Người đầu tiên được ghép tim heo đã nhiễm virus động vật trước khi qua đời

06/05/2022 - 14:02

PNO - Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu điều gì đã khiến người đầu tiên được ghép tim heo qua đời, sau khi phát hiện nội tạng này chứa virus động vật.

Ông David Bennett Sr. (57 tuổi) ở bang Maryland (Mỹ), đã qua đời vào tháng 3, hai tháng sau ca cấy ghép thử nghiệm chưa từng có. Hôm 5/5, các bác sĩ của Đại học Maryland cho biết đã tìm thấy một điều bất ngờ: DNA của virus động vật bên trong tim heo.

Dù vậy, họ không tìm thấy dấu hiệu chứng minh virus porcine cytomegalovirus gây ra bệnh nhiễm trùng ở bệnh nhân. Một mối lo lớn về việc cấy ghép nội tạng từ động vật sang người là nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh nhiễm trùng mới cho con người.

Tiến sĩ Bartley Griffith - bác sĩ phẫu thuật thực hiện ca cấy ghép của ông Bennett - nói với Associated Press: “Bởi vì một số loại virus tồn tại dưới dạng “ẩn”, chúng không gây bệnh nhưng có thể trở thành cầu nối trung gian gây nhiễm trùng ở người”.

Tiến sĩ Muhammad Mohiuddin - giám đốc khoa học của chương trình cấy ghép nội tạng động vật (xenotransplant) tại Trường đại học bang Maryland - nói thêm rằng, quy trình cấy ghép đang trải qua nhiều thử nghiệm phức tạp hơn để “đảm bảo không bỏ sót những loại virus tương tự”.

 

Ca cấy ghép tim heo cho người đầu tiên diễn ra suôn sẻ. Dù vậy khoảng 2 tháng sau cấy ghép, bệnh nhân đã tử vong vì nguyên nhân chưa được làm rõ.
Ca cấy ghép tim heo cho người đầu tiên diễn ra suôn sẻ, dù vậy khoảng 2 tháng sau cấy ghép, bệnh nhân đã tử vong không rõ nguyên nhân

Sự xuất hiện của virus động vật lần đầu tiên được báo cáo bởi tạp chí MIT Technology Review, trích dẫn một bài thuyết trình khoa học mà tiến sĩ Griffith đã trình bày trước Hiệp hội Cấy ghép Mỹ vào tháng 4.

Trong nhiều thập kỷ, các bác sĩ đã cố gắng sử dụng nội tạng động vật để cứu sống con người mà không thành công. Bennett, một bệnh nhân đang hấp hối và không đủ điều kiện để cấy ghép tim người, đã trải qua ca phẫu thuật cuối cùng khi được ghép tim từ một con heo biến đổi gen để giảm nguy đào thải tự nhiên.

Theo nhóm nghiên cứu ở Maryland, con heo khỏe mạnh và đã vượt qua cuộc kiểm tra theo yêu cầu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ về nguy cơ nhiễm trùng. Con vật cũng được nuôi trong một cơ sở được thiết kế để ngăn động vật lây lan bệnh. Công ty Revivicor - đơn vị cung cấp giống heo biến đổi gen hiện vẫn chưa đưa ra thêm bình luận.

Griffith cho biết, bệnh nhân đã hồi phục khá tốt sau ca cấy ghép. Nhưng vào một buổi sáng, Bennett thức dậy trong tình trạng tồi tệ hơn, với các triệu chứng tương tự như nhiễm trùng.

Các bác sĩ đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân và cho Bennett dùng nhiều loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus cũng như áp dụng một phương pháp điều trị tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên quả tim heo đã bị sưng phù, chứa đầy chất lỏng và cuối cùng ngừng hoạt động.

Griffith chia sẻ: “Phải chăng chính virus động vật đã gây ra tình trạng sưng tấy trong tim anh ấy? Thành thật mà nói, chúng tôi không biết câu trả lời". Một điều chắc chắn, phản ứng này cũng không giống tình trạng đào thải nội tạng điển hình, và cuộc điều tra vẫn đang diễn ra.

Linh La (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI