Đuối sức vì quá nóng
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM có khoảng 20-30 người mệt mỏi, kiệt sức sau thời gian làm việc dài ngoài nắng nóng được đưa đến khám. Nhiều người khác bị các bệnh liên quan đến trời nóng như viêm họng, sốt, viêm mũi xoang, đau đầu migraine...
 |
Người cao tuổi, người có bệnh nền cần thận trọng khi trời nắng nóng. Trong ảnh: Bệnh nhân đợi nhận thuốc tại Bệnh viện Thống Nhất - ẢNH: P.A. |
Làm nghề chạy xe ôm công nghệ, anh P.T.T. (34 tuổi, ở TPHCM) vốn đã quen với việc đi lại dưới trời nắng. Thế nhưng gần đây, anh thường xuyên thấy khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt kéo dài mỗi khi chở khách.
“Chỉ mới hơn 8 giờ sáng đã bắt đầu thấy nóng, mồ hôi ướt hết áo trong, áo ngoài. Tôi uống nước rất nhiều, có khi ăn không nổi, uống nước thay cơm, vậy mà vẫn choáng váng, kiệt sức. Sợ nhất là chạy xe từ khoảng 11g30 đến 15g, nắng như thiêu đốt, nhức đầu lắm nhưng vì nghề nghiệp nên tôi phải ráng” - anh T. chia sẻ.
2 ngày trước, quá đuối sức, anh đến cơ sở 3 Bệnh viện Đại học y dược TPHCM khám. Bác sĩ ghi nhận anh có dấu hiệu mất nước nhẹ, nhịp tim tăng, huyết áp thấp nhẹ, chẩn đoán bị kiệt sức, mất nước kéo dài. Anh được cho nghỉ ngơi, bổ sung dung dịch điện giải và một số thuốc bồi bổ cơ thể.
Bác sĩ khuyên anh điều chỉnh sinh hoạt như uống bù nước nhiều lần trong ngày, bổ sung nước có chất điện giải khi làm việc lâu dưới nắng, ưu tiên trang phục thoáng mát. Cách khoảng 2 tiếng làm việc nên nghỉ 15 phút, chọn nơi nghỉ thoáng mát, có bóng râm. Vào lúc nắng gắt, cần ngưng chạy xe, tránh kiệt sức.
Hơn 10 năm làm phụ hồ, vốn đã quen với thời tiết nóng nhưng những ngày qua, chị N.T.V.L. (38 tuổi, ở quận 11) luôn cảm thấy kiệt sức. Gần đây, chị bị say nắng, phải nhập viện điều trị do mệt lả, choáng váng, tiểu ít.
Bác sĩ chẩn đoán chị bị rối loạn điện giải, mất nước nặng dù chị L. nói mình uống nước rất nhiều, có ngày hơn 3 lít. Bác sĩ cho biết, uống nước nhiều, uống nhanh trong thời gian ngắn không đủ để bù nước, cần uống đều đặn từng ngụm nhỏ, chứ không chỉ uống khi thấy khát. Chị L. cần bổ sung điện giải, nghỉ ngơi hợp lý để có thể bảo đảm sức khỏe.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Kiều Xuân Thy - Phó trưởng cơ sở 3, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, nắng nóng không chỉ gây khó chịu đơn thuần mà còn là tác nhân nguy hiểm đối với hệ tim mạch, thần kinh và hô hấp. Đặc biệt khi cơ thể phải vận động, di chuyển hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian dài.
Bổ sung nước đều đặn
Theo bác sĩ Kiều Xuân Thy, đa số người bệnh cho biết đã uống rất nhiều nước lúc khát. Có người còn rửa mặt, xối nước đá để hạ nhiệt. Đây là sai lầm nghiêm trọng.
Bác sĩ phân tích: “Nhiều người có thói quen chỉ uống nước khi khát, nhưng thực tế nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, nên đã thiếu nước trước đó. Việc uống nước ào ạt cùng lúc càng có nguy cơ gây loãng máu, hạ natri máu… Vì vậy, mọi người nên uống đều đặn với lượng nước vừa phải, tránh uống no căng bụng”. Bên cạnh nước lọc, cần bổ sung điện giải trong các loại như nước dừa, gel năng lượng, viên sủi để tránh mất cân bằng điện giải.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thế Hoàng - Trưởng khoa Nội hô hấp Bệnh viện Thống Nhất - cho biết, nhiệt độ tăng cao đột ngột, có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cơ thể. Nắng nóng, thân nhiệt thường có sự điều chỉnh kém đi, dễ bị mất nước, mất điện giải, ăn uống kém nên cơ thể mệt mỏi dẫn đến sức đề kháng giảm. Ngoài ra, nắng nóng còn làm trầm trọng các bệnh mạch máu như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Chưa kể đến có người đang ngoài nắng nóng vào phòng máy lạnh ngay càng dễ bị sốc nhiệt, tổn thương, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, gây viêm phổi, đợt cấp của hen, đợt cấp của viêm phổi mạn tính. Nhất là với người cao tuổi và người có bệnh nền vì khả năng điều hòa thân nhiệt kém hơn người trẻ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, TPHCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt, có nơi nhiệt độ lên đến 39-400C. Tình trạng thời tiết cực đoan này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người cần uống đủ nước, bổ sung chất dinh dưỡng trong thực đơn hằng ngày để nâng cao sức đề kháng. Hạn chế ra ngoài trong thời điểm nắng gắt (từ 11g30 đến 14g30). Nếu cần thiết phải làm việc ngoài trời, nên chọn nơi có bóng râm, che chắn cẩn thận nhằm bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của tia UV, bảo vệ thân nhiệt, ngừa sốc nhiệt. Khi về nhà, không tắm ngay, không vào nơi có máy lạnh, cần nghỉ ngơi để cơ thể lấy lại sức và thích nghi.
Nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu như đột ngột choáng váng, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, da đỏ ửng hoặc tái xanh, nhiều mồ hôi hoặc ngược lại da khô nóng, nhịp tim nhanh, thở dốc… nên ngừng ngay công việc, tìm nơi mát mẻ nghỉ ngơi, uống bù nước.
Khi phát hiện 1 người bị mệt lả, yếu cơ, không còn sức lực; nặng hơn là rối loạn ý thức, nói nhảm, lơ mơ… khả năng người đó đang bị sốc nhiệt. Cần đưa họ đến nơi râm mát, cởi bớt quần áo, chườm lạnh hoặc lau bằng khăn mát, nếu thấy người bệnh còn tỉnh táo thì cho uống nước và đợi hồi phục. Ngược lại, không nên để người bệnh tự di chuyển mà phải gọi ngay cấp cứu.
Chăm sóc trẻ khi trời nóng Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Thị Ngọc Phú - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 - thời điểm này, phụ huynh nên quan sát, hướng dẫn trẻ chơi ở nơi có bóng mát, tránh chơi ngoài trời khi nhiệt độ môi trường tăng cao (từ khoảng 10g đến 14g). Thời gian hoạt động ngoài trời không quá 1 giờ. Cho trẻ mặc đồ thoáng mát, chất liệu vải mềm và thấm hút tốt để trẻ thoải mái, dễ chịu. Trong lúc trẻ vui chơi, cha mẹ nên lau mồ hôi thường xuyên cho con. Nếu quần áo con đang mặc bị ướt mồ hôi thì cần thay quần áo khô. Hãy nhắc trẻ uống nước, có thể cho trẻ uống những loại nước giàu khoáng chất và nhiều vitamin như nước ép trái cây, nước cam tươi, dừa tươi, nước đun sôi để nguội… Đặc biệt chú ý trong chế biến, bảo quản thức ăn, nhất là thời gian lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ môi trường. Nếu ăn đồ ăn ở quán, cha mẹ cần lựa chọn nơi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh ngộ độc thực phẩm cho trẻ. Tiêm ngừa vắc xin đầy đủ phòng ngừa một số bệnh lây nhiễm, giảm nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ trẻ qua mùa nắng nóng. |
Phạm An