Nhiều công chức trẻ Hàn Quốc muốn nghỉ việc

22/06/2023 - 06:58

PNO - Lương thấp, khối lượng công việc nặng nề, văn hóa công sở cứng nhắc được cho là những nguyên nhân khiến nhiều công chức trẻ Hàn Quốc muốn bỏ việc.

 

Học sinh tham gia lớp luyện thi công chức ở Seoul, ngày 13/10/2021
Học sinh tham gia lớp luyện thi công chức ở Seoul, tháng 10/2021

Các công chức trẻ đang bỏ việc và chuyển sang các doanh nghiệp tư nhân do mức lương thấp, triển vọng thăng tiến hạn chế.

Theo khảo sát năm 2022 của Viện Hành chính công Hàn Quốc, hơn 3 trong số 5 công chức ở độ tuổi 20 và 30 cho biết họ sẵn sàng thay đổi công việc nếu có cơ hội.

Cuộc khảo sát thực hiện trên 6.000 công chức được công bố vào ngày 6/6 và cho thấy 65,3% số người được hỏi có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm trở xuống, sẵn sàng thay đổi công việc nếu có điều kiện. Gần 3/4 những người ở độ tuổi 20 và 30 cho biết lương thấp là lý do chính khiến họ rời đi.

Các nhân viên trẻ hơn thường có mong muốn nghỉ việc nhiều hơn.

Ở những người được hỏi, có đến 61% người trong độ tuổi 20, 58,9% ở độ tuổi 30, 42,6% ở độ tuổi 40 và 29,8% ở độ tuổi 50 trở lên cho biết muốn nghỉ việc.

Tình trạng nhiều công chức trẻ muốn nghỉ việc rộ lên kể từ khi nhiều cơ quan của chính phủ bắt đầu chuyển đến Sejong, một thành phố hành chính nằm cách Seoul 112km về phía nam.

Một công chức trẻ cho biết cô đã nghỉ việc khi "kiếm được không quá 1,8 triệu won (1.400 USD) một tháng, trừ khi làm thêm giờ".
Cô ấy nói những người làm công ăn lương tối thiểu kiếm được nhiều tiền hơn cô ấy. Cùng một số giờ làm việc nhưng cô nhận được 1,8 triệu won, trong khi những người làm việc bán thời gian với mức lương tối thiểu nhận được hơn 2 triệu won.

Tương tự, một công chức ở Sejong nói rằng anh đã kiệt sức. "Biết rằng đây là công việc ổn định và lương hưu cao, nhưng mỗi khi đi làm về, tôi lại cảm thấy muốn bỏ việc. Tôi sẽ tìm một công việc mới". 

Viện Hành chính công cho biết nên tăng cường các lợi ích của nhân viên và nên sửa đổi chính sách trả lương dựa trên thâm niên. Người lao động nên được trả lương dựa trên thành tích và năng suất làm việc của họ.

Một quan chức cấp trung cho biết thế hệ trẻ bị chi phối bởi cảm giác công bằng và bình đẳng hơn so với các đồng nghiệp cấp cao của họ, đặc biệt là khi liên quan đến cơ cấu lương.

Những người được gọi là thế hệ gen Z không ngại nói lên ý kiến ​​của họ về nhu cầu được trả công xứng đáng. Khi nhận lương vào cuối mỗi tháng, họ có thể thất vọng vì thấy không có bất kỳ khoản tăng đáng kể nào.

Minh Hương (theo Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI