Người ngoại quốc khá giả cũng vất vả mưu sinh

01/06/2021 - 05:58

PNO - Nhiều người nước ngoài vì yêu mến mà chọn Việt Nam là nơi sinh sống dài hạn. Khi dịch COVID-19 kéo đến lần đầu, thành quả phòng, chống dịch của Việt Nam làm họ càng thấy thêm gắn bó. Nhưng tình hình dịch bệnh kéo dài, ngay cả những người có cuộc sống khá giả cũng phải trải qua những ngày tháng khó khăn.

Đã hơn bảy tháng nay, gia đình ông Kenn Smith phải chia nhau ra sống ở Phú Quốc và TP.HCM. Ông Kenn, một người Mỹ chuyên thiết kế lễ phục phải ở lại thành phố, nơi khách hàng của mình sinh sống. Còn vợ và ba đứa con ông dọn về Phú Quốc để giảm bớt tiền thuê nhà và chi phí đắt đỏ của thành phố. 

Gia đình anh Petr Sitozhevskii chuẩn bị lên đường bán hàng
Gia đình anh Petr Sitozhevskii chuẩn bị lên đường bán hàng

Việc kinh doanh của ông Kenn đã từng rất khả quan trước khi đại dịch xuất hiện. Đến TPHCM từ năm 2003 trong vai trò nhà tư vấn tài chính kinh doanh, khi cưới vợ người Việt Nam, ông mới đổi nghề thành nhà may đo quần áo và giày dép cao cấp để có nhiều thời gian cho gia đình. Tiệm ông luôn đông khách nên thu nhập từ công việc này rất cao. Khi dịch ập đến, khách thưa dần…

Giờ, ông chỉ mong kinh tế hồi phục: “Tôi có những dự án tư vấn tài chính nhưng khách hàng hiện nay gặp khó khăn nên cũng không thực hiện được. Đến nay, tôi chỉ kiếm được 30% thu nhập trước kia. Gánh nặng kinh tế đang đè lên một số gia đình và hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi cũng nặng nề như nỗi lo đại dịch”.

Không phải lo cho gia đình nhưng nỗi lo về tài chính cũng đeo bám Ricky Ranjeet Sahni gần một năm nay. Anh là người Ấn Độ sang Việt Nam năm 2016 từ Hồng Kông (Trung Quốc). Chỉ sau một năm làm người huấn luyện nhóm tại trung tâm thể thao California Fitness and Yoga, anh đã trở thành quản lý. Anh rất thích sống ở TPHCM vì mức lương làm việc của anh tại đây ngang ngửa tại Hồng Kông mà mức sống rẻ hơn nhiều. Nhờ vậy, anh đã để dành tiền để học thêm về tâm lý học trị liệu pháp và gửi một ít về cho gia đình.

COVID-19 ập tới liên tục làm các trung tâm thể thao phải đóng cửa liên miên. Năm ngoái, lương của anh và đồng nghiệp bị cắt giảm. Nhờ chăm chỉ làm việc mà anh được giữ lại dù việc kinh doanh của công ty đi xuống. Đợt dịch lần thứ tư này, anh đã phải nghỉ phép ba tuần không lương mà chưa biết mình phải nghỉ phép đến bao giờ. Mỗi ngày, anh đều ngóng trông tin nhắn công ty thông báo ngày quay lại làm việc. Nhưng theo dõi tin tức về những ca nhiễm lan nhanh làm anh thêm nản lòng.

Trước đây, khi ra ngoài uống cà phê hay mua bánh trái đã được anh liệt vào danh sách “khách hàng xa xỉ”. “Hiện giờ, tôi đang trở về thời sinh viên nghèo khó. Tôi ăn chay nên đồ ăn cũng rẻ hơn nhiều nhưng không thể cầm cự lâu dài. Nếu 4-5 tháng nữa tình hình vẫn vậy, tôi chưa biết làm cách nào”, anh bộc bạch.

Chỉ có một đứa con nhưng gia đình anh Petr Sitozhevskii, người Nga cũng không kém phần chật vật. Mỗi ngày, anh cùng vợ chia nhau những chiếc bánh bông lan bọc kỹ trong hộp nhựa để lên đường bán bánh dạo vào buổi sáng và chiều tối. Hơn ba tuần nay, vợ chồng anh phải thay nhau đẩy xe dắt con theo bán hàng. Nhà trẻ đã đóng cửa trong những ngày giãn cách xã hội và bé chỉ mới ba tuổi nên họ không đành lòng để con ở nhà.

Những ngày đầu, bé còn hào hứng. Giờ, bé đã biết mệt vì trời nắng, có lúc mưa cả ngày nên chỉ muốn về nhà. Dân cư chợ Thị Nghè, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã quen thuộc với hình ảnh của Petr trong bộ quần áo như người lao động ở Việt Nam, đeo chiếc thùng xốp ghi giá các loại bánh trước ngực. Anh đứng đó bán hàng chỉ với vài tiếng Việt bập bẹ để tính tiền cho khách. 

Gia đình anh đã sống ở TP. Nha Trang gần bảy năm nay. Từ khi dịch kéo đến, kinh tế thành phố du lịch này trì trệ, việc buôn bán của vợ chồng anh cũng ế ẩm theo. Vậy nên, họ đã dắt nhau đến bán bánh ở TPHCM. Dù giá cả sinh hoạt đắt đỏ hơn nhưng họ cũng bán được hàng để trả tiền trọ và cho con đi học. Petr tâm sự: “Nhiều đồng hương của tôi cũng rời Nha Trang đến TPHCM để bán bánh. Cuộc sống ở đây dù có cực nhọc nhưng chúng tôi cũng có đủ cơm ăn và chỗ ngủ. Tuy nhiên, vì dịch đến nên người ra ngoài mua bánh ít hẳn, chúng tôi bán được ít hàng hơn bốn tháng trước. Tôi chỉ mong bán được hàng để sống qua ngày”.

Những mảnh đời của người ngoại quốc ở đất Việt trên dẫu sao cũng còn may mắn cầm cự được cho đến nay. Nhiều người nước ngoài khác thì bị thất nghiệp dài hạn kể từ khi dịch kéo đến vì công ty đóng cửa hoặc cắt giảm chi phí. Họ không dám chia sẻ chuyện của mình với ai vì mặc cảm. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến đầu tháng 4/2021, có 101.550 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Doanh nghiệp các nước đã thể hiện mong muốn cùng chia sẻ chi phí đưa vắc-xin về Việt Nam thật sớm để việc kinh doanh khả quan trở lại. Bộ Y tế và đại diện doanh nghiệp các nước tại Việt Nam gồm có EuroCham, InCham tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh, Đại sứ quán Hàn Quốc, Đại sứ quán Nhật Bản đã cùng làm việc để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19. Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ AmCham cũng sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đảm bảo đầy đủ nguồn vắc-xin, và tiếp cận bình đẳng chương trình tiêm chủng. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19. 


 Mỹ Huyền

 

 

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu