Người xưa đối phó với các đại dịch như thế nào?

15/08/2020 - 10:19

PNO - Thử xem ngày trước con người đã “sống chung với lũ” như thế nào khi phải đối phó với những đại dịch khủng khiếp không thua gì COVID-19 hiện nay.

1. Cách ly

Lệnh cách ly lần đầu tiên trên thế giới được luật hóa và áp dụng tại thành phố cảng Ragusa (ngày nay là thành phố Dubrovnik, Croatia) vào ngày 27/7/1377 nhằm đối phó với bệnh dịch hạch mang tên Bubonic, (hay còn gọi là "cái chết đen'' trong thế kỷ XIV với hơn 200 triệu người tử vong).

Điều luật cụ thể như sau: “Bất cứ ai đến từ vùng dịch sẽ không được phép đặt chân vào khu vực trung tâm cho đến khi họ trải qua một tháng cách ly tại nơi quy định nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm”.

Các bác sĩ thời đó cho rằng, nhờ quy định cách ly nghiêm khắc này mà sự lây lan của dịch hạch từ người sang người đã bị chậm lại.

Bệnh dịch hạch mang tên Bubonic, (hay còn gọi là Cái Chết Đen trong thế kỷ XIV) - Ảnh: Getty Images
Bệnh dịch hạch mang tên Bubonic (hay còn gọi là "cái chết đen'' trong thế kỷ XIV) - Ảnh: Getty Images

 

Cách ly cũng là một phương pháp hiệu quả giúp người Mỹ đối phó thành công với dịch cúm gia cầm xảy ra vào năm 1918. Tại thành phố San Francisco và St. Louis, tàu bè bị phong tỏa một thời gian trước khi được phép cập cảng; các hoạt động tụ tập đông người đều bị cấm; rạp hát, trường học, nhà nhà thờ bị đóng cửa.

Philadelphia trở thành nơi gánh chịu hậu quả nặng nề khi cho phép tổ chức một cuộc tuần hành đông người. Chỉ 72 tiếng đồng hồ sau đó, toàn bộ 31 bệnh viện và cơ sở y tế của thành phố này đã chính thức “vỡ trận” với số ca nhiễm bệnh tăng đột biến. 

2. Cẩn trọng trong việc giao thực phẩm và đồ uống

Trong suốt thời gian bùng phát bệnh dịch hạch Ý (hay còn gọi là Đại dịch hạch Milan) từ 1629 - 1631, chủ các hầm rượu ở hạt Tuscany đã kế thừa một phương pháp cổ truyền để bán rượu của mình mà không phải bước chân đến những khu phố đang bị nhiễm bệnh bằng hình thức “giao hàng qua cửa sổ” (wine windows).

Theo đó, rượu được chuyển cho khách hàng qua một ô cửa sổ nhỏ, giúp cho cả người mua lẫn người bán không phải tiếp xúc trực tiếp với nhau. Ước tính có khoảng 150 cửa hàng rượu kiểu như vậy ở thành phố Florence thời đó.

Một ô cửa dùng làm nơi giao rượu cho khách trong những năm từ 1629-1631 tại Ý - Ảnh: Robbin Gheesling
Một ô cửa dùng làm nơi giao rượu cho khách trong những năm từ 1629-1631 tại Ý - Ảnh: Robbin Gheesling

 

Và điều thú vị là, 400 năm sau trận dịch hạch khủng khiếp ấy, hình thức bán hàng tưởng như cổ xưa kia đã "sống lại'' với người dân Ý ở thế kỷ XXI khi đại dịch COVID-19 ập đến. Chỉ có khác xưa một chút là không chỉ bán rượu, ngày nay người ta còn bán cả những cốc capuchino nóng hổi bốc khói và những ly kem mát lạnh.

Một hộp kem được giao cho khách qua ô cửa nhỏ trong những ngày dịch bệnh Covid-19 ở Ý - Ảnh: buchettedelvino
Một hộp kem được giao cho khách qua ô cửa nhỏ trong những ngày dịch bệnh COVID-19 ở Ý - Ảnh: buchettedelvino

 

3. Đeo khẩu trang

Ngày xưa, các bác sĩ khi chữa bệnh thường đeo một loại khẩu trang đặc biệt có cái mũi dài như mũi chim được thiết kế nhằm giúp tạo khoảng cách an toàn giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Khẩu trang với chiếc mũi dài như mũi chim được các bác sĩ đeo năm 1919 - Ảnh: Getty Images
Khẩu trang với chiếc mũi dài như mũi chim được các bác sĩ đeo năm 1919 - Ảnh: Getty Images

 

Trong thời điểm đại dịch cúm gia cầm xuất hiện năm 1918, khẩu trang trở thành vật dụng bắt buộc đối với người dân nhằm giảm thiểu tình trạng lây nhiễm khi tiếp xúc nơi công cộng. Tại thành phố San Francisco, những ai không đeo khẩu trang khi ra phố sẽ bị nhà chức trách phạt tiền, giam giữ, và thậm chí còn bị “bêu tên” như tội đồ trên các tờ báo địa phương. 

4. Rửa tay

Hiện nay ai cũng biết rửa tay bằng xà phòng là một điều hiển nhiên để giữ vệ sinh. Thế nhưng đó lại là một điều kỳ cục và lạ lẫm với những người dân đầu thế kỷ 20.

Để khuyến khích mọi người thực hành việc rửa tay, những “phòng vệ sinh cơ thể” được lắp đặt ở ngay phía trước cửa phòng khách của mỗi gia đình nhằm đảm bảo bất cứ ai cũng phải rửa tay, vệ sinh cơ thể sạch sẽ trước khi đặt chân vào nhà.

Một mẫu quảng cáo trên báo với mô hình phòng vệ sinh những năm đầu thế kỷ 20 - Ảnh: Getty Images
Một mẫu quảng cáo trên báo với mô hình phòng vệ sinh những năm đầu thế kỷ 20 - Ảnh: Getty Images

 

5. Những lớp học thoáng khí

Trong khi ngành giáo dục hiện nay đang đau đầu với câu hỏi có nên cho học sinh, sinh viên đến trường giữa mùa dịch COVID-19 hay không thì vào năm 1665, cậu học trò thiên tài Isaac Newton cùng bạn bè đồng trang lứa đã bị yêu cầu rời khỏi trường đại học Cambridge khi trận dịch hạch chết chóc tấn công thủ đô London.

May mắn cho loài người là chính trong thời gian sống cách ly ở một nông trại, một quả táo đã rơi xuống đầu Newton, khởi nguồn cho định luật vạn vật hấp dẫn nổi tiếng mà loài người hiện nay đang được hưởng lợi từ nó.

Isaac Newton trong thời gian tự cách ly năm 1665, tranh của Robert Hannah vẽ vào năm 1851 - Ảnh: artuk.org
Isaac Newton trong thời gian tự cách ly năm 1665, tranh của Robert Hannah vẽ vào năm 1851 - Ảnh: artuk.org

 

Lớp học với nhiều không khí trong lành đã giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao vào đầu những năm 1900 vốn cướp đi mạng sống của 450 người Mỹ mỗi ngày, hầu hết là trẻ em. Đức là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng khái niệm “lớp học mở” với nhiều không giang thoáng đãng.

Đến năm 1918, hơn 130 thành phố ở Mỹ đã áp dụng mô hình trường học kiểu này. Trong suốt giai đoạn 2 của đại dịch cúm 1918, tất cả các trường học công của thành phố Chicago và New York được yêu cầu mở toang tất cả các cánh cửa nhằm lấy ánh sáng tự nhiên và không khí trong lành từ bên ngoài.

Một lớp học mở ở Charlottenburg, Đức năm 1939 - Ảnh: Getty Images
Một lớp học mở ở Charlottenburg, Đức năm 1939 - Ảnh: Getty Images

Nguyễn Thuận (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI