'Nhảy múa' cùng bảng xếp loại biệt thự cổ ở Sài Gòn

08/01/2020 - 07:18

PNO - Tại TPHCM, nhiều căn biệt thự cổ có kiến trúc độc đáo lại biến mất trong danh sách bảo tồn, trong khi những căn nhà cũ chẳng có giá trị gì lại bị đưa vào diện phải giữ lại…

Trên đường Sương Nguyệt Anh, P. Bến Thành, Q.1, có nhiều căn nhà cũ bị đưa vào diện bảo tồn theo chương trình “Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM”. Tuy nhiên, mới đây, có một căn nhà trong số này được loại ra khỏi danh sách bảo tồn, chủ nhà được phép tháo dỡ để xây công trình khác, từ đó lòi ra sự bất nhất trong chương trình bảo tồn biệt thự cũ ở TPHCM.

Căn biệt thự số 68 Sương Nguyệt Anh, Q.1 từng bị xếp vào nhóm 2, sau đó đã được thẩm định lại (theo khiếu nại của chủ nhà) thành nhóm 3 nên được phép tháo dỡ, xây mới ẢNH: L.N.
Căn biệt thự số 68 Sương Nguyệt Anh, Q.1 từng bị xếp vào nhóm 2, sau đó đã được thẩm định lại (theo khiếu nại của chủ nhà) thành nhóm 3 nên được phép tháo dỡ, xây mới  - Ảnh: L.N.

Đưa vào rồi lại đưa ra

“Có biệt thự cổ, khổ sở đủ điều mấy chú ơi! Không biết mấy căn khác có gì độc đáo không, chứ căn nhà của tui chỉ là nhà cũ xây trước năm 1975 thôi. Nhà bê tông mái đúc bình thường, có gì quý giá đâu mà giữ lại để bảo tồn” - bà Phạm Thị Thúy, chủ căn biệt thự vừa được tháo dỡ ở đường Sương Nguyệt Anh, nói với chúng tôi.

Bà Thúy cho biết, nhà bị đưa vào diện bảo tồn nên phải mất gần 5 năm, bà mới xin được giấy phép xây dựng nhà mới. “Do Hội đồng phân loại biệt thự TPHCM ra thông báo căn nhà của tôi thuộc diện biệt thự cũ nhóm 2 (bảo tồn phần kiến trúc chính) nên UBND Q.1 không đồng ý cấp giấy phép xây dựng mới, đồng thời yêu cầu không được phép tháo dỡ, cải tạo” - bà Thúy giải thích. Không đồng tình với cách nhận định của hội đồng trên, bà Thúy đã làm đơn khiếu nại đến UBND TPHCM.

Trong đơn, bà Thúy trình bày, căn nhà bà sở hữu chỉ là công trình bình thường, không có dấu ấn kiến trúc, lịch sử, văn hóa gì. “Chỉ có căn cứ duy nhất là căn nhà tôi nằm ở khu vực trước đây được quy hoạch “đất biệt thự”. Nếu chỉ dựa vào quy hoạch đất biệt thự để đưa căn nhà tôi vào diện bảo tồn thì quá vô lý” - bà Thúy phản ánh thêm. Sau khi khiếu nại đến UBND TPHCM, căn nhà của bà Thúy được Hội đồng phân loại biệt thự TPHCM đánh giá lại, xếp vào nhóm 3 nên được phép tháo dỡ để xây công trình khác.

Sau khi căn biệt thự của bà Thúy được loại khỏi danh sách bảo tồn, chủ nhân của những căn biệt thự cũ bị đưa vào diện bảo tồn trên đường Sương Nguyệt Anh bắt đầu nhận thấy “có vấn đề”. Chủ một căn biệt thự bị xếp vào nhóm 2 so sánh: “Nhà ở đây có kiến trúc gần như nhau. Nếu căn của bà Thúy được phép tháo dỡ để xây công trình mới thì căn của tôi cũng phải được giải quyết như vậy. Hai căn giống nhau mà căn này giữ, căn khác được tháo dỡ chứng tỏ việc thẩm định biệt thự có vấn đề”.

Nhà đẹp được dỡ, nhà xấu giữ hoài

Tương tự trường hợp được phép tháo dỡ biệt thự cũ ở đường Sương Nguyệt Anh, chủ căn biệt thự số 178A Hai Bà Trưng, Q.1 cũng cho rằng, việc căn nhà của bà bị đưa vào danh sách bảo tồn là vô lý: “Hiện nay, căn nhà chỉ còn bốn bức tường và chẳng khác gì nhà hộp. Không hiểu sao, họ lại xếp vào nhóm 2, nên dù nhà xuống cấp, cũng chẳng sửa chữa gì được”.

Bà Lý Thị Thành - chủ một căn nhà được xếp vào diện “biệt thự bảo tồn” trên đường Mạc Đĩnh Chi, Q.1 - cũng ngao ngán: “Hiện giờ, nhà tôi có hơn 20 thành viên chung sống. Nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng xin giấy phép sửa chữa, họ cũng không cho; muốn trùng tu để bảo tồn, cũng không có đơn vị nào cấp kinh phí để thực hiện. Bao nhiêu năm, chúng tôi phải chạy vạy khắp nơi mong được đánh giá lại, đưa vào nhóm 3 để tháo dỡ, xây lại căn nhà cấp 4 đầy đủ tiện nghi hơn mà không được. Nếu để vậy, nhà càng xuống cấp, sập đè chết người, ai chịu trách nhiệm?”.

Căn biệt thự số 68 Sương Nguyệt Anh, Q.1 từng  bị xếp vào nhóm 2, sau đó đã được thẩm định lại (theo khiếu nại của chủ nhà) thành nhóm 3  nên được phép tháo dỡ, xây mới - Ảnh: L.N.
Căn biệt thự số 68 Sương Nguyệt Anh, Q.1 từng bị xếp vào nhóm 2, sau đó đã được thẩm định lại (theo khiếu nại của chủ nhà) thành nhóm 3 nên được phép tháo dỡ, xây mới - Ảnh: L.N.

Trong khi nhiều căn nhà cũ bị xếp vào diện bảo tồn thì nhiều căn biệt thự cổ có kiến trúc độc đáo lại bất ngờ… biến mất. Không chỉ biến mất trên giấy tờ như Báo Phụ Nữ TPHCM từng phản ánh, nhiều căn đã bị chủ nhà tự ý tháo dỡ hoặc được chính quyền địa phương loại ra khỏi danh sách bảo tồn. Điển hình là căn biệt thự có kiến trúc độc đáo ở số 65 Phạm Ngọc Thạch, Q.3. Khi công trình này bị tháo dỡ gần xong, các đơn vị liên quan mới phát hiện và báo lên UBND TPHCM.

Khi Thường trực UBND TPHCM tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan để giải quyết việc tháo dỡ trái phép căn biệt thự cũ số 65 Phạm Ngọc Thạch (cuối tháng 9/2019), căn biệt thự này đã bị tháo dỡ hoàn toàn kiến trúc cần bảo tồn, chỉ còn một phần công trình phụ trợ phía sau. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn cho người dân sống ở khu chung cư sát bên, Thường trực UBND TPHCM phải chấp thuận cho chủ sở hữu biệt thự 65 Phạm Ngọc Thạch được tháo dỡ toàn bộ căn nhà phụ còn lại và làm các thủ tục để được cấp phép xây dựng mới.

Loạn bảng “phong thần” biệt thự

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc phân loại biệt thự cũ ở TPHCM để bảo tồn do Hội đồng phân loại biệt thự TPHCM và Tổ Kỹ thuật (Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị TPHCM là cơ quan thường trực) thực hiện, dựa theo quyết định của UBND TPHCM ký ngày 13/5/2015. 

Tính đến cuối năm 2019, ở TPHCM, có gần 1.000 căn biệt thự cũ được chủ sở hữu và các cơ quan chức năng đề nghị phân loại. Theo đó, có 113 căn biệt thự đã được thẩm định, gồm 25 căn thuộc nhóm 1 (bảo tồn toàn bộ), 64 căn thuộc nhóm 2 (bảo tồn một phần, chủ yếu giữ lại phần kiến trúc chính) và 21 căn thuộc nhóm 3 (không cần bảo tồn). Điều đáng lo ngại là, qua quá trình thẩm định, hội đồng phân loại nhận thấy, trong danh sách trên, có 3 căn nhà được xác định không phải biệt thự cũ, hoặc biệt thự cũ nhưng đã biến mất.

Hiện chưa rõ vì sao những căn biệt thự được đưa vào diện bảo tồn lại biến mất hoặc công trình đang hiện hữu không phải là biệt thự. Tuy nhiên, đây không phải trường hợp cá biệt vì trên thực tế, có rất nhiều căn biệt thự thuộc diện bảo tồn đã biến mất hoặc thay đổi hiện trạng một cách khó hiểu. Theo thông báo mới đây của UBND Q.1, quận này có tới 49 căn nhà từng nằm trong danh sách bảo tồn, nhưng hiện không phải là biệt thự hoặc có nguồn gốc là biệt thự nhưng nay không còn là biệt thự.

Cũng theo báo cáo của UBND Q.1, trong tổng số 230 căn biệt thự cũ ở quận (do UBND Q.1 đánh giá sơ bộ, gửi cho Bộ Xây dựng và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM trước đây), có 105 căn được đánh giá thuộc nhóm 3 (không bảo tồn) do trên thực tế, công trình đã bị tháo dỡ hoặc xây dựng mới. “Qua rà soát, UBND Q.1 nhận thấy, trong danh sách 230 căn nhà nêu trên, có một số trường hợp không còn là biệt thự, một số công trình đã xây dựng thành công trình mới trước khi Sở Xây dựng và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đề nghị đánh giá biệt thự. Một số đã tách chủ quyền riêng…” - văn bản của UBND Q.1 nêu.

Khác với thông báo của UBND Q.1, theo ghi nhận của chúng tôi, có một số căn biệt thự được cho là đã “biến mất” hoặc “thay đổi hiện trạng”, trên thực tế, chúng vẫn còn khá nguyên vẹn. Trao đổi với chúng tôi về tính hợp lý trong việc UBND Q.1 loại hơn 100 căn biệt thự ra khỏi danh sách bảo tồn, một thành viên trong Hội đồng thẩm định biệt thự TPHCM lắc đầu: “Văn bản của UBND Q.1 giống như thông báo cho Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM biết sự việc đã rồi. Dù Hội đồng thẩm định biệt thự TPHCM là đơn vị có chức năng thẩm định, xếp loại biệt thự nhưng việc quản lý nhà đất lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Nếu UBND quận, huyện cho tháo dỡ, xây mới, chúng tôi cũng không ngăn chặn được”. 

Một căn biệt thự trên đường Lý Tự Trọng (có tên trong danh sách bảo tồn) đang được tháo dỡ để xây công trình mới ngay sau khi UBND Q.1 có thông báo  loại hơn 100 căn biệt thự khỏi danh sách bảo tồn - Ảnh: L.N.
Một căn biệt thự trên đường Lý Tự Trọng (có tên trong danh sách bảo tồn) đang được tháo dỡ để xây công trình mới ngay sau khi UBND Q.1 có thông báo loại hơn 100 căn biệt thự khỏi danh sách bảo tồn - Ảnh: L.N.

Có thể phát sinh tiêu cực

Trao đổi với chúng tôi về những bất nhất trong công tác thẩm định, bảo tồn biệt thự cổ ở TPHCM hiện nay, một kiến trúc sư có nhiều năm theo dõi chương trình này phân tích: “Để chương trình bảo tồn biệt thự thành công, trước tiên phải có một hội đồng thẩm định thật uy tín. Hội đồng này phải quy tụ các chuyên gia về kiến trúc và cả về lịch sử, văn hóa. Nếu không có một hội đồng thẩm định đủ uy tín, sẽ dễ dẫn đến những tranh cãi về giá trị công trình cần bảo tồn, từ đó, các mâu thuẫn, xung đột lợi ích sẽ phát sinh, thậm chí có thể xảy ra tiêu cực, như chủ biệt thự tác động để được loại nhà mình khỏi danh sách bảo tồn, hoặc đưa nhà cũ vào diện bảo tồn để gây khó dễ cho người dân”.

Một thành viên Hội đồng phân loại biệt thự TPHCM cho biết, UBND TPHCM đang xem xét danh sách phân loại các nhóm biệt thự theo đề xuất của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM. “Để tránh sai sót, khiếu nại sau này, cần kiến nghị giao cho UBND quận, huyện chủ động rà soát thêm một lần nữa. Cần kiểm tra lại hiện trạng trên thực tế vì so với danh sách đề xuất, rất nhiều địa chỉ không còn biệt thự hoặc bị chia cắt do nhiều người sở hữu. Nếu danh sách biệt thự bảo tồn được ban hành khác với thực tế, sẽ gây bức xúc lớn cho người dân” - vị này bày tỏ.

Thu hồi thông báo loại hơn 100 biệt thự ở Q.1

Liên quan đến thông báo của UBND Q.1 về việc loại hơn 100 căn biệt thự ra khỏi danh sách biệt thự cần bảo tồn, sau khi dư luận lên tiếng về việc có nhiều căn biệt thự vẫn tồn tại nhưng được cho là đã “biến mất”, lãnh đạo UBND Q.1 cho biết, đã có công văn thu hồi thông báo trên.
Ông Lưu Trung Hòa - Phó chủ tịch UBND Q.1 - giải thích, ý định ban đầu của UBND quận là thông báo cho Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM danh sách các địa chỉ biệt thự cũ đã bị phá hủy, phá dỡ hoặc xây công trình mới. Tuy nhiên, danh sách quận thông báo đã không được rà soát kỹ, có các địa chỉ không đúng mục đích ban đầu, gây nhầm lẫn đáng tiếc. Theo ông Hòa, việc quyết định một căn biệt thự cũ có thuộc diện bảo tồn hay không, thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM.

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI