Hàng loạt ngành hàng xuất khẩu vào EU giảm mạnh sau khi EVFTA ký kết

19/12/2019 - 16:54

PNO - Trái với kỳ vọng khi EVFTA được ký kết, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam (VN) vào thị trường liên minh châu Âu (EU) đang có xu hướng chững lại, thậm chí giảm.

Thực trạng này được bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết tại “Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế TPHCM năm 2019” tổ chức ngày 19/12.

Tính đến tháng 11/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU đã giảm 1,26% so với cùng kỳ năm 2018. Thống kê kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chính vào thị trường EU cũng cho thấy sự sụt giảm. Trong đó, điện thoại và linh kiện giảm 16%, cà phê giảm 16,3%, thuỷ hải sản giảm gần 13%. Dự kiến trong năm 2019, xuất khẩu vào EU đạt khoảng 41,8 tỷ USD, giảm 3,6% so với năm 2018.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là xuất khẩu hàng hoá của VN đã qua giai đoạn phát triển nóng suốt từ năm 2000 đến năm 2018. Bên cạnh đó, trước khi Hiệp định Thương mại tự do VN – EU (EVFTA) có hiệu lực, hoạt động thương mại cũng có xu hướng chững lại. Một số mặt hàng xuất khẩu như điện thoại phụ thuộc vào doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI), cụ thể là Samsung; các mặt hàng nông sản chủ yếu là xuất khẩu thô bị tác động mạnh bởi biến động của giá trị thị trường…

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường EU trong năm 2019 dự kiến đạt khoảng 1,5 tỷ USD -  thấp hơn so với kế hoạch ban đầu và kỳ vọng của Hiệp hội, DN. Nguyên nhân là do tác động của việc thuỷ sản Việt Nam bị EU rút thẻ vàng do chưa tuân thủ các quy định của EU về việc đánh bắt cá trái phép…

Theo ông Hoè, vào đầu năm 2019, khi FTA được ký kết, Hiệp hội cùng các DN thuỷ sản đã rất kỳ vọng vào thị trường này và đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU sẽ đạt khoảng 2 tỷ  USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước.

Hang loat nganh hang xuat khau vao EU giam manh sau khi EVFTA ky ket
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường EU trong năm 2019 dự kiến thấp hơn kế hoạch. Ảnh TCTT

Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, năng lực tham gia thương mại quốc tế của DN VN còn hạn chế, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Muốn thâm nhập vào thị trường EU, các sản phẩm VN phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý để tham gia vào các yêu cầu bổ sung mà các nhà phân phối đặt ra để đáp ứng thị hiếu khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cần thúc đẩy hàng VN trực tiếp đến các DN bán buôn, bán lẻ châu Âu.

“DN VN phải chủ động nắm vững các cam kết của VN và EU trong EVFTA, tìm hiểu kỹ các quy định đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU, chú ý các quy định thuế quan, phi thuế quan, phòng vệ thương mại... Từ đó, xây dựng kế hoạch kinh doanh trung, dài hạn; tìm hiểu thị hiếu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu. DN cũng nên chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu. Tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - EU và Mỹ - Trung Quốc”, bà Hiền khuyến nghị.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, DN cần tăng cường kết nối chuỗi sản xuất, bám theo xu thế tiêu dùng, sáng tạo; có các giải pháp đi kèm và tương tác trực tiếp, liên tục, tức thời với khách hàng. Bên cạnh đó, DN phải học hỏi pháp lý, đồng hành với Chính phủ, làm theo thay đổi của Chính phủ vì thời đại của quản trị bất định và quản trị rủi ro lên ngôi.

Ở lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, ông Hòe nhấn mạnh vấn đề DN cần quan tâm hiện nay là giảm thuế trong EVFTA có hiệu lực. DN phải hiểu mặt hàng nào được giảm thuế, duy trì thuế, chu trình giảm thuế trong 3 – 5 năm, trên cơ sở đó chọn lọc mặt hàng lợi thế cạnh tranh về thuế xuất.

Bên cạnh đó, các DN cần chú ý  đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đúng, không gian lận thương mại để hưởng thuế suất ưu đãi. Các sản phẩm phải có chứng nhận để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng châu Âu ngày càng cao, giấy phép gần giống như “visa” về chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm để tự tin xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.

“Một số sản phẩm thủy sản VN hiện đang có thế mạnh như tôm sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số mô hình nuôi ở dạng sinh thái, hữu cơ đang phát triển tạo sự khác biệt để quảng bá thủy sản Việt Nam vào EU. DN cần cập nhật, nắm bắt xu hướng thân thiện môi trường, sản phẩm hữu cơ, sinh thái... để quảng bá sản phẩm VN ra thị trường châu Âu”, ông Hòe nói.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI