Trường học tìm cách ứng phó với thời tiết cực đoan

30/04/2025 - 18:29

PNO - Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), năm 2024, ít nhất 242 triệu học sinh tại 85 quốc gia đã bị gián đoạn việc học do khí hậu khắc nghiệt, bao gồm các đợt nắng nóng, bão, lũ lụt và hạn hán.

Sức khỏe học sinh bị đe dọa

Theo dữ liệu từ UNICEF, các đợt nắng nóng khiến nhiều trường học phải đóng cửa trong năm 2024, chỉ riêng trong tháng Tư đã có hơn 118 triệu học sinh bị ảnh hưởng. Bangladesh và Philippines đã phải đóng cửa trường học trên diện rộng vào tháng 4/2024 trong khi Campuchia rút ngắn ngày học xuống 2 giờ.

Vào tháng 5/2024, nhiệt độ tăng vọt lên 46 độ C ở một số khu vực Nam Á, khiến học sinh có nguy cơ bị say nắng.

Một học sinh ở thành phố Quezon, Philippines dùng khăn che nắng khi tan học - ẢNH: MICHAEL VARCAS (The Philippine Star)
Một học sinh ở thành phố Quezon, Philippines dùng khăn che nắng khi tan học - ẢNH: MICHAEL VARCAS (The Philippine Star)

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết, cơ thể trẻ em nóng lên nhanh hơn, đổ mồ hôi kém hiệu quả hơn và hạ nhiệt chậm hơn người lớn.

Bà chia sẻ: “Trẻ em không thể tập trung trong lớp học giữa cái nóng oi ả, chúng cũng không thể đến trường nếu đường đi bị ngập hoặc trường học chìm trong nước lũ”. Bà Russell lưu ý, vào năm 2024, thời tiết khắc nghiệt đã khiến 1/7 học sinh trên thế giới phải nghỉ học, sức khỏe và sự an toàn của các em bị đe dọa, ảnh hưởng đến việc học tập lâu dài.

Trong khi đó, các trường học và hệ thống giáo dục phần lớn không được trang bị đầy đủ để bảo vệ học sinh khỏi những tác động từ khí hậu. Nguyên nhân do các khoản đầu tư tài chính cho giáo dục vẫn ở mức rất thấp. Bên cạnh đó, dữ liệu toàn cầu về tình trạng gián đoạn trường học do các mối nguy hiểm về khí hậu còn hạn chế.

Cần đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng

Năm nay, thời tiết nóng nực lại đến. Cô giáo mầm non Lolita Akim đã bật 5 chiếc quạt đứng và dự phòng thêm 3 chiếc khác trong cái nóng như thiêu đốt của Manila. Năm học này tại Philippines bắt đầu sớm hơn 2 tháng so với bình thường, vì vậy học kỳ sẽ kết thúc trước khi nắng nóng đạt đỉnh vào tháng Năm.

Các lớp học đã được sắp xếp lại để trẻ em tránh cái nóng giữa trưa và các trường được trang bị quạt, trạm tiếp nước. Các động thái này là ví dụ về cách các quốc gia đang cố gắng thích nghi với tình trạng nhiệt độ cao hơn do biến đổi khí hậu gây ra, thường là với nguồn lực hạn chế.

Là giáo viên, cô Akim đang ở tuyến đầu của cuộc chiến giữ cho học sinh được an toàn và tham gia tích cực vào lớp học. Cô cho biết: “Thời tiết này, các em ướt đẫm mồ hôi, trở nên khó chịu. Việc thu hút sự chú ý từ bọn trẻ vào bài học rất khó khăn”.

Theo Bộ Giáo dục Philippines, khoảng 6 triệu học sinh đã mất tới 2 tuần học trên lớp vào năm 2024 khi nhiệt độ đạt kỷ lục 38,8 độ C. Nhiều trường hợp học sinh kiệt sức vì nóng, chảy máu mũi và nhập viện khi đang học tập.

Các nhà khoa học cho biết, nhiệt độ cực cao là dấu hiệu rõ ràng của biến đổi khí hậu, chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt. Gần một nửa số trường học ở Manila đã buộc phải đóng cửa trong 2 ngày vào tháng 3/2025 khi chỉ số nhiệt - thước đo nhiệt độ và độ ẩm - đạt mức nguy hiểm.

Chuyên gia dịch vụ thời tiết quốc gia Wilmer Agustin nói: “Chúng tôi đã báo cáo chỉ số nhiệt từ năm 2011, nhưng chỉ gần đây con số mới ấm lên bất thường”. Wilmer Agustin đồng thời cho rằng nguyên nhân là do “El Nino và biến đổi khí hậu”.

Cách đó nửa vòng trái đất, Amaral Cunha - Hiệu trưởng Trường Escola Eleva, ở Brazil - phải tìm cách để tránh đóng cửa trường vì nắng nóng. Vào tháng 2/2025, trường đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với nhiệt độ kỷ lục trên 44 độ C ở Rio de Janeiro.

Cunha cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường thông gió trong các lớp học, mở rộng việc cung cấp nước uống, điều chỉnh các hoạt động thể chất vào thời điểm phù hợp và tạo ra không gian có máy điều hòa để học sinh thoải mái hơn”.

Ông cũng nói thêm, với các đợt nắng nóng và mưa bão ngày càng thường xuyên hơn, “thích nghi liên tục” hiện đã trở thành một phần của cuộc sống. Theo ông, cần có thêm khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng “để trường học được chuẩn bị tốt hơn cho những điều kiện cực đoan”.

Linh La (theo Straits Times, TES, UNICEF)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI