"Cải lương 100 tuổi mà không có nổi một cuốn sách lịch sử nghề thì thật đáng tiếc!"

07/12/2020 - 12:33

PNO - Đó là nhận định của TS. Lê Hồng Phước - người từng đề xuất đờn ca tài tử (ĐCTT) và cải lương (CL) phải có vị trí xứng đáng trong không gian văn hóa TPHCM.

Dù nghề chính là giảng viên tiếng Pháp nhưng TS. Lê Hồng Phước (Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp - Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TPHCM), xuất thân trong một gia đình có truyền thống ĐCTT, lại đặc biệt quan tâm công tác nghiên cứu và lý luận, phê bình lĩnh vực ĐCTT và sân khấu CL, phóng viên PNO đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Hồng Phước về tầm quan trọng của ĐCTT và CL trong không gian văn hóa và những hạn chế về hệ thống lý luận của hai loại hình nghệ thuật này...

Một bản ca tài tử của nghệ sĩ Hồng Cúc:

 

Phóng viên: TS có thể nói rõ hơn về vị trí của ĐCTT - CL trong không gian văn hóa thành phố?

TS. Lê Hồng Phước: Tôi có 5 năm làm nghiên cứu sinh tại Paris, cũng ngần ấy thời gian tham gia nói chuyện về ĐCTT - CL, tổ chức và biểu diễn ĐCTT - CL phục vụ đồng bào xa xứ. Những trải nghiệm giúp tôi nhận thức rõ rằng, khi xa xứ, nghe vọng cổ có cảm giác khác hơn nhiều so với khi nghe ở trong nước. Cảm giác đó phải trải nghiệm rồi mới thấm. Có lẽ ĐCTT - CL đã thuộc về cái hồn dân tộc, nên khi chạm vào ở nơi xứ lạ quê người càng có cảm giác nhớ thương?

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa đã là câu chuyện chung của cả thế giới, không riêng gì Việt Nam. Một không gian văn hóa phải gắn liền với bản sắc cộng đồng, trên ý nghĩa đó thì ĐCTT - CL chắc chắn là một bản sắc văn hóa của miền Nam. Nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển của ĐCTT - CL thì TPHCM là “thủ phủ”, nơi hội tụ nhiều nghệ nhân - nghệ sĩ tài hoa; nơi những tinh hoa của giới làm nghề hoạt động sôi nổi nhất. Vì thế, ĐCTT - CL càng có đủ lý do để có được vị trí xứng đáng trong không gian văn hóa TPHCM.

* Theo TS, có phải từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ĐCTT đã được đặc biệt quan tâm và tôn vinh xứng đáng?

- Không gian văn hóa không đồng nghĩa với không gian biểu diễn, không phải cứ đem nghệ thuật ra đường phố, đến liên hoan này, cuộc thi nọ là tạo được không gian văn hóa.

Không gian văn hóa không cố định mà nó hòa vào không gian sống mà khi chúng ta ở trong đó sẽ cảm nhận được cái bản sắc không nơi nào có được. Tôi thấy tiếc là các trạm xe bus, ngoài các thông tin và hình quảng cáo sao không có poster hay hình ảnh cách điệu về ĐCTT; hoặc các bức tranh tường rất đẹp gần đây trên nhiều tuyến đường của thành phố sao không vẽ một ban nhạc ĐCTT, cảnh một buổi diễn CL hay hình ảnh một rạp hát?

Không gian văn hóa đô thị cần kết hợp truyền thống và hiện đại, tạo điểm nhấn bằng di sản, bằng bản sắc, để không chỉ tạo hứng thú cho khách du lịch mà chính người dân phải cảm thấy quen thuộc và tự hào về những giá trị đó. Chưa kể, đang có hiện tượng lẫn lộn không gian văn hóa của ĐCTT và CL!

Cần phân biệt không gian biểu diễn giới thiệu, quảng bá ĐCTT với không gian văn hóa thực sự của nó.
Cần phân biệt không gian biểu diễn giới thiệu, quảng bá ĐCTT với không gian văn hóa thực sự của nó.

* TS có thể giải thích thêm?

- Mỗi loại hình nghệ thuật có không gian sống riêng. Ví dụ, xẩm phải hát ở chợ, lề đường.  Cụ Hà Thị Cầu lên Nhà hát Lớn Hà Nội hát thì vẫn hay, vẫn đẹp đó nhưng lại mất đi giá trị một hình thức nghệ thuật trong dân gian.

ĐCTT cũng vậy, phải được chơi trong dân gian. Chiều đi làm về, có thời gian thư giãn thì xúm lại ngồi đờn ca chơi, không micro gì, ai mặc gì cũng được, cùng vui với nhau. Đưa lên sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp thì tài tử mất không gian sống, rốt cuộc bị lai CL rất nhiều. Lai tới mức mà trong các buổi ĐCTT hiện nay đa phần nghệ nhân tài tử lại ca trích đoạn CL chứ không phải bài bản tài tử. Mà quen ca trích đoạn CL thì nghệ nhân lại nhầm lẫn khi tưởng mình cũng là nghệ sĩ nên cũng diễn, cũng múa bộ, thành ra bị thô.

Ngược lại, sân khấu CL lại đang bị “tài tử hóa” khi nhiều người có được giọng ca, thi thố có giải thì tưởng mình đã là nghệ sĩ rồi, mà không ý thức được giữa thí sinh có giọng ca tới khi thành nghệ sĩ phải học rất nhiều. Giờ mấy em mới thi đậu lập tức trở thành nghệ sĩ biểu diễn, được đóng chánh, dần dần thành ngôi sao. Thành thử sân khấu CL bây giờ quá trời dân tài tử đứng ca mà điệu bộ, tay chân không biết để đâu, diễn xuất gần như không có, rất không chuyên nghiệp.

ĐCTT đang bị “cải lương hóa”, còn CL lại bị “tài tử hóa” là 2 thực trạng trái ngược nhau đang tồn tại rất kỳ khôi hiện nay!

Vấn đề bảo tồn, phát huy di sản ĐCTT của chúng ta gần như chỉ đang làm phần giới thiệu mà bỏ ngỏ phần không gian sống của loại hình. Phải nhớ rằng: ĐCTT hôm nay đưa vô nhà hát hay sân khấu nào đó là đang đưa đi giới thiệu với người khác, chứ đó không phải là không gian biểu diễn của ĐCTT. Người đạo diễn phải hiểu điều đó để dựng sân khấu thành không gian biểu diễn của ĐCTT. Còn các CLB ĐCTT bây giờ toàn mặc áo dài đẹp, trang điểm, hát trích đoạn CL, múa qua múa lại, có MC nữa thì đã không phải là ĐCTT rồi!

TS.Lê Hồng Phước trong một chuyến điền dã thu thập tài liệu.
TS. Lê Hồng Phước trong một chuyến điền dã thu thập tài liệu

* Như vậy phải chăng vấn đề lý luận của chúng ta đang rất yếu dẫn đến những sai lệch trong cách hiểu và triển khai các giải pháp giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc?

- Đúng vậy. Như âm nhạc phương Tây, dù qua 300 - 400 năm nhưng nói bản nhạc đó của ai người ta biết liền. Còn CL mình mới có 100 năm lẻ mà chưa khẳng định được điều gì chính xác, ngay cả năm ra đời của CL.

Bài Dạ cổ hoài lang ra đời chính xác năm mấy, bản gốc ở đâu cũng còn tranh cãi tới lui. Điều đó cho thấy xưa nay ông bà mình làm bằng đam mê, thích thì làm, thấy hay thì làm, mà người thấy hay thế này, người lại thấy hay thế kia. Không chỉ riêng gì CL mà ĐCTT trước đó càng mù mịt, cũng là tình hình chung của các loại hình nghệ thuật dân gian.

Hàng trăm năm qua nó đã như thế thì tới thế hệ của chúng ta hôm nay phải khác. Sở dĩ CL 100 năm chưa khẳng định được điều gì là vì giới khoa học không nhúng tay vô, tài liệu giấy tìm được rất ít, cái sử dụng hiện nay phần đông là “nghe kể” mà không có đối sánh, minh chứng khoa học.

Như nhắc tới CL thời hoàng kim có nhiều trường phái thì ai không biết, nhưng trường phái gì và có ai viết ra được cuốn sách nào về từng trường phái không (trường phái Thanh Minh - Thanh Nga như thế nào; đặc sắc của trường phái Kim Chung, Kim Chưởng là gì…) và phải có minh chứng rõ ràng chứ không chỉ “nghe kể”. Năm 2018, CL tròn 100 tuổi (theo như nhiều tài liệu thống nhất) mà không ra nổi một cuốn sách về lịch sử CL đúng nghĩa thì thật đáng tiếc!

TS.Lê Hồng Phước biểu diễn tài tử cùng NSƯT Hải Phượng trong chương trình tập huấn Lý luận phê bình văn học nghệ thuật.
TS. Lê Hồng Phước biểu diễn tài tử cùng NSƯT Hải Phượng trong chương trình tập huấn Lý luận phê bình văn học nghệ thuật.

* Việc nghệ thuật CL hay các loại hình nghệ thuật dân gian ở Việt Nam thiếu những tài liệu giấy, trên cương vị một người làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình, theo TS cần phải làm gì để khắc phục hạn chế này?

- Vấn đề nan giải hiện nay là tư liệu giấy đã ít, nguồn nhân chứng sống cũng không còn nhiều, nhưng nếu quyết tâm chúng ta vẫn có thể làm được.

Nghệ thuật dân tộc nói chung, sân khấu CL nói riêng cần sự vào cuộc của giới khoa học, những người đi thu thập, tổng hợp tài liệu, phân tích tài liệu, đối chiếu, so sánh với quan sát thực tiễn hoạt động để đúc kết ra những lý luận rõ ràng và nâng lên tầm học thuật.

Dĩ nhiên không bao giờ có một cuốn sách giải quyết hết tất cả các vấn đề, mỗi nhà khoa học sẽ có hướng nghiên cứu riêng từ nguồn tài liệu mà họ có được. Và phải làm nhanh thôi, kẻo trễ!

* Cám ơn những chia sẻ của ông!

Đông A (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI