Nghị viện châu Âu thông qua hai Hiệp định thương mại với Việt Nam

12/02/2020 - 19:15

PNO - Vào lúc 18 giờ (giờ Việt Nam) ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Phiên thảo luận về EVFTA và EVIPA chính thức bắt đầu vào 17 giờ (giờ Việt Nam) trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu tại thành phố Strasbourg (Pháp). Các động thái đánh dấu việc Châu Âu tăng cường quan hệ đối tác thương mại tự do hóa, kết hợp với các cam kết về tiêu chuẩn môi trường, lao động và xã hội.

Đây là hiệp ước toàn diện nhất của EU với một quốc gia đang phát triển và là hiệp ước thứ hai với một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore. Sự ủng hộ ban đầu từ Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu vào tháng 1/2020 dự báo Nghị viện châu Âu nói chung sẽ ủng hộ hai hiệp định.

EVFTA đạt 401 phiếu ủng hộ phê chuẩn trên 633 phiếu bầu.
EVFTA đạt 401 phiếu ủng hộ phê chuẩn trên 633 phiếu bầu.

Kết quả bỏ phiếu, đối với EVFTA có 401 phiếu ủng hộ phê chuẩn trên 633 phiếu bầu; còn đối với EVIPA là 407 phiếu ủng hộ phê chuẩn trên tổng số 648 nghị sĩ bỏ phiếu.

Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Phil Hogan nói với các nhà lập pháp trong một cuộc tranh luận hôm thứ Ba (11/2) rằng, tình hình nhân quyền của Việt Nam “chắc chắn là một lĩnh vực đáng quan tâm”, nhưng nói rằng các diễn đàn đối thoại nhân quyền hàng năm là cách để giải quyết những thiếu sót.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp gỡ Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli hôm 11/2.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli hôm 11/2.

Các thỏa thuận, có thể chính thức có hiệu lực vào tháng 7/2020, sẽ loại bỏ 99% thuế quan, mặc dù Việt Nam sẽ có thời gian chuyển tiếp lên tới 10 năm đối với một số mặt hàng nhập khẩu, như ô tô và bia.

Nhiều hàng hóa Việt Nam được hưởng lợi từ việc tiếp cận ưu đãi vào thị trường EU theo chương trình dành cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng cho thuế suất đối với hai phần ba các loại sản phẩm. Thuế quan vẫn tồn tại, mặc dù ở mức thấp hơn, cho hàng may mặc.

Tiếp theo, Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành bỏ phiếu hai Hiệp định vào tháng 5/2020. Sau khi Hiệp định EVFTA nhận được sự đồng thuận của Quốc hội, nhiều nội dung sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Đối với EVIPA, hiệp định sẽ cần tiếp tục được thông qua bởi quốc hội của các quốc gia thành viên EU.

EVFTA cũng bao gồm các quy định quan trọng về bảo vệ môi trường và quyền lao động, giúp Việt Nam hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhận định: “Đây là thời khắc lịch sử của quan hệ Châu Âu - Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai phía. Các hiệp định này sẽ cho phép doanh nghiệp châu Âu đón đầu xu thế phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam, có thêm cơ hội tham gia vào các thị trường, sản phẩm và dịch vụ của châu Âu. Tương tự như vậy, các công ty Châu Âu cũng có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường đang phát triển mạnh của Việt Nam".

Phiên thảo luận, bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu.
Phiên thảo luận, bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu.

Ngược lại, Ủy ban Châu Âu chuẩn bị rút các ưu đãi thương mại khỏi Campuchia theo chương trình hỗ trợ “Tất cả mọi thứ trừ vũ khí” (EBA) cho 48 nước nghèo nhất thế giới, với lý do chính quyền của Thủ tướng Hun Sen, đã đàn áp phe đối lập, các nhóm xã hội dân sự và giới truyền thông trong ba năm qua.

Tấn Vĩ (Theo Bundestag.de, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI