Người già cô đơn bị nhiễm COVID-19 ở Hồng Kông: Chờ chết 1 mình

20/03/2022 - 16:41

PNO - Những người già bị nhiễm bệnh ở Hồng Kông (Trung Quốc) sống cô độc ở nhà cảm thấy tuyệt vọng bởi ít được sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình cũng như xã hội.

Bị cách ly trong ngôi nhà trong suốt hai tuần, bà Lau 72 tuổi nhiều đêm thức trắng bởi những cơn đau đầu dữ dội, đau họng và cảm giác bất lực triền miên. "Tôi đã khóc. Ngày nào tôi cũng lo sợ rằng nếu có chuyện gì xảy ra với mình thì không ai biết được", bà nói.

Người phụ nữ già từng bán dimsum trước đây đã sống một mình trong một căn hộ công cộng ở thành phố Kowloon kể từ khi con trai chuyển ra ngoài tám năm trước trong khi bà ly dị chồng nhiều thập kỷ.

Những người cao tuổi sống một mình ở Hồng Kông cho biết họ nhận được rất ít sự hỗ trợ khi bị nhiễm coronavirus. Ảnh: Sam Tsang
Những người cao tuổi sống một mình ở Hồng Kông cho biết họ cô đơn và đau khổ hơn bao giờ hết khi bị nhiễm coronavirus. Ảnh: Sam Tsang

Hồng Kông hiện có hơn 152.000 người già có độ tuổi từ 65 tuổi trở lên như bà Lau, sống một mình. Thiếu sự hỗ trợ của gia đình và mạng lưới cộng đồng, họ là một trong những cư dân dễ bị tổn thương nhất của thành phố "đất chật người đông" trong cơn khủng hoảng COVID-19 hiện tại.

Đại dịch coronavirus đã khiến cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là trong bối cảnh làn sóng nhiễm trùng thứ năm lây lan và làm chết người nhiều nhất hiện này. Nhiều người đã phải đối mặt với sự chống chọi căn bệnh một mình, vì các bệnh viện và cơ sở chữa trị quá tải không thể tiếp nhận.

Các nhân viên xã hội ước tính hơn 100.000 người cao tuổi sống một mình hoặc chỉ có hai vợ chồng già đã bị nhiễm bệnh trong đợt tăng kỷ lục mới nhất.

Bà Lau có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus khi được test sàng lọc nhanh tại nhà vào ngày 22/2. Mặc dù đã đến trung tâm tiêm chủng cộng đồng để tiêm vắc xin vào tháng Giêng nhưng bà bị nhân viên y tế từ chối vì bị bệnh tim.

Sau nhiều lần gọi đến các bệnh viện không được trả lời, bà đã liên hệ với bác sĩ gia đình, người đã kê cho một vài liều thuốc Đông y. Nhưng không có ai hỗ trợ, bà không còn cách nào khác là liều mình tự ra ngoài mua thuốc.

Trong năm ngày tiếp theo, bà tự cách ly ở nhà, buộc phải chỉ ăn cháo vì hết thức ăn.

Vào những đêm bệnh tật và nỗi sợ hãi lấn át, bà Lau nhắn tin cho con trai hoặc một nhân viên xã hội hay một bác sĩ quen để tìm sự an ủi.

“Tôi chỉ có một mình. Tôi cảm thấy rất đau đớn, nhưng không ai đến giúp đỡ. Thật là đau khổ và cô quạnh", bà tâm sự.

Bà Lau đã gọi cấp cứu vào ngày 28/2 sau khi hết thuốc mà vẫn bị đau đầu và đau họng. Bà được đưa đến bệnh viện Queen Elizabeth.

Bà ngồi dưới tầng hầm của tòa nhà suốt đêm cùng nhiều bệnh nhân đang chờ nhập viện. Không có nước hay nhân viên y tế giúp đỡ. Cơn đau ở đôi chân cứng nhắc đã khiến bà không chịu đựng nổi, cuối cùng bà đã từ bỏ việc chờ đợi nhập viện và trở về nhà.

Sau vài ngày cách ly ở nhà, bà Lau đã gọi đến đường dây nóng cấp cứu 24 giờ vào ngày 3/3 và được đưa đến bệnh viện một lần nữa. Lần này bà được truyền tĩnh mạch. Bà được kê đơn thuốc trị ho và yêu cầu về nhà sau khoảng 5 giờ, mặc dù kết quả xét nghiệm vẫn dương tính với virus.

Đến ngày 6/3, bà có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng cơn ho vẫn kéo dài.

Các chuyên gia y tế cho biết người cao tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương bởi biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao đặc biệt là tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi quá thấp. Nhưng với hệ thống y tế của thành phố đông dân này đã quá tải bởi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng bao gồm cả người già sống một mình, đã buộc phải tự cách ly tại nhà.

Một bệnh nhân lớn tuổi chờ đợi bên ngoài khoa cấp cứu và tai nạn của bệnh viện Princess Margaret. Ảnh: Yik Yeung-man
Một bệnh nhân lớn tuổi nhiễm COVID-19 đang chờ đợi để được nhập viện. Ảnh: Yik Yeung-man

Bà Situ Jie-zhen, 67 tuổi, sống với chồng, 70 tuổi, trong một khu nhà ở công cộng ở Diamond Hill, trong khi con trai và con gái của họ sống ở Trung Quốc.

Hai vợ chồng được tiêm đầy đủ vắc xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất và có kết quả dương tính sau khi test nhanh tại nhà vào ngày 2/3.

Situ là một người phụ việc gia đình đã nghỉ hưu cho biết, bà bị đau cấp tính ở xương và cổ họng, bà bị ho và nôn mửa, trong khi chồng bà thì sốt cao.

Bà cho biết bản thân không biết bất kỳ đường dây nóng nào cho bệnh nhân COVID-19 hoặc bất kỳ cơ quan chính phủ hay dịch vụ xã hội có thể giúp đỡ. Vì vậy, bà đã gọi cho nhân viên xã hội để xin thuốc hạ sốt và xi-rô ho, cùng với khẩu trang và đồ hộp. Người này sau đó đã giúp họ liên hệ với các bệnh viện và báo cáo tình trạng nhiễm bệnh của họ cho chính quyền.

Nhưng thức ăn và thuốc men hết nhanh chóng. Hai vợ chồng già ăn cháo trong nhiều ngày và đôi khi cảm thấy mệt đến mức nằm liệt trên giường và bỏ bữa hoàn toàn.

Situ cho biết trước đây bà đã cố gắng chăm sóc chồng mình, mặc dù bà đã bị đột quỵ cách đây vài năm. Nhưng việc nhiễm coronavirus nặng nề khiến họ cần được giúp đỡ. "Tôi cảm thấy yếu và chóng mặt đến mức không thể rời khỏi giường", bà nói.

Bà Situ cho biết, họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ cuộc gọi nào từ cơ quan y tế khi đang tự cách ly ở nhà. Bà nói thêm rằng các con rất lo lắng cho cha mẹ nhưng họ không thể đến thăm vì những hạn chế đi lại qua biên giới. “Không ai quan tâm. Tôi và chồng chỉ biết ôm nhau khóc ở nhà chờ chết”, bà nói.

Một người dân lớn tuổi tại trung tâm tiêm chủng di động ở Aberdeen. Ảnh: Dickson Lee
Một người lớn tuổi tại trung tâm tiêm chủng di động ở Aberdeen - Ảnh: Dickson Lee

Hiệp hội An toàn Gia đình Công dân Cao cấp, tổ chức phi chính phủ nói rằng số lượng các cuộc gọi liên quan đến coronavirus từ người cao tuổi tăng lên khoảng 37 lần kể từ tháng Giêng. Ivan Lin Wai-kiu, một người thuộc Hiệp hội vì Tổ chức Cộng đồng, cho biết hầu hết những người cao tuổi mà ông giúp đỡ đều sống một mình hoặc chỉ hai vợ chồng già sống với nhau và  khoảng 1/3 trong số họ bị nhiễm COVID-19.

Ông ước tính làng sóng Omicron sẽ có hơn 100.000 cư dân cao tuổi bị nhiễm bệnh và cho rằng họ cần được hỗ trợ khẩn cấp. Ông cũng nói rằng chính phủ đã không cung cấp hỗ trợ đầy đủ và ngay lập tức cho những người cao tuổi. “Họ yếu đuối, thiếu mạng xã hội, không có gia đình hỗ trợ, nghèo khó. Nhóm cư dân cao tuổi này là những người dễ bị tổn thương nhất và cần được giúp đỡ. Có như thế chúng ta mới hạn chế những ca bệnh nặng và tử vong”, ông nói.

Thảo Nguyễn (SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI