Nghỉ lễ không dám về quê vì ám ảnh câu hỏi "khi nào lấy chồng?"

07/04/2025 - 18:29

PNO - Cuối tuần rồi, người chị họ gọi điện báo sẽ cho tôi quá giang về quê chơi lễ như một lời mời gọi tha thiết, nhưng cũng tựa án treo lơ lửng.

 Nhiều bạn gái trẻ ám ảnh vì câu nói khi nào lấy chồng cùng những lời dọa dẫm (Ảnh minh họa: Shuttetstock
Nhiều bạn gái trẻ ám ảnh vì câu hỏi "khi nào lấy chồng?" (Ảnh minh họa: Shuttetstock)

Ở quê tôi, sự thành công của một phụ nữ không đo bằng sự nghiệp hay nỗ lực cá nhân, mà được đong đếm bằng chiếc nhẫn cưới trên tay, và sự muộn chồng của tôi nghiễm nhiên trở thành "vấn đề". Mỗi khi đặt chân về nhà, tôi luôn phải đối diện với hàng chục câu hỏi cùng nội dung: “Khi nào lấy chồng?’’

15 năm bám trụ ở TPHCM, tôi - một nhân viên truyền thông 33 tuổi - đã quen với nhịp sống hối hả và áp lực "ai không bơi sẽ chìm".

Đã không ít lần, giữa những deadline ngập đầu, những đêm thức trắng chạy dự án, tôi thèm một giấc ngủ ngon trên chiếc giường cũ ở vùng quê, thèm bữa cơm ấm cúng bên má và các chị.

Đặc biệt, trước những dịp lễ, nỗi nhớ nhà trong tôi càng cồn cào da diết. Thế nhưng, cứ đến hẹn lại lên, cảm giác háo hức xen lẫn lo lắng lại bủa vây, khiến tôi nửa muốn về, nửa lại chùn chân.

Mỗi lần về quê, câu chào hỏi đầu tiên tôi nhận được từ má, từ cô dì, thậm chí từ những người hàng xóm tốt bụng không phải là "con khỏe không?" mà luôn là câu quen thuộc đến ám ảnh: "Khi nào lấy chồng?".

Thậm chí, có người còn quan tâm đến mức vẽ ra một tương lai đầy bi kịch nếu tôi không mau chân: "Lấy chồng sớm đi nghen con, chớ không sau này không ai nuôi, chẳng lẽ bò xuống sông uống nước!". Những lời nói vô tư ấy có sức đe dọa lớn đến mức tôi sợ hãi mỗi khi nghĩ đến việc về quê.

May mắn thay, má tôi sau này đã hiểu được nỗi khổ tâm của con gái nên không còn thúc ép chuyện chồng con, nhưng họ hàng, xóm giềng thì vẫn giữ nguyên "nhiệt huyết" ấy. Họ liên tục giới thiệu hết người này đến người kia, như thể tôi là một món hàng tồn kho cần được thanh lý gấp.

Mới đây, cô Ba gọi điện thoại lên, giọng đầy vẻ quan trọng: "Lễ này về diện lên nghen chưa. Cô mới tìm được mối này ngon lắm, nó cùng tuổi con, làm ở xã, không rượu, không hút thuốc!". Nghe cô nói, tôi chỉ biết thở dài. Trong mắt họ hàng, có lẽ tôi đã là một "bà cô già ế", nên bất cứ mối nào cũng đều "ngon" một cách lạ thường.

Đỉnh điểm là lần dì Tư dẫn đến nhà một anh chàng mà theo lời dì tả thì "giàu nứt đố đổ vách". Anh ta bụng phệ, răng vàng khè, móng tay cũng ố vàng vì rượu bia và thuốc lá lâu năm. Anh còn trải qua 2 đời vợ và có đến 3 đứa con riêng, nhưng dì tôi vẫn hồ hởi: "Nó giàu lắm con, có cả trăm công ruộng, máy cày, máy cắt lúa, ô tô đủ hết. Con về chỉ việc làm bà chủ, không cần động móng tay!".

Lúc ấy tôi muốn khóc, nhưng lại cố gắng kìm nén. Tôi ức chế, tôi chán nản, nhưng dường như trong mắt nhiều người, việc tôi "cưới đại" một người nào đó để ba má tôi vui, để gia đình không bị "mất mặt" mới là điều quan trọng.

Kể từ đó, tôi thật sự sợ dịp nghỉ lễ. Nỗi nhớ nhà vẫn luôn thường trực, nhưng nỗi sợ hãi về những câu hỏi, những lời mai mối vô duyên lấn át tất cả.

Về quê, tôi được bỏ lại sau lưng những bộn bề, áp lực của cuộc sống đô thị để trở về là chính mình, một cô gái quê đúng nghĩa. Nhưng dường như, cái "mác" ế chồng đã vô tình tạo ra một bức tường vô hình, ngăn cách tôi với những khoảnh khắc bình yên.

Ai cho tôi được sống thật với chính mình, được tự do lựa chọn cuộc sống mà tôi mong muốn? Ai cho tôi được về quê mà không phải mang theo nỗi ám ảnh mang tên "khi nào lấy chồng?".

Phương Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI