Nhiều quốc gia đau đầu vì thiếu khả năng xét nghiệm COVID-19

20/03/2020 - 07:19

PNO - Nhiều nước đang phải đối mặt với một số áp lực về khả năng xét nghiệm do nhu cầu “chưa từng có” từ các phòng thí nghiệm.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nói trong một cuộc họp báo ở Geneva ngày 16/3: “Chúng tôi có một thông điệp đơn giản tới tất cả các quốc gia là “xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm”. Tất cả các quốc gia cần kiểm tra mọi trường hợp nghi ngờ. Họ không thể chống lại đại dịch trong bóng tối”. 

Thực tế cũng cho thấy, khả năng xét nghiệm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng kìm hãm dịch bệnh của các quốc gia. Hãy xem xét hai quốc gia có ổ dịch lớn nhất hiện tại sau Trung Quốc với số liệu tính đến cuối ngày 16/3. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ xét nghiệm khá cao (3.692 xét nghiệm trên một triệu người tính đến ngày 8/3) và tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm bệnh khá thấp (khoảng 0,6%, với hơn 8.200 ca nhiễm và 79 người chết). Ngược lại, Ý kiểm tra khoảng 826 người trên một triệu và tỷ lệ tử vong ở những người dương tính COVID-19 cao hơn khoảng 10 lần, với hơn 2.100 người chết trong số khoảng 28.000 ca nhiễm. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ trong những thiếu sót về bộ xét nghiệm COVID-19
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ trong những thiếu sót về bộ xét nghiệm COVID-19

Có thể giải thích tỷ lệ tử vong ở Hàn Quốc chênh lệch khá nhiều với Ý là do Hàn Quốc có số ca nhiễm tập trung vào nhóm người trẻ, không hút thuốc; ngược lại, dịch bệnh ở Ý đang xảy ra ở người già và thường có thói quen hút thuốc. Nhưng khả năng xét nghiệm diện rộng của Hàn Quốc giúp đảm bảo rằng, những trường hợp chưa có biểu hiện hoặc có biểu hiện nhẹ không bị bỏ qua, và từ đó, tốc độ lan truyền căn bệnh giảm bớt.

Ở khía cạnh khác, tại Mỹ, có rất nhiều câu chuyện về những người bệnh xuất hiện tại văn phòng bác sĩ và bệnh viện, yêu cầu được kiểm tra nhưng chỉ nhận lại yêu cầu tự cách ly tại nhà, không xét nghiệm vì họ không phù hợp với tiêu chí xét nghiệm. Tiến sĩ Anthony Fauci - người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia - thừa nhận, hệ thống y tế Mỹ đang gặp khó khăn trong việc xét nghiệm và ứng phó dịch bệnh. “Thuốc thử” - một chất hóa học được sử dụng để chiết xuất a-xít nucleic từ các mẫu thử - rất quan trọng đối với quá trình thử nghiệm. Việc thiếu thuốc thử góp phần vào khả năng xét nghiệm kém ở Mỹ và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho biết, họ đang làm việc suốt ngày đêm để giải quyết vấn đề. 

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, Úc đang phải đối mặt với một số áp lực về khả năng xét nghiệm do nhu cầu “chưa từng có” từ các phòng thí nghiệm. Roche - một công ty thiết bị y tế đa quốc gia - cho biết, họ đã gấp rút phát triển bộ thử nghiệm mới để hỗ trợ nhu cầu cấp thiết của xét nghiệm bệnh nhân trong đại dịch. Với sản phẩm này, kết quả có thể được đưa ra trong vòng 3 giờ sau khi thử nghiệm, tương ứng khả năng thực hiện 384 xét nghiệm trong một ca làm việc kéo dài 8 giờ. 

Ngọc Hạ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI