Người nhiễm COVID-19 trên thế giới tăng dữ dội, WHO ngừng thử nghiệm điều trị bằng thuốc sốt rét và HIV

05/07/2020 - 13:08

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo sự gia tăng các trường hợp nhiễm COVID-19 toàn cầu vào thứ Bảy 4/7, với kỷ lục mới là 212.326, tập trung nhiều nhất ở Mỹ, Brazil và Ấn Độ.

Mức tăng kỷ lục trong 24 giờ

Kỷ lục trước đây đối với các trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ là 189.077 ca vào ngày 28/6. Trong đó, Mỹ có thêm 53.213 trường hợp, kế đến là Brazil với 48.105 trường hợp và Ấn Độ là 22.771 trường hợp. Trên khắp châu Âu, con số tăng 19.694 trường hợp. Đại học Johns Hopkins cho biết thế giới đã có 11,1 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 và 527.681 người tử vong.

Trong khi mối quan tâm ở nhiều nơi trên thế giới xoay quanh làn sóng lây nhiễm thứ hai, châu Mỹ vẫn đang vật lộn với đợt bùng phát đầu tiên.

Bang Florida (Mỹ) báo cáo số lượng kỷ lục các trường hợp vào thứ Bảy 4/7, dấu hiệu mới nhất cho thấy virus gia tăng ở nhiều nơi của Mỹ - nơi đang diễn ra lễ kỷ niệm Ngày Độc lập. Florida báo cáo 11.445 trường hợp mới, nâng tổng số ca trên toàn tiểu bang lên hơn 190.000 trường hợp.

Các quan chức và cơ quan y tế cảnh báo người dân nên đề phòng, hoặc đơn giản là ở nhà, vì các trường hợp được xác nhận không ngừng gia tăng ở 40 tiểu bang. Mỹ có hơn 2,8 triệu ca nhiễm COVID-19 chiếm khoảng 25% số ca nhiễm trên toàn thế giới.

Ở Úc và đông bắc Tây Ban Nha, chính quyền địa phương đã ra lệnh tái phong tỏa một số khu vực hoặc cộng đồng cụ thể nhằm chống lại làn sóng lây nhiễm mới. Nhưng ở Anh, các quán rượu và tiệm làm tóc chào đón khách hàng trở lại kể từ 4/7, sau ba tháng bị phong tỏa.

Bức tượng sư tử tại thành phố New York nghiêm chỉnh chấp hành khuyến nghị đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Bức tượng sư tử tại thành phố New York "nghiêm chỉnh chấp hành" khuyến nghị đeo khẩu trang ở nơi công cộng

Theo các chuyên gia, sở dĩ số ca nhiễm của thế giới tăng cao kỷ lục là vì khả năng xét nghiệm được cải thiện; bên cạnh đó, việc nới lỏng quá sớm các biện pháp giãn cách xã hội đã tạo nên làn sóng lây nhiễm mới vào tháng 6.

WHO dừng thử nghiệm thuốc chống sốt rét và HIV trong điều trị COVID-19

WHO cho biết hôm 4/7 rằng họ đã ngừng thử nghiệm thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine và hai thuốc kết hợp điều trị HIV lopinavir/ritonavir ở bệnh nhân COVID-19, sau khi kết quả cho thấy thuốc không giúp giảm tỷ lệ tử vong.

Các kết quả thử nghiệm tạm thời này cho thấy hydroxychloroquine và lopinavir/ritonavir tạo ra ít hoặc không làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 nhập viện khi so sánh với tiêu chuẩn chăm sóc thông thường.

Cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho biết quyết định này được đưa ra theo khuyến nghị của ban chỉ đạo chương trình thử nghiệm thuốc quốc tế - không ảnh hưởng đến các nghiên cứu khác, trong đó các loại thuốc này được sử dụng cho bệnh nhân không nhập viện hoặc điều trị dự phòng.

Nhân viên chăm sóc sức khỏe kiểm tra nhiệt độ và nhịp tim của một cư dân ở Mumbai, Ấn Độ.
Nhân viên chăm sóc sức khỏe kiểm tra nhiệt độ và nhịp tim của một cư dân ở Mumbai, Ấn Độ

Một nhánh khác của thử nghiệm do WHO dẫn đầu đang xem xét tác dụng tiềm tàng của thuốc chống virus remdesivir từ hãng Gilead lên bệnh nhân COVID-19. Hôm 3/7, Ủy ban châu Âu đưa ra phê duyệt có điều kiện để sử dụng remdesivir trong lâm sàng, sau khi thuốc thể hiện khả năng rút ngắn thời gian phục hồi của bệnh nhân.

Thử nghiệm chung ban đầu của WHO bao gồm năm nhánh riêng lẻ xem xét các phương pháp điều trị khả thi đối với COVID-19, bao gồm chăm sóc tiêu chuẩn; remdesivir; hydroxychloroquine; lopinavir / ritonavir; và lopanivir/ritonavir kết hợp với interferon.

Đồng thời, trên toàn thế giới, khoảng 18 loại vắc-xin COVID-19 mới đang được thử nghiệm trên người và gần 150 phương pháp điều trị đang được phát triển.

Tấn Vĩ (theo Reuters, Skyy News, Onmanorama, Tribuneindia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI