Nhập viện trễ, nhiều trẻ bị sốt xuất huyết nguy kịch

03/08/2023 - 06:07

PNO - Theo Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay, thành phố có 9.790 ca mắc sốt xuất huyết. Hiện đang có 158 ca điều trị tại các bệnh viện. Trong đó, có 69 ca là người lớn, 89 ca trẻ em… Nhiều trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết được đưa đến bệnh viện ở giai đoạn trễ - vào ngày thứ tư hoặc năm - nên rơi vào tình trạng nặng, nguy kịch.

Cứ nghỉ con sốt thông thường

Chăm con trai 2 tuổi đang điều trị ở Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, chị Trần Thị Thu (ở tỉnh Bình Phước) cho biết bé đang vào giai đoạn sốc sốt xuất huyết (SXH), nguy cơ thở máy, lọc máu rất cao. Trước nhập viện 3 ngày, bé trai sốt cao liên tục. Thấy vậy, chị mua thuốc cho con uống. 2 ngày đầu, bé có hạ sốt. Đến ngày thứ ba, bé đột ngột sốt cao, ói, quấy khóc nên chị đưa vào BV địa phương khám. “Con tôi được chẩn đoán SXH, phải nhập viện. Tuy nhiên, qua hôm sau, bé trở nên li bì, tay chân lạnh, tiểu cầu giảm nhanh nên BV chuyển đến BV Nhi Đồng 2”.

Trẻ mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố - Ảnh: N.L.
Trẻ mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố - Ảnh: N.L.

Chị Thu cho biết luôn cảnh giác với bệnh tay chân miệng. Lúc con nóng sốt, chị lo lắng con mắc tay chân miệng nên chỉ chú ý tới các triệu chứng của bệnh này. “Tôi không ngờ con không bị tay chân miệng mà mắc SXH” - chị xót xa nói.

Còn bé L.Q.T. (10 tuổi, ở Đồng Nai) thì sau hơn 1 tuần điều trị tại BV Nhi Đồng 2, các bác sĩ mới kiểm soát được SXH. Đáng nói là dù bé đã có dấu hiệu mắc SXH nặng như sốt cao, lừ đừ, mệt mỏi nhưng người nhà vẫn cứ nghĩ con bị sốt thông thường. “Đến khuya ngày thứ hai sau bệnh, con tôi sốt run cầm cập, than đau ngực, người lả, nôn ói và trên da có dấu hiệu xuất huyết. Cả nhà liền đưa con vào BV. Sau khi làm xét nghiệm cháu được chuyển đến TPHCM gấp trong đêm” - anh Nguyễn Thanh Tú - cha bé T. - cho biết.

Vừa qua, BV Nhi Đồng Thành phố cũng đã cấp cứu thành công bé trai (5 tháng tuổi) mắc SXH nặng, cô đặc máu. Đáng nói, bé sốt cao nhiều ngày liên tục. Đến khi bé nôn ra dịch nâu lợn cợn, bụng chướng, nổi xuất huyết trên da, gia đình mới đưa đến BV cấp cứu. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ phải điều trị tích cực, chống sốc cho bé bằng dung dịch cao phân tử và thuốc vận mạch, điều trị rối loạn đông máu bằng truyền huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh và tiểu cầu đậm đặc…, bé mới có thể qua nguy kịch.

Ca nặng có xu hướng tăng 

Theo thống kê của BV Nhi Đồng 2, số ca SXH có tăng nhẹ 10 - 20% so với tuần trước. Trung bình mỗi tuần có 67 trẻ mắc SXH được đưa đến khám. Trong đó có hơn 30 ca nhập viện, 7 ca chuyển biến nặng. Tuy số lượng trẻ nhập viện chưa bằng cùng kỳ năm ngoái nhưng số ca SXH nặng có xu hướng tăng. Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Lưu - Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 - cho biết, đa số trường hợp trẻ nhập viện trong giai đoạn ngày thứ ba đến ngày thứ năm của bệnh, xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm phải nhập viện theo dõi. Một số trẻ đã vào sốc SXH phải cấp cứu.

ác sĩ Trần Ngọc Lưu - Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 - thăm khám cho bé mắc sốt xuất huyết - Ảnh: Phạm An
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu - Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 - thăm khám cho bé mắc sốt xuất huyết - Ảnh: Phạm An

Tương tự, tại BV Nhi Đồng Thành phố, số ca mắc SXH hiện không cao như năm trước nhưng số ca nặng nhiều, bệnh tăng nhanh trong hơn 2 tuần qua. Hiện Khoa Nhiễm của BV đang điều trị cho hơn 10 ca bệnh, đã có trẻ mắc SXH nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn… được cứu sống. BV cũng đang tiếp nhận điều trị một số ca sốc SXH, thở máy, lọc máu… từ các tỉnh chuyển đến.

Ở Khoa SXH - Huyết học, BV Nhi Đồng 1, trẻ mắc SXH chuyển nặng chiếm khoảng 10% số lượng trẻ đến khám, nhập viện. Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của BV cũng liên tiếp điều trị và hỗ trợ các BV ở địa phương khác hội chẩn từ xa cấp cứu trẻ sốc SXH, đặt ECMO, lọc máu những ca nguy kịch. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa SXH - Huyết học của BV - cho biết trong số trẻ mắc SXH nặng, có trẻ đã vào sốc SXH, chuyển nặng ngay khi vừa đến BV. Có thể do người nhà không nhận biết được dấu hiệu bệnh, nhầm lẫn với sốt thông thường. 

Cũng có cha mẹ chủ quan, cho rằng SXH mau khỏi nên chỉ để trẻ ở nhà chăm sóc, cho uống thuốc hạ sốt. Đến khi trẻ bệnh đến ngày thứ năm, sốt cao không hạ, nôn ói, xuất huyết dưới da mới ôm con vào cấp cứu thì đã quá trễ. Vì vậy, các bác sĩ lưu ý, nếu trẻ sốt cao không hạ, sốt từ 2 ngày trở lên, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa ngay để bé được khám, điều trị chính xác bệnh. Không ít người lớn có thói quen đến các phòng khám truyền dịch khi mệt mỏi đồng thời cũng đưa con đi truyền dịch để điều trị SXH. Điều này là rất sai lầm, có thể khiến trẻ lâm vào nguy hiểm. 

Cần chuẩn bị đủ thuốc điều trị 

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Cố vấn chuyên môn BV Nhi Đồng 1 - TPHCM và các tỉnh phía Nam đang vào mùa mưa, việc phòng chống bệnh tay chân miệng và SXH sẽ khó khăn hơn. Cần phải luôn kịp thời có đủ thuốc điều trị bệnh tay chân miệng và SXH, nếu không sẽ còn trẻ phải thở máy, tử vong.

Hiện bệnh tay chân miệng chưa đạt đỉnh nhưng tình hình có thể đang xấu dần, tốc độ bệnh tăng cao. Vì vậy, cần ưu tiên phòng chống, kiểm soát bệnh tay chân miệng. Nếu làm tốt, khả năng trong tháng Tám này bệnh tay chân miệng sẽ giảm. Nếu chậm hơn thì khoảng tháng Mười bệnh sẽ giảm vì lúc này mới có miễn dịch cộng đồng. 

“Theo tôi biết thì Bộ Y tế và ngành dược đang cố gắng tìm, chuẩn bị đầy đủ thuốc điều trị 2 bệnh này. Tuy nhiên vẫn phải dự phòng trường hợp thuốc về không kịp. Các BV cũng có một số khó khăn như phải tìm thuốc hiệu quả và giá thành phải rẻ” - bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI