Người đàn ông mù, mò từng chiếc vít lợp lại mái nhà trống hoác sau bão

01/11/2020 - 15:56

PNO - Hàng xóm khuyên anh chờ vài bữa, khi mọi người xong việc sẽ giúp anh, nhưng anh lắc đầu: "Bàn thờ tổ tiên, làm sao để dưới mái nhà trống như thế...".

Tan hoang vì mưa bão

Bão số 9 vừa tan, anh Trần Cừu (49 tuổi, quê ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) nhận điện thoại từ người hàng xóm: "Nhà mầy bị gió thổi bay mái rồi". Anh vội vã xin phép chủ cơ sở mát-xa tạm nghỉ việc, bắt xe rời thành phố Nha Trang về quê. 

Anh Cừu lau chùi bàn thờ tổ tiên
Anh Cừu lau bàn thờ tổ tiên

Căn nhà bao năm vợ chồng anh dành dụm cùng sự giúp đỡ từ người chị gái để xây dựng giờ trống trơn. Dẫu đôi mắt không nhìn thấy nhưng anh vẫn cảm nhận được khung cảnh đổ nát, mái nhà trống hoác từ những đợt gió lạnh thốc vào người.  Căn nhà của anh chỉ còn sót lại vài thanh gỗ lơ lửng giữa hai bức tường.

Đặt túi xách chứa vài bộ đồ mà anh quơ vội cho kịp lên xe về, anh Cừu mò mẫm dọn dẹp những vật dụng ướt sũng nước mưa. Tay người đàn ông mù run run cầm khăn lau bàn thờ tổ tiên rồi phủ bạt che mưa gió. 

Đưa tay men theo vách tường bước xuống căn bếp lợp tôn rộng chừng 4m2, rồi anh dò dẫm bước ra vườn, bước chân cảm nhận sự tàn khốc của trận kình phong qua những thân cây ngã đổ ngổn ngang mà anh liên tục vướng phải khi mò mẫm bước đi.

"Đã nghèo lại gặp cái eo. Tôi làm nghề mát-xa tại một cơ sở ở Nha Trang, từ đầu năm đến nay dịch COVID-19 hoành hành nên rất vắng khách, thu nhập chẳng đáng là bao. Túng thiếu, vợ tôi vừa rời quê vào Sài Gòn giúp việc cho chủ nhà. Bão vô, cổ không thể trở về, dẫu lo cháy ruột, cháy gan", anh tâm sự.

Nghe anh trở về, bà con chòm xóm đến thăm hỏi động viên. Nhiều người xót lòng trước hoàn cảnh của anh nhưng không thể chìa tay giúp đỡ vì họ cũng bị thiệt hại bởi mưa bão. Từng mái nhà nơi đây, cái thì trống huơ, trống hoác, cái thì ngói trống lởm chởm, điện thì cúp. Sau bão, ai cũng lo sửa chữa, xót lòng cho người bên cạnh nhưng cũng không biết làm sao.

Họ nói với anh Cừu rằng, "khó khăn quá thì từ từ sửa sau", nhưng anh không thể đợi. "Căn nhà có bàn thờ ông bà, cha mẹ, cần phải sửa chữa kẻo lạnh lẽo, vong linh tiên tổ", anh nói. Kêu thợ đến ước lượng kinh phí, số tiền hơn 20 triệu đồng được thốt ra, anh lặng lẽ thở dài vì con số quá lớn.

Anh Cừu bên trong căn nhà nhỏ bị gió thổi tốc mái
Anh Cừu bên trong căn nhà nhỏ bị gió thổi tốc mái

Anh dò dẫm ra vườn, sờ soạng vặn từng chiếc đinh vít tháo rời tấm tôn rách khỏi những khúc gỗ gãy. Tấm tôn gãy gập được anh cẩn thận uốn thẳng. Khúc gỗ nhỏ trên tay gõ nhè nhẹ vào tôn nén sửa những chỗ lồi lõm do bị va đập để lợp lại mái nhà. "Tôi dự định lắp đặt khung sắt với số tiền vừa phải và sử dụng tôn cũ để lợp. Phải chắp vá chứ không thể mua tôn mới vì còn dành dụm tiền để lo cho con ăn học. Nếu mượn nhiều quá thì không biết lấy tiền đâu trả nợ...", anh bộc bạch.

"Tôi chơi với thằng Cừu từ thuở nhỏ. Hoàn cảnh của nó thật đáng thương. Mắt mù nhưng vẫn gắng sức kiếm tiền lo cho con ăn học. Giờ đã khổ mà nhà cửa lại bị như thế. Do nhà giữa đồng nên gió bão thổi bay sạch trơn...", anh Nguyễn Quang Vinh - Trưởng xóm 10 chia sẻ. 

"Sáng ở đôi tay"

Một cơn sốt phát ban khiến anh Cừu bị mù đôi mắt khi chưa tới tuổi cắp sách đến trường. Anh luôn tự nhủ phải vượt qua số phận, quyết tâm học nghề để tìm nguồn sáng cho bản thân.

Thế là anh mày mò học, mưu sinh bằng nghề đan lát. Khi mẹ qua đời, anh mò mẫm chăm sóc ruộng vườn. Nhiều bữa, anh dò dẫm theo người quen cuốc bộ hàng chục cây số đến những bản làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao để mua bán, trao đổi hàng hóa. Cuộc đời anh bước sang trang mới khi có người cùng anh kết tóc xe tơ. 

Các con lần lượt chào đời trong niềm vui lẫn bao nỗi lo toan của anh. Ngoài việc canh tác vài sào ruộng bạc màu, anh chị chăn nuôi bò và gà để cải thiện cuộc sống.

Câu hỏi "tiền đâu nuôi con ăn học nên người?" cứ chập chờn trong tâm trí. Giữa lúc ấy, Hội người mù làm điểm tựa, tạo điều kiện cho anh học chữ Braille, tin học và nghề mát-xa để mưu sinh.

Ở quê vắng khách nên anh xin vào làm tại một cơ sở mát-xa ở Nha Trang. Công việc của anh bắt đầu từ 9g đến 22g mỗi ngày. Đôi tay anh nhẹ nhàng xoa bóp, bấm huyệt làm đỡ những cơn đau mỏi khiến nhiều người hài lòng, thường quay lại sau đó. Lắm lúc, chân tay anh rã rời do phải làm việc liên tục trong nhiều giờ liền. "Dù mệt mỏi những tôi luôn mong đông khách để kiếm tiền lo cho con ăn học và trả bớt nợ nần...", anh tâm sự.

Anh Cừu cẩn thận vặn từng chiếc đinh vít để tận dụng tôn cũ lợp lại mái nhà
Anh Cừu cẩn thận vặn từng chiếc đinh vít để tận dụng tôn cũ lợp lại mái nhà

Dù khó khăn đến đâu anh vẫn gắng sức lo cho con ăn học nên người. Anh cho rằng, tri thức là nguồn sáng, giúp con bớt khổ và biết lẽ đúng - sai, vững tin giữa cuộc đời. Anh luôn động viên các con gắng học dù "ba phải làm thuê khổ cực cỡ nào cũng ráng lo cho các con".

Trời không phụ người khó. Các con anh hiểu nỗi cơ cực của cha mẹ nên cố gắng học. Dẫu vậy, con gái đầu thi đỗ vào một trường cao đẳng ở TPHCM nhưng sau đó bị bệnh nên gián đoạn việc học trong nỗi xót xa của nhiều người.

Con gái thứ hai miệt mài với sách vở và đã tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm TPHCM. Con út thì đang học tại Trường đại học Giao thông vận tải TPHCM. 

Đối với "quả ngọt" sau bao ngày mong đợi, anh Cừu bảo: "Sự vất vả của vợ chồng tôi không uổng phí khi các con được ăn học. Những lúc khó khăn, cứ nghĩ đến các con là tôi cố gắng vượt qua". 

Cơn bão số 9 ập xuống, miền Trung tan hoang. Nhưng, không than van, không oán khóc, tất cả đều bắt tay tái thiết ngay sau khi bão tan. Người đàn ông mù lớn lên trong con xóm nhỏ cũng thế, không chờ đợi sự cứu giúp, anh mò mẫm gắn từng con vít trong bóng tối, dựng lại nhà... 

"Tôi thật khâm phục sự nỗ lực vượt khó của anh Trần Cừu. Bản thân anh bị mù, vợ không có công việc ổn định nhưng vẫn nuôi hai con học đến đại học". 

(Ông Bùi Văn Chuyên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ Cường) 

Minh Kỳ

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI