Những người nước ngoài tái sinh ở Việt Nam

29/06/2020 - 07:23

PNO - Họ không phải người Việt, họ đến từ những đất nước có thể phát triển hơn, nhưng Việt Nam đã cho họ cơ hội được "tái sinh", được "đổi đời" bằng chính thành tựu mà nền văn hóa của họ theo đuổi - trong khoa học.

Trong rất nhiều câu chuyện kể từ mùa dịch COVID-19, có một câu chuyện chưa bao giờ được kể trọn vẹn về ngành y Việt Nam. Cho đến thời điểm này, khi dịch bệnh thách thức toàn thế giới, y khoa Việt Nam liên tục gửi về những tin vui. Cả những tình huống cùng cực, những báo động đỏ đã đưa ra cho trường hợp xấu nhất, ngành y vẫn đưa cả đất nước vào một diễn biến tâm lý không ngờ. Người ta lại thở phào. Thêm một người được cứu khỏi một đoạn tử sinh ngặt nghèo của COVID-19. Hàng triệu người nước ngoài phải “ngả mũ” cảm phục. 

Nhưng, thử thách lần này chỉ là một trong hàng ngàn thử thách của đội ngũ y khoa. Những câu chuyện lần này cũng chỉ là những-câu-chuyện-được-kể. Còn bao chuyện chưa kể. Còn bao nhiêu người nước ngoài đã lặng lẽ cảm phục, lặng lẽ mang ơn, lặng lẽ reo lên “fantastic!” trước một bước ngoặt cuộc đời họ vừa được đưa sang bởi những y bác sĩ nói tiếng Việt, tại Việt Nam…

Cuộc sống hiện tại bên ba đứa con là điều mà vợ chồng chị Thùy Linh chưa bao giờ dám mơ
Cuộc sống hiện tại bên ba đứa con là điều mà vợ chồng chị Thùy Linh chưa bao giờ dám mơ

Hành trình từ chối bỏ đến biết ơn của một người Mỹ

Trước khi "thỏa hiệp" với vợ để chọn chữa hiếm muộn ở Việt Nam, Richard (quốc tịch Mỹ) từng kiên quyết “chỉ điều trị ở Singapore, châu Âu, hoặc Mỹ”.

Vợ anh là người Việt. Hai vợ chồng sống tại Việt Nam. Suốt bao năm tìm hiểu, tham khảo tài liệu và phác đồ của rất nhiều bệnh viện sản khoa tiên tiến nhất thế giới, chị Thùy Linh chứng kiến chồng lên kế hoạch cho việc điều trị hiếm muộn dài ngày ở nước ngoài. Chị Linh hiểu lựa chọn của anh.

Những nơi mà Richard cân nhắc là những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Nhưng, ý chí với việc "xuất ngoại để điều trị" của anh, có thể còn xuất phát từ nỗi ám ảnh rằng bệnh viện Việt Nam đã chứng kiến những trải nghiệm quá khó khăn và bất hạnh của vợ chồng anh, ngay trong những ngày tháng tưởng chừng nhiều hạnh phúc và hy vọng nhất…

Năm 2010, cưới nhau một thời gian ngắn thì chị Linh mang thai. Đến tuần thứ 8 của thai kỳ, chị ra huyết nên đến bệnh viện khám thì được cho biết mình đã sẩy thai. Hai năm sau đó vắng tin vui. Hai vợ chồng quyết định điều trị.

Giai đoạn đó, họ theo phác đồ của một bệnh viện sản tư nhân, trải qua tất cả những đau đớn, hy vọng và chờ đợi dài dặc, chỉ số thành công vẫn về 0. Richard quyết định dừng lại. Anh nói với vợ: "Không có con thì chúng ta vẫn hạnh phúc". Thế nhưng, Linh vẫn khao khát có con.

Hành trình lại bắt đầu. Lần này, Richard nhất quyết tìm đến những nền y tế tiên tiến nhất. Anh dành hàng năm trời để tìm hiểu. Lúc nhắc đến lý do từ chối điều trị ở Việt Nam, anh thật lòng nói với chúng tôi: "Lúc đó, tôi chỉ nghĩ phải đưa vợ đến một nơi giỏi nhất thế giới về hiếm muộn để giảm thiểu đến mức thấp nhất những đau đớn mà cô ấy phải chịu".

Trong những ngày tháng tìm hiểu, tham khảo và nhận tư vấn của những bệnh viện trên khắp thế giới, Richard gần như đã thuộc làu những kỹ thuật, phác đồ và phản ứng của bệnh nhân khi điều trị hiếm muộn. Anh chọn một bệnh viện ở Mỹ và một bệnh viện ở Singapore. Mỹ là quê hương anh, là ưu tiên số 1. Còn Singapore là một nền y học tiên tiến gần Việt Nam nhất. Họ chỉ còn chờ thu xếp công việc.

Trong thời gian đó, một lần đi ngang Phòng khám Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc ở quận 1, TPHCM; chị Linh nằng nặc đòi vô… xem vì đã từng thấy tên BV này khi tìm hiểu về các BV sản ở Singapore. Chị hứa "chỉ vô xem" nên Richard chiều ý.

Vào bên trong, gặp nhân viên lễ tân, chị Linh lại được thuyết phục "thử vào gặp bác sĩ tư vấn". Lúc này, Richard thêm một lần thỏa hiệp.

Cuộc trò chuyện không hẹn trước, nhưng lại là cuộc giãi bày đầu tiên với một bác sĩ về nỗi bi quan đã in sâu trong lòng hai vợ chồng kể từ lần đầu quyết định dừng điều trị.

Vị bác sĩ họ gặp hôm đó là ThS.BS Võ Thanh Liên Anh. BS Liên Anh giải thích cho hai vợ chồng về những vấn đề sức khỏe họ có thể đang gặp phải và những phương án điều trị mà Việt Nam có thể đáp ứng. Richard bắt đầu lắng nghe, nhưng anh kiên quyết: “Không đồng ý làm bất kỳ thao tác y khoa nào lên cơ thể vợ tôi!”.

Cuộc gặp với BS Liên Anh làm chị Linh muốn quay lại.

Ở lần hai, Richard đồng ý để vợ được siêu âm và chụp hình buồng trứng. BS Liên Anh giải mã kết quả siêu âm bằng một cuộc trò chuyện. Thùy Linh mắc chứng đa nang buồng trứng (làm khó đậu thai), bị thiếu nội tiết tố (làm giảm khả năng giữ thai), tử cung bị tổn thương và rối loạn kinh nguyệt khá nặng. Tất cả những bệnh lý này đều chống lại khao khát làm mẹ của Linh.

Lúc này, nếu đồng ý tiếp tục để y học Việt Nam đồng hành, Richard sẽ phải chứng kiến Linh trải qua một quá trình điều trị bệnh lý trước khi lặp lại kỹ thuật can thiệp y khoa trong thụ tinh.

Lúc ngồi nhắc lại từng giờ phút phân vân nhất, Richard liên tục nhìn vào hai đứa trẻ đang chạy chơi gần đó rồi lướt sang nhìn đứa bé 3 tháng tuổi trên tay Thùy Linh. Tháng 4/2020, anh đón đứa con thứ 3 chào đời từ một trong hai chiếc phôi còn lưu lại tại BV Quốc tế Hạnh Phúc. Hai đứa con đầu lần lượt tượng hình từ 2 chiếc phôi đầu tiên, vào năm 2015 và 2017.

Anh đã được đền đáp khi chọn tin vào Việt Nam. 

Niềm tin cảm tính và những con số

Còn nhớ, lúc quyết định chuyển hướng, điều trị tại Việt Nam, anh vẫn còn trên tư thế “đồng hành và giám sát” mọi lựa chọn của bác sĩ. Sau khi hút trứng, canh noãn, cấy và nuôi được 4 phôi, BS Liên Anh tư vấn hai vợ chồng chuyển phôi trữ đông để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Richard lập tức phản ứng. Theo hiểu biết của anh, việc chuyển phôi sống có tỷ lệ thành công cao hơn hẳn.

Lúc này, BS Liên Anh giải thích, cơ thể chị Linh đang chấn thương sau lần chọc hút trứng, cần thời gian để phục hồi. Việc dùng phôi trữ đông là tốt nhất cho sức khỏe của chị.

Hay như lúc BS tư vấn chỉ chuyển một phôi, hai vợ chồng cùng thắc mắc vì "nếu chuyển hơn một phôi thì xác suất thành công sẽ cao hơn". Richard còn nhớ giọng nói chắc chắn của BS Liên Anh:  “mình đã điều trị bệnh lý xong, làm đúng lộ trình thì chỉ cần một phôi cũng thành công”. Và lần đầu tiên,anh thấy BS lên tiếng khẳng định: “hãy tin tôi!”.

Niềm tin sau này không còn là lựa chọn của Richard, bởi, sự thật bày ra trước mắt anh theo cái cách mà anh chưa từng dám mong đợi. 10 ngày sau lần chuyển phôi đông đầu tiên, trong phòng xét nghiệm, thấy kết quả đậu thai, Linh đứng khóc như mưa trong khi Richard thì sững sờ chết lặng. Mỗi lần đón một đứa trẻ chào đời, anh đều thấy "thế giới như đang thay đổi".

Linh phiên dịch mấy chữ này giúp chồng, rồi cả hai vợ chồng cùng nhắc lại từng khoảnh khắc "như thay đổi cả thế giới" - phép so sánh làm chúng tôi nghĩ đến hai chữ "cải số" mà người Việt hay dùng cho những số phận được thay đổi ngoạn mục. Mà kỳ diệu là sự "cải số" này đến từ y khoa.

Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược trong buổi thăm khám bệnh nhân người Singapore sau cuộc cứu mạng thần kỳ khỏi cửa tử của bệnh nhồi máu cơ tim
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược trong buổi thăm khám bệnh nhân người Singapore sau cuộc cứu mạng thần kỳ khỏi cửa tử của bệnh nhồi máu cơ tim

Đối diện với câu chuyện niềm tin của một người đàn ông Mỹ, tôi lại nhớ đến sức mạnh của ngành y xứ mình bằng những con số rành rọt. Một trong những thách thức với hệ thống y tế là bệnh nhồi máu cơ tim cấp.

Gọi là thách thức, bởi cơ hội sống của bệnh nhân phụ thuộc tuyệt đối vào các kỹ thuật y khoa vừa đòi hỏi trình độ lẫn sự kịp thời.

Trên thế giới, thước đo thành công của can thiệp y khoa với bệnh này được tính bằng thời gian cửa bóng - tức khoảng thời gian từ lúc người bệnh đến cửa bệnh viện cho đến khi được can thiệp bằng cách nong bằng bóng, tái thông lại mạch máu bị tắc.

Theo các hiệp hội Hoa Kỳ, thời gian cửa bóng có thể chấp nhận được là 90 phút trở xuống. Đó đã là một thách thức với các bác sĩ chuyên ngành trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, thời gian cửa bóng của trung tâm tim mạch BV Đại học Y dược TPHCM (ĐHYD) là 73 phút.

Con số thống kê tại BV ĐHYD đã cho ra một con số "đáng gờm". Mà đáng nhớ nhất, là sự đột phá này đã từng cứu sống một người Singapore ở từ một cửa tử mười mươi. 

Bệnh nhân Singapore là nam giới, 59 tuổi, nhập viện tại BV An Bình (TPHCM) trong tình trạng hôn mê, mạch và huyết áp không đo được, điện tâm đồ cho thấy người bệnh bị rung thất, gần ngưng tim.

Sau xử trí cấp cứu và hồi sức tích cực trong 15 phút, tim người bệnh đập lại, huyết áp có nhưng rất thấp, đo điện tâm đồ lúc này thấy có dấu hiệu nhồi máu cơ tim tối cấp thành dưới. Tình trạng nguy kịch, khả năng tử vong rất cao cùng với vô số khả năng tái phát rung thất, tái ngưng tim, suy tim nặng, hoặc nếu không được cấp cứu sớm sẽ vỡ tim, thủng tim.

Các y bác sĩ BV An Bình ngay lập tức thông báo với y bác sĩ can thiệp nội mạch của BV ĐHYD qua điện thoại, quyết định chiến lược điều trị tiếp theo là chuyển khẩn người bệnh qua BV ĐHYD để can thiệp mạch vành cấp cứu. 

Khoa Cấp cứu BV ĐHYD tiếp nhận bệnh nhân lúc 17g10, thủ tục hành chính nhanh gọn.

17g25, người bệnh được chuyển lên phòng DSA để được can thiệp đặt stent cấp cứu mạch vành qua da, 17g45 bắt đầu thủ thuật, đến 18g10, thủ thuật nong bóng thành công. Mạch máu bị tắc được tái thông, người bệnh đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Và tất cả cuộc tái sinh này diễn ra trong thời gian cửa bóng là 60 phút.

Mỗi một thành công của y khoa lại có một người "thấy Việt Nam là quê hương thứ hai". Cả hành trình phát triển của ngành y lẫn trong giai đoạn cam go của COVID-19, ta đã có bao nhiêu "công dân ân nghĩa" như thế. Họ không phải người Việt, họ đến từ những đất nước có thể phát triển hơn, nhưng Việt Nam đã cho họ cơ hội được "tái sinh", được "đổi đời" bằng chính thành tựu mà nền văn hóa của họ theo đuổi - trong khoa học.

Lúc này, những con người mang lại nhiều giá trị xã hội nhất, những doanh nhân thành đạt, hay những chính trị gia ưu tú nhất - đều thường nhắc đến khát vọng "biến Việt Nam thành một nơi đáng sống". Mỗi con người ở mỗi lĩnh vực sẽ đều có cách để khiến địa phương của họ trở nên đáng sống hơn.

Và ngành y Việt Nam với những thành tựu, những con người ưu tú, những pha cứu sống hay những cuộc vượt khó ngoạn mục… lại cho người ta niềm tin và cảm hứng để làm điều đó. 

Nhiều người nước ngoài được y bác sĩ Việt cứu sống

Cuối năm 2019, Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân, TPHCM) tiếp nhận, cứu sống sản phụ S.Sokunthea - sinh năm 1981, quốc tịch Campuchia, được chuyển đến từ Khema Clinic, Phnom Penh. 

Bệnh nhân S.Sokunthea nhập viện trong tình trạng tri giác lơ mơ, vật vã, phù toàn thân, suy hô hấp nặng, phải thở máy do sốc mất máu nặng sau hai cuộc đại phẫu tại Campuchia: nhau tiền đạo xuất huyết, phải mổ bắt con và cắt tử cung cầm máu cấp cứu.

Trong tình trạng nguy cấp, hành trình và thời gian di chuyển từ Phnom Penh, Campuchia sang Việt Nam cũng khiến tình trạng sức khỏe thêm xấu đi.

Sau khi được hồi sức tích cực, điều trị, kiểm soát dinh dưỡng và nâng đỡ tổng trạng, bệnh nhân hồi sinh sau hai tuần điều trị; chức năng thận, gan phục hồi, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống được bằng đường miệng.

Cũng trong năm 2019, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) cứu sống một bệnh nhân nam quốc tịch Mỹ, 72 tuổi khỏi chứng lóc động mạch chủ týp A cấp tính.

Lúc nhập viện, bệnh tiến triển từng giờ, lan xuống tận chi dưới, nguy cơ tử vong rất cao. Trước đó, bệnh nhân trải qua phẫu thuật vá chỗ loét và thủng quai động mạch chủ tại Thái Lan.

Trong tình trạng khó thở, đau ngực, phải kiểm soát huyết áp bằng thuốc truyền tĩnh mạch, thiếu máu chân trái nặng, bệnh nhân được hồi sức tích cực và phẫu thuật tim hở cấp cứu trong đêm. Ca mổ kéo dài chín giờ, bệnh nhân được thay van động mạch chủ, cắm lại các động mạch vành nuôi tim, bắc cầu động mạch đùi phải, đùi trái bằng mạch nhân tạo. Ca mổ thành công và bệnh nhân qua cơn nguy kịch, làm nền tảng để phục hồi sau đó.

Trong năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cứu sống ông F.S.M. - sinh năm 1978, quốc tịch Hồng Kông (Trung Quốc), bị đa chấn thương nặng do tai nạn giao thông.

Lúc nhập viện, ông M. bị chấn thương tụy, tràn dịch ổ bụng và màng phổi hai bên, vỡ lún thân gai sau đốt sống ngực, gãy một số gai sau, gãy mỏm diện khớp, gãy nhiều cung xương sườn, dập phổi. 

Thùy Dương - Thanh Tân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI