‘Đám cưới chuột’: Chuyện xưa nói chuyện nay

26/01/2020 - 17:42

PNO - Qua hơn 500 năm, bức tranh nổi tiếng này vẫn được nhắc nhớ như dấu ấn vàng son của dòng tranh truyền thống Việt Nam. Câu chuyện ngày xưa chưa bao giờ cũ trong xã hội hiện đại.

Năm Canh Tý đến gần, bức tranh Đám cưới chuột lại được nhắc nhớ. Chuột - con vật đứng đầu 12 con giáp, biểu trưng cho sự thông minh, nhanh nhẹn, sung túc, thịnh vượng. Nhưng hình tượng chuột được mang vào tranh dân gian không chỉ có thế. Ở cả hai dòng tranh dân gian nổi tiếng bậc nhất Việt Nam: Đông Hồ và Hàng Trống đều có tác phẩm này.                  

Tranh Đám cưới chuột của làng tranh Đông Hồ có tuổi đời hơn 500 năm, được thực hiện trên nền giấy dó. Những gam màu tươi tắn như vàng, xanh, đỏ được sử dụng chủ đạo mang đến không khí tươi vui, tưng bừng, rộn rã cho những ngày đầu năm mới.

Bố cục tranh được chia làm hai phần. Bên dưới là cảnh một đàn chuột đang rước dâu với lộng, kiệu hoa linh đình. Bên trên là những chú chuột phải mang cá, chim để cống nạp cho một con mèo béo tốt. Phía sau là 2 con chuột thổi kèn nhưng vẫn rất khép nép. Tất cả được đặt trên nền tranh có gam màu vàng nhạt tươi tắn, nhã nhặn. 

Tranh Đám cưới chuột cùa dòng tranh Đông Hồ
Tranh Đám cưới chuột của dòng tranh Đông Hồ

Tranh Hàng Trống cũng khắc họa hình ảnh một đám cưới chuột tương tự nhưng với màu sắc nhã nhặn hơn. Đường nét trên tranh thanh mảnh hơn so với tranh Đông Hồ. Trong đó, những chi tiết trang trí ở yên ngựa, kiệu hoa lại được thể hiện cầu kỳ, chi tiết hơn. 

Ngoài hình ảnh, hai bức tranh cũng có những dòng chữ Hán, Nôm nhằm phục vụ thêm về mặt ý nghĩa cho tranh. Trong cuốn Nghệ thuật thư hoạ tranh dân gian Việt Nam, Nguyễn Xuân Diện viết: “Thư làm cho hoạ được sâu sắc hơn, thú vị hơn. Hoạ làm cho thư sinh động hơn, rực rỡ hơn. Cả hoạ và thư đồng hiện giúp khắc vào tâm trí người Việt những giá trị tốt đẹp, truyền tải những thông điệp vượt thời gian của cha ông”.

Những bức hoạ đầy màu sắc cùng hình khối vui nhộn mang đến không khí tưng bừng, rộn rã cho ngày đầu năm mới. Thế nhưng, mượn hình ngụ ý, với bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, ông bà ta đã khéo lồng vào đó những hàm ý mang đậm hơi thở của thời cuộc. Họ không thể thẳng thắn chỉ trích, phê phán xã hội đương thời, thay vào đó dưới góc nhìn nghệ thuật, mọi thứ được truyền tụng trong nhân gian lại dễ dàng hơn.

Làm sao có chuyện chuột cưới vợ, rước dâu? Thực chất đó là hiện thân của con người trong xã hội đương thời. Chuột, mèo vốn đại diện cho hai thái cực đối lập nhau trong cuộc sống, thường mang ý nghĩa triệt tiêu. Để ngày vui được tròn vẹn, chuột đã phải cống nạp cho mèo, như ngụ ý trước thói tham ô, nhũng nhiễu của quan lại đương thời. 

Tác phẩm có tên gọi tương tự của dòng tranh Hàng Trống
Tác phẩm có tên gọi tương tự của dòng tranh Hàng Trống

Nhưng, đó không phải là “đặc sản” của riêng thời phong kiến. Căn bệnh xuất phát từ quyền lực đó đã được kê toa trong hàng trăm năm qua, nhưng dường như vẫn chưa có thuốc chữa. Cả trong xã hội ngày nay vẫn đầy rẫy những sự nhiễu nhương như thế.

2019 vừa khép lại, trong năm, không ít vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử. Trong đó, những gương mặt đứng trước vành móng ngựa đều là quan to chức lớn. Đó không còn là chuyện con cá, con chim trong tranh để chuột đút lót cho mèo, mà là những số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, bằng thu nhập của một người công nhân tích cóp hàng trăm năm làm lụng, nhưng có ai trên đời sống được đến ngần ấy năm...

Từ Đám cưới chuột, một nhà thơ đã viết: “Khôn khổn khồn khôn đã có đuôi/ Đỗ cao, cưới vợ tiếng rầm trời/ Chú mèo vừa mới vênh đầu ngõ/ Lễ cả sai quân đệ tới nơi”. Thế mới thấy, sự thông minh phải xếp sau uy quyền, thế lực. Mà chính trong xã hội xưa, có lúc quyền lực đó hoàn toàn có thể mua được bằng tiền. Người đứng đầu là những kẻ dốt nát. Còn ngày nay, có lẽ, cũng không ít lần người ta phải thở dài trước thực trạng đáng buồn đó.

Thế mới thấy, tranh không chỉ có chuyện chuột - mèo nhì nhằng bao đời qua, mà còn là những vui buồn trộn lẫn vào nhau trong chính xã hội đương thời hay ở thì hiện tại.

Đầu năm mới, nhớ về Đám cưới chuột, hồi tưởng về những giá trị truyền thống của dân tộc Việt, vừa nghĩ đến sự đời lắm lúc lại buồn lắm thay...

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI