Nghệ sĩ điêu khắc Thái Nhật Minh: ‘Suốt 5 năm làm tượng con giáp, tượng chuột là khó nhất’

28/01/2020 - 07:04

PNO - Chọn 20 con chuột độc bản để mừng năm mới, nghệ sĩ điêu khắc Thái Nhật Minh mang không khí mùa xuân đến trong bộ sưu tập “Chuột Tết” của mình.

Là nghệ sĩ hiếm hoi làm tượng con giáp, Thái Nhật Minh tung ra bộ sưu tập “Chuột Tết” gồm 20 con mừng năm mới. Các tác phẩm được làm từ bột giấy, que đồng và acrylic, giá không hề thấp (600 USD/con) và bán gần hết rất nhanh sau đó. Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ sự sinh sôi, căng tràn sức sống của năm con chuột – hình tượng trung tâm của năm 2020.

Cuộc trò chuyện đầu năm với nghệ sĩ điêu khắc Thái Nhật Minh xoay quanh hình tượng thách thức cánh nghệ sĩ cũng như ngôn ngữ tạo hình, chất liệu mà anh lựa chọn để biểu hiện tác phẩm của mình.

Nghệ sĩ điêu khắc Thái Nhật Minh
Nghệ sĩ điêu khắc Thái Nhật Minh


Phóng viên: Được biết, trong bộ sưu tập lần này, anh chỉ làm đúng 20 con. Tượng của Thái Nhật Minh rất đắt hàng, sao anh không làm thêm? Ngoài câu chuyện giải quyết vấn đề thẩm mĩ, nghệ sĩ thời nay cũng phải quan tâm tới bài toán kinh tế chứ, thưa anh?

Nghệ sĩ điêu khắc Thái Nhật Minh: Tôi thường giới hạn số lượng bộ sưu tập dựa vào 2 số cuối cùng của năm đó, ví dụ năm 2015 Ất Mùi thì chỉ làm đúng 15 con dê, năm Canh Tý 2020 chỉ làm đúng 20 con chuột. Riêng năm 2018 Mậu Tuất do quá bận nên tôi chỉ làm đúng 8 con chó, chứ không làm được 18 con như dự định.

Tất nhiên, nếu bán được thì rất vui. Nhưng với tôi, khi làm tượng, làm tác phẩm, tôi vẫn làm trước hết cho mình. Nó giống như một món quà đầu năm mới vậy. Còn việc bán được hay không, tôi nghĩ, đó là câu chuyện đến sau.

Tôi nghĩ, làm tác phẩm không giống như làm sản phẩm. Làm sản phẩm bắt buộc phải tính chuyện bán ngay từ đầu, nhưng làm tác phẩm mà tính chuyện bán ngay từ đầu, khi làm xong mà không có ai mua, có khi lại thất vọng. Tôi không đặt câu chuyện ấy ngay từ đầu là vì vậy. Nếu bán được thì vui, không bán được cũng không vì đó làm buồn. Hơn nữa, thời gian cuối năm cũng bận. Năm nay làm 20 con, là nhiều nhất trong các năm rồi.

* Đề tài con giáp không phải là mới; thậm chí, đôi lúc, còn cho người ta cảm giác “đến hẹn lại lên”, nghệ sĩ trả bài một cách nhàm chán. Thái Nhật Minh làm thế nào để vượt thoát khỏi điều đó?

- Đúng là đề tài con giáp không phải đề tài mới, song lại là đề tài thách thức người nghệ sĩ. Mỗi năm một con khác nhau, đòi hỏi người sáng tạo phải tìm ra những góc nhìn, khía cạnh khác của chúng. 

Suốt 5 năm làm tượng con giáp, tôi thấy rằng, làm tượng con chuột là khó nhất. Đó là một loài vật không có nhiều kiểu dáng thực. Vì thế, tôi cố gắng khai thác những khía cạnh khác nhau, đa dạng về hình thể của nó theo suy nghĩ của bản thân để tạo hình. Nếu bê con chuột thực, với những động tác thực, sống sượng của nó vào tác phẩm, e rằng không hấp dẫn lắm.

Ngoài sự đa dạng về hình thể của hình tượng con chuột, Thái Nhật Minh dùng màu sắc mang tính chất truyền thống, gần với hương vị Tết, không gian tết của người Việt.
Ngoài sự đa dạng về hình thể của tượng chuột, Thái Nhật Minh còn dùng màu sắc mang tính chất truyền thống, gần với hương vị Tết, không gian tết của người Việt


* So với hình tượng con giáp khác, hình tượng này có thách thức ra sao?

- Trên thế giới, người ta đã khai thác rất thành công hình tượng con chuột, ví dụ như Mickey, Remy hay chuột đầu bếp, chuột thám tử… Tuy nhiên, ở Việt Nam lại hiếm hoi. Ngoài hai bức tranh Đông Hồ, các dòng tranh dân gian khác gần như không chạm đến đề tài con chuột. Tôi nghĩ, có lẽ vì tính trang trí của nó ít.

Trong bộ sưu tập của cá nhân, ngoài sự đa dạng về hình thể của hình tượng con chuột, tôi dùng màu sắc mang tính chất truyền thống, tươi, gần với hương vị Tết, không gian tết của người Việt như màu xanh lá của bánh chưng, màu hồng của hoa đào, màu đỏ của câu đối, màu vàng của hoa mai… Qua đó, gửi gắm màu sắc của mùa xuân đến cho mọi người.

* Chất liệu truyền thống của điêu khắc thường là kim loại, đá… thế nhưng Thái Nhật Minh lại chọn giấy. Chất liệu này giúp anh truyền tải thông điệp như thế nào?

- Với những chất liệu truyền thống của điêu khắc như kim loại, đá,… đều phải trải qua một quá trình gián tiếp. Khi làm xong mẫu, mẫu đó chưa phải là một tác phẩm hoàn chỉnh mà còn rất nhiều công đoạn nữa, đi cùng với đó, cảm xúc người nghệ sĩ cũng dài hơi hơn, ngắt quãng qua các công đoạn. Tuy nhiên, với chất liệu giấy, làm đến đâu xong đến đó, cảm xúc người nghệ sĩ được biểu hiện một cách trực tiếp, mạnh mẽ và gần như lưu lại hết trên tác phẩm của mình.

Mặt khác, bên cạnh sự chủ động và tự do về mặt tạo hình, chất liệu này còn cho phép nghệ sĩ sử dụng màu sắc rất đa dạng trên đó. Nếu để ý sẽ thấy, màu sắc được sử dụng trong thể loại điêu khắc khá hạn chế, chủ yếu tông trầm, việc sử dụng màu sắc sặc sỡ, hoặc tươi dễ bị mất khối, hoặc gây cảm giác bị “nhựa hóa”. Thế nhưng, việc sử dụng những tông màu sặc sỡ trên giấy lại cho một kết quả rất êm, đằm thắm, lại mộc. Màu sắc trộn với giấy, được biểu hiện qua giấy rất thâm trầm, không bị bóng loáng, hời hợt giống như phương pháp sơn phủ như chất liệu khác.

Tất nhiên, mỗi một chất liệu đều có một sự thú vị riêng, người nghệ sĩ phải sử dụng đúng công việc, đúng đề tài mới phát huy được tác dụng của nó. Đôi khi, có những đề tài, phải sử dụng kim loại mới hay. Người sáng tạo phải dựa vào tiếng nói của mỗi một chất liệu để xử lí. Chẳng hạn, với bộ sưu tập “Chuột Tết” này, nếu tôi sử dụng kim loại thì thường quá, không thể hiện được không khí mùa xuân mà tôi muốn gửi gắm thông qua hình tượng con chuột.

* Cảm ơn chia sẻ của anh. Chúc anh một năm mới nhiều sáng tạo.

Xem thêm bộ sưu tập "Chuột Tết" của nghệ sĩ Thái Nhật Minh:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI