Nghỉ hưu để sống vui hơn

08/12/2014 - 06:40

PNO - PNO - Hụt hẫng, cô đơn, thấy mình thừa thãi, thậm chí… vô dụng là tâm lý chung của nhiều người khi đứng trước cột mốc quan trọng: nghỉ hưu. Để vui sống, tận hưởng tuổi già giai đoạn này, ngoài tự thân người trong cuộc phải...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Bỗng dưng… “khó ở”

Mấy ngày qua, chị Minh Loan (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đi làm với gương mặt “không thể nặng hơn”. Đồng nghiệp hỏi thăm, cô cho biết: “Bà già chồng không dưng… khó tính quá!”. Nhấn mạnh chữ “không dưng”, theo Loan, là vì trước kia, bà Quyến - mẹ chồng cô vốn là người vui vẻ, hoạt bát, xuề xòa. Nửa tháng nay, từ ngày nghỉ hưu, bà Quyến đâm ra bẳn tính, khó chịu. Loan ngủ dậy trễ, vội vàng ra đầu ngõ mua đồ ăn sáng cho mẹ, bình thường bà thông cảm: “Lâu lâu mình đổi món”, bây giờ, bà nói “xéo”: “Tôi dùng cơm nguội”, rồi giậm chân xuống bếp đập trứng gà chiên cơm, động tác nào cũng có vẻ nặng nề, tạo âm thanh lớn khiến cả nhà chột dạ.

Nghi huu de song vui hon
 

Từng là một mẹ chồng tâm lý, “tân tiến”, bà Quyến thường khuyến khích con dâu ăn mặc đẹp; nhưng nay, hôm nào mặc váy, Loan phải ý tứ khoát thêm bộ áo váy chống nắng trước khi rời khỏi phòng, mới mong không bị săm soi. Thấy bà chuẩn bị ra ngoài, các con hỏi thăm, bà lập tức nổi quạu: “Từ giờ tôi có nhiệm vụ trình báo nữa phải không”. Vốn là giáo viên môn giáo dục công dân, khá tâm lý, trước kia, nếu biết vợ chồng Loan gây nhau, bà sẽ gọi họ phân tích đúng sai, nhẹ nhàng khuyên nhủ; còn giờ, giọng bà hờn trách: “Các người còn coi tôi ra gì trong cái nhà này không?”… Những thay đổi ấy khiến vợ chồng Loan có cảm giác gia đình bị xáo trộn, không khí nặng nề.

Buổi tối của ngày cuối cùng đi làm, bà Bích (H.Hóc Môn, TP.HCM) bất ngờ họp gia đình, công bố: “Cả đời đi làm, dành dụm được ít tiền, nhưng mẹ hay bệnh vặt, số tiền này phòng cho những lúc ốm đau. Từ nay, mẹ chỉ có lương hưu góp vào ngân quỹ của gia đình, tụi con nên tính toán chi tiêu”. Mặc dù các con ồ lên, nói mẹ không phải lo, bà vẫn băn khoăn: “Phải tính để định liệu”. Biết kinh tế gia đình không dư giả, từ ngày nghỉ hưu, bà Bích đâm lo lắng, bất an. Con trai than thở, tiền học phí tiếng Anh cho Bin - cháu nội bà năm nay lại tăng, bà cứ theo hỏi dồn “tăng là tăng bao nhiêu, có xoay xở được không” khiến con trai nổi quạu. Thấy con dâu mặc bộ váy mới mua, bà lặng lẽ thở dài. Những áo quần cũ kỹ trước kia không dùng đến, nay bà lôi ra mặc.

Các con càng góp ý, bà càng thu mình, kiệm lời, ở suốt trong phòng. Nhà có giỗ, bà xuống bếp phụ việc nhưng bị con cái “đuổi” lên như mọi năm, ngờ đâu, lần này bà mượn cớ mỏi mình, chui vào phòng với cảm giác tủi thân, thấy mình… thừa thãi, “vô dụng”. Nghe ai đó bàn chuyện vật giá tăng là bà chảy nước mắt. Quay sang giành “quyền” đi chợ, nấu ăn nhưng những bữa cơm… nghèo màu sắc, dinh dưỡng của bà bị các con phản ứng. Bà nghẹn ngào: “Bao nhiêu người còn nghèo”.

Chung tay vượt… khó!

Nghỉ hưu là giai đoạn tất yếu của người lao động sau khi dành phần lớn cuộc đời để học tập, làm việc và cống hiến. Đây cũng chính là quyền lợi của cá nhân người lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng “chấp nhận” những thay đổi trước cột mốc này. Nhiều người, nhất là những người còn đam mê, đầy nhiệt huyết, yêu thích công việc và luôn muốn được đi làm, tiếp tục cống hiến thì nghỉ hưu giống như “bước hụt”.

Theo thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở Lao động-Thương binh-Xã hội TP.HCM), nghỉ hưu, đồng nghĩa với phải thay đổi nhịp sinh học lẫn sinh hoạt, “bị” đối diện với thực tế vai trò xã hội mất đi, các mối quan hệ tạo dựng trước đây thông qua công việc… rơi rụng dần; sự tiếp xúc, xã giao bó hẹp. Người vừa nghỉ hưu cảm thấy nhớ công việc, sẽ rơi vào trạng thái cô đơn, thừa thãi. Ngày tháng với họ bỗng… dài ngoằn nhưng nỗi bi quan kiểu “mình già rồi, chặng cuối cuộc đời rồi” lại không ngừng ám ảnh. Lo xa, sợ trở thành gánh nặng cho con cháu khiến đâm đa nghi, nhạy cảm, dễ vui dễ buồn cũng là biểu hiện của sự bất ổn trong tâm lý người nghỉ hưu.

Nghi huu de song vui hon
 

Thạc sĩ Quân khuyên, nếu muốn không bị… sốc, ngỡ ngàng khi bước vào giai đoạn nghỉ hưu và xây dựng một cuộc sống an vui, người trong cuộc phải “tự thân vận động”, cố gắng vượt qua chính mình: “Chuẩn bị tâm thế, lên tinh thần bằng cách coi nghỉ hưu là cơ hội nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống bên người thân, gia đình. Nên có những hoạch định rõ ràng cho giai đoạn này: tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương; tìm niềm vui trong việc nhà, chăm sóc gia đình, gần gũi con cháu như sự bù đắp mà trước đây, vì bận bịu, đã không chu toàn; đi du lịch hoặc thực hiện những đam mê, sở thích từng bỏ lỡ do không có thời gian”.

Bên cạnh đó, con cháu, người thân cũng đóng một vai trò quan trọng với “đương sự” thông qua sự gặp gỡ, trò chuyện thường xuyên. “Phải xác định ông bà, cha mẹ đã có một thời gian dài lao động, cống hiến cho xã hội, đây là thời điểm họ nghỉ ngơi và sống cho mình. Từ đó động viên ông bà, cha mẹ tham gia các câu lạc bộ, đoàn thể; tuyệt đối tránh những lời nói gây nhiểu nhầm, tổn thương kiểu như mức sống giảm, vật giá tăng…; khéo léo nhờ ông bà, cha mẹ giúp đỡ hoặc tư vấn giải quyết một số vấn đề song cần tránh gây áp lực kiểu dồn hết việc nhà hoặc bắt họ phải chăm con cháu…” - thạc sĩ Quân chia sẻ.
 

PHONG VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI