Nhân viên công cộng đối mặt nguy cơ lớn hơn trong đại dịch

10/08/2020 - 07:00

PNO - Khi dân chúng ở nhà tránh dịch, những người lái xe buýt, nhân viên vệ sinh đường phố phải căng mình thực hiện nhiệm vụ.

Họ có nguy cơ bị lây nhiễm cao, nhưng vì trách nhiệm và đồng lương, tất cả vẫn tiếp tục lịch trình mỗi ngày.

Những chuyến xe đầy lo âu

Theo khảo sát từ tháng 3-6/2020 của Viện Công bằng y tế UCL tại Anh, người lái xe buýt công cộng trong độ tuổi 20-64 có tỷ lệ tử vong cao hơn 3,5 lần so với nam giới ở cùng độ tuổi ở tất cả các ngành nghề tại Anh và xứ Wales. Trong số 27 tài xế xe buýt được nghiên cứu, hầu hết được cho là nhiễm bệnh trước khi quốc gia thực hiện phong tỏa. Đánh giá còn cho thấy tỷ lệ tử vong ở các lái xe đã giảm xuống sau khi lệnh giãn cách được áp dụng.

Người công nhân vệ sinh phải gánh vác công việc nặng hơn giữa đại dịch, với nguy cơ phơi nhiễm mỗi ngày - Ảnh: SCMP
Người công nhân vệ sinh phải gánh vác công việc nặng hơn giữa đại dịch, với nguy cơ phơi nhiễm mỗi ngày - Ảnh: SCMP

Giáo sư Sir Michael Marmot - Giám đốc Viện Công bằng y tế UCL - nói: “Bởi vì London là trung tâm sớm của đại dịch, nguy cơ gia tăng ở nhóm tài xế xe buýt dường như liên quan đến khả năng phơi nhiễm… Đánh giá của chúng tôi cho thấy rõ ràng việc giãn cách, phong tỏa là yếu tố chính đã cứu sống các tài xế xe buýt”.

Tại Hồng Kông, Henry Hui Hon-kit (57 tuổi) một tài xế xe buýt cho biết, việc tiếp xúc hằng ngày với nhiều hành khách là điều cực kỳ căng thẳng, ngay cả khi anh thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

Hãng xe nơi anh làm việc - Citybus - cung cấp cho tài xế hai chiếc khẩu trang mới mỗi ngày. Nhưng dù người lái xe làm mọi cách để giữ an toàn, vẫn có những hành khách từ chối đeo khẩu trang. Vì thế việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng trở nên bắt buộc kể từ ngày 15/7, với mức phạt tối đa là 5.000 HKD cho những ai vi phạm. Do các công ty xe buýt phải cắt giảm số lượng chuyến phục vụ nên mỗi chuyến xe trở nên đông đúc hơn, khiến người lái xe càng phải cảnh giác cao độ về các nguy cơ sức khỏe. Theo anh Hui, điều đáng sợ nhất chính là khả năng lây nhiễm cho vợ, con trai và con gái. Anh kể: “Việc đầu tiên tôi làm khi về đến nhà là rửa tay sạch sẽ, khử trùng quần áo và cho vào túi ni-lông sạch. Tất cả chúng tôi đều lo lắng”.

Vai trò bị lãng quên

Cũng ở Hồng Kông, người công nhân vệ sinh tên Chiu (53 tuổi) chưa từng bỏ một ngày làm việc nào kể từ khi thành phố có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, mặc dù một số đồng nghiệp của anh đã bỏ cuộc vì sợ lây nhiễm.

Với hơn 20 năm dọn dẹp tại các tòa nhà dân cư và thương mại, cũng như các trung tâm mua sắm ở Hồng Kông, anh Chiu nói rằng công việc rất vất vả, không được đánh giá cao, và đại dịch đã khiến nó trở nên khó khăn hơn. Anh nói: “Người dọn dẹp cũng đóng góp vào nỗ lực chống đại dịch của thành phố, nhưng không ai công nhận điều đó. Chúng tôi bị coi là những người lao động thuộc tầng lớp thấp”.

Chiu cho biết, những ca bệnh mới khiến thành phố tăng cường làm sạch và khử trùng nhiều hơn. Anh và các đồng nghiệp, khoảng 100 người ở độ tuổi từ 40 đến 70, hiện phải khử trùng khu vực mà họ quản lý mỗi giờ một lần, trong ca 10 giờ, so với trước đây là mỗi ngày một lần. Đồng thời các khu dân cư cũng có nhiều rác hơn, do ngày càng nhiều người Hồng Kông làm việc tại nhà và đặt thức ăn giao tận cửa.

Vào thời điểm ban đầu, các mặt hàng bảo vệ cá nhân như khẩu trang thiếu hụt đến mức một số nhân viên vệ sinh sử dụng một chiếc khẩu trang trong nhiều ngày hoặc hoàn toàn không đeo. Giờ công ty đã cấp cho họ hai chiếc khẩu trang mỗi ngày. Mỗi sáng và tối, anh Chiu theo dõi danh sách cập nhật của chính phủ về những địa điểm có ca nhiễm để xem có đồng nghiệp nào sống ở gần đó hay không. Những nhân viên vệ sinh sống tại khu có dịch phải tự cách ly trong hai tuần, hoặc xét nghiệm và chờ kết quả trước khi tiếp tục công việc. Đối với anh, mỗi ngày làm việc là một ngày đánh cược với nguy hiểm. 

Tấn Vĩ (theo Metro, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI