Nhập cảnh trái phép - nỗi lo mùa dịch COVID-19

11/03/2020 - 08:02

PNO - Ở các tỉnh của Campuchia giáp biên giới đất liền với Việt Nam, có đến 20.000 người nước ngoài sinh sống, làm việc, du lịch; trong đó, khoảng 8.000 người có quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý… Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam nhận định, nguy cơ lây lan dịch COVID-19 từ Campuchia vào Việt Nam là rất cao.

Nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở

Bộ Tham mưu của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, hiện nay, Campuchia đã xác định có ca dương tính với COVID-19. Dự báo sắp tới, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ Campuchia vào Việt Nam là rất cao.

Tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đi qua 10 tỉnh của Việt Nam với 10 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu chính, 29 cửa khẩu phụ, 16 lối mở. Hiện đang là mùa khô nên việc di chuyển qua biên giới bằng các đường mòn, lối mở rất dễ dàng. Ở các tỉnh của Campuchia có đường biên giới đất liền chung với Việt Nam, có đến 20.000 người nước ngoài sinh sống, làm việc, du lịch. 

Người dân qua biên giới được kiểm tra y tế, nếu phát hiện các triệu chứng nhiễm vi-rút, sẽ bị từ chối nhập cảnh - Ảnh: lê quân
Người dân qua biên giới được kiểm tra y tế, nếu phát hiện các triệu chứng nhiễm virrus, sẽ bị từ chối nhập cảnh - Ảnh: Lê Quân

Đại tá Lê Hồng Vương - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh - cho biết, Tây Ninh tiếp giáp với các địa phương của Campuchia có các sòng bạc, có người Trung Quốc và công dân các nước có dịch khá đông. Trong khi đó, ở khu vực biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh, có một số băng nhóm xe ôm chuyên đưa người xuất nhập cảnh trái phép sang biên giới. 

“Có trường hợp phụ nữ Việt lấy chồng Hàn Quốc, ở bên đó lâu năm, có con, khi nhập cảnh qua hải quan sân bay không được, họ quay sang đường Campuchia, nhờ các băng nhóm đưa vượt biên trái phép vào Việt Nam. Rất may là bộ đội biên phòng phát hiện, kịp thời báo cho công an, y tế để họ có phương án cách ly, xử lý” - đại tá Vương nói.

Những người tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép ở vùng biên, rất rành đường mòn, lối tắt và biết cách đối phó với lực lượng chức năng; không ít người khi nhập cảnh vào cửa khẩu khai báo thiếu trung thực do sợ bị cách ly. Nhân sự có chuyên môn y tế, trang thiết bị còn hạn chế… là những khó khăn của lực lượng biên phòng trong phòng chống dịch ở biên giới.

Kiên Giang là tỉnh tiếp giáp với Campuchia trên đất liền lẫn trên biển. Trên đường biên đất liền, có hiện tượng người dân “xuất ngoại” lúc 2-3g sáng để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Từ Campuchia di chuyển sang Kiên Giang bằng đường biển rất thuận lợi. Đại tá Hồ Tú Điền - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang - cho biết, Kiên Giang có nhiều hòn đảo là địa điểm du lịch nổi tiếng với lượng du khách nước ngoài rất đông. Du khách đến bằng đường chính thống thì lực lượng chức năng có thể kiểm soát được, nếu đi đường phi chính thống, sẽ là một mối nguy về lây lan dịch bệnh.

Kiến nghị đóng cửa đường mòn, lối mở biên giới 

Đại tá Hồ Tú Điền cho biết, hiện nay, Kiên Giang đã cơ bản đóng tất cả đường mòn, lối mở biên giới trên bộ. Việc ngăn đường mòn giúp lực lượng chức năng kiểm soát tốt người qua lại biên giới để góp phần ngăn ngừa dịch bệnh.

Lực lượng chức năng kiểm tra y tế tại cửa khẩu Mộc Bài, tỉ nh Tây Ninh Ả NH: LÊ QUÂN
Lực lượng chức năng kiểm tra y tế tại cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh - Ảnh: Lê Quân

Theo đại tá Đỗ Ngọc Toàn - Cục trưởng Cục Cửa khẩu, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng - về đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, cơ quan chức năng cần nghiên cứu hai nội dung: kiểm tra nghiêm ngặt cửa khẩu phụ, đường mòn đang được phép vận chuyển hàng hóa, đồng thời buộc tài xế, chủ hàng phải có khẩu trang, găng tay và tiêu độc, khử trùng hàng hóa; đối với lối mở, đường mòn, nên tham mưu cho địa phương tạm đóng cửa.

Tuồn khẩu trang từ TPHCM sang Campuchia

Theo thống kê từ Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, thời gian qua, các đơn vị phía Nam đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển khẩu trang trái phép qua Campuchia với số lượng lớn. Cụ thể, lực lượng biên phòng của tỉnh An Giang đã bắt giữ sáu vụ với hơn 220.000 khẩu trang; Long An bắt được một vụ với hơn 142.000 khẩu trang; Tây Ninh bắt được bảy vụ với hơn 564.000 khẩu trang, phối hợp với lực lượng hải quan bắt giữ bốn vụ với hơn 140.000 khẩu trang.

Theo đại tá Lê Hồng Vương, khoảng một tuần qua, tình trạng vận chuyển khẩu trang qua biên giới Campuchia diễn biến rất phức tạp. Các đơn vị thuộc lực lượng biên phòng ở tỉnh Tây Ninh đã triệt phá nhiều vụ vận chuyển khẩu trang với số lượng lớn. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận nguồn gốc khẩu trang này hầu hết từ TPHCM, được vận chuyển đến biên giới với ý đồ xuất trái phép sang Campuchia. “Hiện tại lực lượng chức năng đang đánh giá nguyên nhân vì sao một tuần trở lại đây, tình trạng vận chuyển khẩu trang trái phép sang biên giới lại có chiều hướng gia tăng như vậy. Nhiều khả năng là do chênh lệch giá, lợi nhuận lớn nên các đối tượng xuất trái phép sang biên giới bán kiếm lời” - đại tá Vương nói.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến - Tư lệnh Bộ đội biên phòng - cho biết, hiện ở vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, lực lượng biên phòng đã điều động 208 tổ với hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với lực lượng y tế, hải quan để kiểm soát những người qua lại biên giới, đặc biệt là xuất nhập cảnh trái phép.

Ông nói: “Chúng tôi nhận thức chống dịch còn hơn chống giặc, vì giặc này là giặc vô hình, nó ở quanh ta; nếu ta sơ hở, giặc sẽ tràn về như nước lũ, nên không được chủ quan, lơ là. Sắp tới, nếu xét thấy nguy cơ lây nhiễm cao, bộ đội biên phòng sẽ từng bước tham mưu cho địa phương và các cơ quan chức năng đóng các cửa khẩu phụ và lối mở”.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến thông tin thêm: “Hiện lực lượng chức năng đã thành lập 25 khu vực cách ly tại tuyến biên giới Tây Nam. Việc tham mưu đóng cửa đường mòn, lối mở là nhằm chống dịch nhưng phải tạo điều kiện để hàng hóa lưu thông”. Theo Trung tướng Chiến, điểm khó ở biên giới phía Nam là tuyến biên giới dài, nhiều cửa khẩu nhưng lực lượng làm nhiệm vụ lại mỏng. Mùa khô, biên giới có rất nhiều đường đi. Chính vì vậy, cùng với các biện pháp hành chính, lực lượng chức năng phải tuyên truyền, giáo dục, đồng thời tăng cường kiểm soát từ xa, chuẩn bị thêm phương tiện chuyên dụng để phòng, chống dịch.

Thiếu vật tư, thiết bị y tế

Đại tá Đỗ Ngọc Toàn cho hay, mới đây, Việt Nam đã tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Tại cửa khẩu, dây chuyền kiểm dịch được đưa lên trước, các cửa khẩu quốc tế phải phân loại hành khách ở các quốc gia có dịch và các quốc gia đang dừng cấp thị thực, tuyệt đối từ chối cấp thị thực đối với hành khách sốt, ho, khó thở.

Thế nhưng, tại các cửa khẩu quốc tế, việc tổ chức kiểm tra thân nhiệt đang gặp khó khăn. Thông thường, ở cửa khẩu biên giới với Campuchia, có bốn luồng, gồm hai luồng chính và hai luồng phụ nhưng chỉ có một máy đo thân nhiệt, tốc độ đo lại hạn chế. “Tôi đã kiến nghị các địa phương tăng cường vật tư y tế, máy đo thân nhiệt điện tử lên khu vực biên giới để phục vụ việc sàng lọc tại cửa khẩu” - đại tá Toàn nói.

Đại tá Hồ Tú Điền cho biết, khi kiểm tra tại một số huyện có cửa khẩu ở Kiên Giang, ông thấy có cửa khẩu chỉ bố trí một nhân viên y tế dùng máy đo thân nhiệt người qua lại. 

Đề nghị tạm dừng việc thăm tân binh

Ngày 10/3, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam đã tổ chức hội nghị “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu và phòng, chống dịch COVID-19 tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia”. Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị đã nêu thực trạng thân nhân, phụ huynh đến các đơn vị thăm tân binh rất nhiều, gây nguy cơ lây dịch trong các doanh trại. Có nhiều nơi, đơn vị không đủ khẩu trang để phát cho thân nhân của tân binh. Tại hội nghị, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến chỉ đạo, trong tình hình hiện nay, nên tạm dừng việc thăm tân binh.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI