Nhật Bản bổ nhiệm bộ trưởng chuyên trách hỗ trợ người bị cô đơn

14/02/2021 - 14:25

PNO - Làm việc từ xa và thiếu các cuộc gặp gỡ xã hội trong thời đại dịch đã khiến người Nhật ngày càng cảm thấy căng thẳng và cô đơn. Lần đầu tiên sau 11 năm, số vụ tự tử ở nước này gia tăng và nguyên nhân được cho là do tình trạng cách ly, cô lập liên quan đến đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Yoshihide Suga vừa bổ nhiệm một vị trí mới trong nội các nhằm giảm nhẹ những tác động do cách ly xã hội. Tetsushi Sakamoto, vị bộ trưởng vừa được chỉ định, sẽ là người điều phối các nỗ lực của nhiều bộ và cơ quan.

Tetsushi Sakamoto, Bộ trưởng phụ trách phục hồi khu vực và tăng tỷ lệ sinh của Nhật Bản, đã được giao nhiệm vụ với một thách thức khó khăn khác: xoa dịu nỗi cô đơn
Bộ trưởng Tetsushi Sakamoto được giao nhiệm vụ với một thách thức khó khăn khác: xoa dịu nỗi cô đơn 

Thủ tướng Suga nói với Bộ trưởng Sakamoto: “Phụ nữ đặc biệt cảm thấy bị cô lập hơn và đối mặt với tỷ lệ tự tử ngày càng tăng. "Tôi muốn anh xem xét vấn đề và đưa ra một chiến lược toàn diện."

"Tôi hy vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động ngăn chặn sự cô đơn, cô lập xã hội và bảo vệ mối quan hệ giữa mọi người", Bộ trưởng Sakamoto nói với các phóng viên. Một trách nhiệm khác của ông trong nội các là giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh đang giảm của Nhật Bản.

Sự cô lập thường trở nên trầm trọng hơn khi có thiên tai và các thảm họa khác. Sau trận động đất lớn Hanshin vào năm 1995 và thảm hoạ động đất - sóng thần Fukushima năm 2011, nhiều nạn nhân lớn tuổi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đến nhà ở tạm thời, nơi họ qua đời sau đó mà không có ai bên giường bệnh. Những cái chết đơn độc như vậy được gọi là kodokushi trong tiếng Nhật, đã trở thành mối quan tâm lớn của công chúng ở Nhật Bản.

Đại dịch càng làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Được khuyến khích ở nhà và tránh các tình huống tụ tập đông người hoặc tiếp xúc gần gũi, những người già không quen giao tiếp trực tuyến đã trở nên tách biệt hơn với thế giới bên ngoài.

Ngay cả những thế hệ trẻ hơn và hiểu biết về công nghệ cũng phải vật lộn với những nỗ lực giãn cách xã hội kéo dài. Văn phòng và trường học đóng cửa có nghĩa là họ ít tiếp xúc với đồng nghiệp và bạn bè hơn. Nhiều người cũng đã mất việc làm, gây thêm áp lực về kinh tế.

Chính phủ Nhật Bản tin rằng những thách thức như vậy đã góp phần làm gia tăng số vụ tự tử - từ 750 đến 20.919 người vào năm 2020, theo dữ liệu sơ bộ của cảnh sát và Bộ Y tế. Đây là mức tăng đầu tiên kể từ năm 2009, thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Nhật Bản có tỷ lệ tự tử cao nhất trong nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu, với 14,9 vụ tự tử trên 100.000 người. Phần lớn những trường hợp này được cho là do các vấn đề sức khỏe và kinh tế, điều này càng trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch kéo dài.

Năm 2018, nước Anh cũng từng bổ nhiệm một bộ trưởng chuyên trách hỗ trợ tình trạng cô đơn trong xã hội. Nghiên cứu đã phát hiện rằng ít nhất 13% dân số  nước này cảm thấy cô đơn, và các cộng đồng thiếu kết nối có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh 32 tỷ bảng Anh (44 tỷ USD) mỗi năm.

Sỹ Anh (theo Nikkei Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI