hai em, tôi chỉ thấy cái đáng thương của những người con quá bế tắc và vụng về, khi phải gánh lấy hai chữ hiếu thảo trong điều kiện và nhận thức hạn chế của mình. 

Riêng Th. là một câu chuyện khác. Chồng đầu mất. Bố đẻ Th. kể: “Nghe người ta bảo nó nghiện. Nó đau bụng xong là chết”. Th. lấy chồng sau ở xã Chiêu Lưu cũng nghiện oặt. Chị bảo: “Hắn đối xử tệ với mình, nên mình đi bán đứa con với hắn cho bõ uất”. Th. tưng tửng thế, chỉ có bố mẹ già là đau. Lúc Th. được công an đưa về “thấy con trong bụng chưa đẻ, chưa bán, ôi trời là mừng. Tui bảo từ giờ trở đi, đến già, đến chết cũng đừng có nghĩ làm cái việc ni” - ông Lư Văn T., bố Th., nói. 

“Nhận thức còn hạn chế”. Tôi đã không thể tìm thêm lý do nào khác khi nghe ông Trần Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND xã Lượng Minh, lắc đầu kể việc Th. đi khai báo đăng ký bảo hiểm y tế. Cái tên mà Th. đọc, cán bộ xã rà khắp bản Chăm Puông không ra. Điều đó, có vẻ cũng không lạ lẫm ở chốn đồng rừng, nên cán bộ hỏi ngoài tên đó còn tên nào khác không, “hỏi mãi, chị ấy mới nhớ được là mình còn có cái tên Lư Thị Th.”.

Tận mắt chứng kiến cuộc vượt cạn tại nhà

Nhà của vợ chồng H. đã phải bán để “trả nợ cho mẹ và chồng của mẹ”. H. thì sinh nở nay mai, chính quyền xã thương quá nên quyết định cho mượn đất công dựng nhà. Đến thăm H. lúc xế chiều, cái nhà sàn vừa mới dựng hôm qua trên nền sân trường tiểu học. Anh chồng còn đang đan tấm liếp để gá vào cả một phía nhà trống hoác trống huơ.

Cuộc vượt cạn của Lư Thị H. vừa diễn ra ở góc nhà sàn, với sự trợ giúp của một nhóm phụ nữ trong bản
Cuộc vượt cạn của Lư Thị H. vừa diễn ra ở góc nhà sàn, với sự trợ giúp của một nhóm phụ nữ trong bản

Những câu chuyện H. nói với tôi cứ trồi lên, tụt xuống cùng cơn… đau đẻ. H. đau từ sáng. Bà con quanh bản kéo đến, tất cả trong trạng thái sẵn sàng trợ giúp cuộc vượt cạn. Sợi dây rừng bện lại treo lên cột góc nhà. Bản Khơ Mú này, nhà nào có người sắp đẻ cũng sẵn một sợi dây như thế. Tôi còn chưa hình dung được cuộc vượt cạn sẽ diễn ra như thế nào với sợi dây, D. đã lí lắc: “Để em “biểu diễn” cho mà xem, em cũng đẻ hai đứa ở nhà như thế này rồi mà”…

Lúc tôi rời nhà V., ngược lại phía trường tiểu học thì thấy tiếng trẻ sơ sinh oa oa khóc. Những bước chân trần của vài người đàn bà Khơ Mú chộn rộn, họ thông báo với tôi bằng tiếng phổ thông: “Đẻ rồi, đẻ rồi”. Góc nhà sàn, H. quỳ hai chân, tay nắm sợi dây, xoay lưng về phía mọi người. Tôi thấy gương mặt đứa trẻ sơ sinh, dần dần thấy ngực, thấy bụng, thấy chân. Một chị ngồi bên phải đỡ đứa trẻ, người phụ nữ khác lớn tuổi hơn lom khom phía sau, vòng tay ra ấn, nắn từng chút, từng chút trên bụng H.

Bà đỡ có vẻ đang gội dở mái đầu, tóc còn búi tròn, cài lược nhựa trước trán. Một người khác nữa múc nước nóng trong cái nồi to giữa nhà sàn đổ ra chậu để tắm cho cháu bé. Hôm đó rét, nhiệt độ chỉ khoảng 130C, cháu bé nhăn như khỉ con, thịt da tím tái. Bà đỡ tắm vội, quấn cháu trong mấy lớp khăn rồi trao cho người phụ nữ lớn tuổi nhất. Bà lòng khòng đỡ đứa trẻ, huơ huơ vài vòng trên bếp lửa rồi đưa lại ra góc nhà chờ cắt rốn.

Lần đầu tiên chứng kiến cảnh sinh nở, lại là một cuộc vượt cạn “hoang sơ”, tôi đã rất run và choáng. Chỉ kịp nhìn thấy hai thanh tre hay nứa đưa lại gần rốn cháu bé. Một thanh gập đôi, tay bà đỡ kẹp lấy cái cuống rốn, áng áng rồi đưa kéo cắt. Tôi tròn mắt hỏi “chị chuyên đỡ đẻ ở xóm này à? Có ai dạy chị không?”. Một lần nữa, câu trả lời khiến tôi giật mình: “Mới đỡ đứa này là đứa thứ hai. Nỏ có ai dạy mô, cứ xem người ta làm, đến lúc có người đẻ, thấy làm được là mình làm thôi”.

Cháu bé ọ ẹ ngủ ngoan trên tay bà đỡ. Cả chục đứa trẻ con kéo lên cười nói, chạy khắp nhà sàn, nhảy nhót trên hai chiếc giường cũ. Góc nhà, H. vẫn quỳ. Vậy là chị đã vượt cạn bốn lần thành công ở góc nhà sàn như thế này. Nhìn H., tôi chỉ thấy đầy lam lũ và cam chịu chứ không đoán được chị có đang đau hay đang nghĩ gì. Hỏi H. đã đặt tên cho cháu chưa? H. bảo: “Cũng chưa nghĩ đến việc đặt tên đâu”.

Những đồng bạc dúi vội vào tay H., tôi biết chỉ như muối bỏ bể. Nhưng rời Chăm Puông hôm ấy, tôi đã bớt xót xa, bởi hai đứa trẻ đã được ra đời trong vòng tay của bố mẹ và cộng đồng Khơ Mú, chứ không phải ở bên kia biên giới như biết bao đứa trẻ “đồng hương” của chúng. Ít nhất các cháu không rơi vào cảnh vĩnh viễn không biết mặt người thân, cũng chẳng bao giờ biết được có một miền Tây xứ Nghệ, một mạch nước Lam giang đang chảy trong huyết quản mình. 

Đần đầu tiên hiện thực nhức nhối này được công bố là cuối năm 2018, trong kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An - công an tỉnh đã lên tiếng báo động về “thủ đoạn buôn người rất mới”. Bấy giờ Kỳ Sơn là điểm nóng, riêng xã Hữu Kiệm tính đến thời điểm đó đã có hơn 20 người bị dụ dỗ vượt biên đi bán bào thai. 

Đây là một “thủ đoạn buôn người rất mới” bởi các đối tượng đã lách luật. Trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, có năm tội liên quan đến hành vi mua bán người. Tuy nhiên, không có tội danh nào nhắc đến việc mua bán bào thai. Cái khó nữa để nạn buôn bán này khó xử lý dứt điểm là bị hại trong các vụ án này chính là những bào thai, chưa ra đời nên cơ quan điều tra thiếu căn cứ khi xác định ai là nạn nhân. Bên cạnh đó, trong các vụ mua bán bào thai mà cơ quan công an, bộ đội biên phòng tỉnh triệt phá trong hai năm gần đây - phần lớn các thai phụ đồng ý vượt biên bán con cho các đối tượng ở bên kia biên giới, nhiều trường hợp trong số đó không hợp tác khiến quá trình điều tra xử lý càng thêm khó khăn.

Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An một mặt tập trung điều tra xử lý vi phạm pháp luật về mua bán bào thai. Một mặt tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để nhận diện tội phạm, không tiếp tay cho các ổ nhóm buôn người. Đồng thời, công an và biên phòng tỉnh Nghệ An cũng đã kiến nghị cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội bổ sung các văn bản hướng dẫn các loại tội phạm liên quan đến mua bán bào thai, để có thể xử lý được hành vi này.

 

Ngọc Minh Tâm

 

 

 

 

 


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI