Ngân hàng Thế giới: Đại dịch là “cơn bão hoàn hảo” cho Nam Á

12/04/2020 - 17:09

PNO - Ngày 12/4, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Nam Á đang có thành tích kinh tế tồi tệ nhất trong 40 năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sau nhiều thập kỷ có nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy Nam Á chịu ảnh hưởng kinh tế khủng khiếp sau việc ban hành lệnh phong tỏa trên diện rộng khiến các hoạt động kinh doanh, đi lại, các đơn đặt hàng từ doanh nghiệp phương Tây bị hủy bỏ, kéo theo sự thất nghiệp của vô số công nhân thu nhập thấp.

“Nam Á cho thấy mình đang trong một "cơn bão hoàn hảo" của những tác động bất lợi. Du lịch cạn kiệt, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, nhu cầu các hàng may mặc bị sụp đổ cũng như tâm lý người tiêu dùng và các nhà đầu tư đang dần xấu đi”, báo cáo của WB cho biết.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến dự báo tăng trưởng của khu vực giảm đáng kể, xuống còn 1,8-2,8% so với dự báo trước đó là 6,3%. Ít nhất một nửa các quốc gia Nam Á rơi vào tình trạng “suy thoái sâu”.

Các quốc gia Nam Á chịu tổn thất nặng nề về kinh tế do dịch COVID-19.
Các quốc gia Nam Á chịu tổn thất nặng nề về kinh tế do dịch COVID-19

Theo WB, Maldives là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi kinh tế nước này phụ thuộc phần lớn vào du lịch.

Ngoài Maldives, Ấn Độ cũng thiệt hại không kém khi năm tài chính (khoảng thời gian dùng cho công tác kế hoạch ngân sách của quốc gia) nước này bắt đầu từ ngày 1/4, dự đoán chỉ đạt mức tăng trưởng 1,5-2,8% trong năm 2020, giảm so với mức tăng 4,8-5,0% dự kiến ban đầu.

Cho đến nay Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Afghanistan và các quốc gia khác, có quy mô dân số hơn 1,8 tỷ người, vẫn báo cáo tương đối ít các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhưng các chuyên gia lo ngại những nơi này có nguy cơ trở thành các điểm nóng tiếp theo của dịch bệnh.

WB cũng cảnh báo dịch bệnh sẽ khiến tình trạng bất bình đẳng gia tăng tại Nam Á, khi những người lao động không chính thức sẽ bị hạn chế hoặc không được tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe. Điển hình ở Ấn Độ, việc phong tỏa toàn quốc đã khiến hàng trăm ngàn công nhân nhập cư phải bỏ các đô thị lớn trở về quê nhà, sau khi không kiếm được việc làm.

Chính phủ các nước cần "tăng cường hành động để hạn chế tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, bảo vệ người dân của họ, đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, tạo tiền đề giúp nền kinh tế hồi phục nhanh chóng", WB cho biết.

Hiện tại, WB đang thực hiện “hành động nhanh, rộng” triển khai tới 160 tỷ đô la hỗ trợ tài chính trong 15 tháng, giúp đỡ các quốc gia bảo vệ người nghèo và những người dễ chịu tổn thương nhất trong đại dịch, các doanh nghiệp và tăng cường phục hồi kinh tế.

Chung Thu Hương (theo France24)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI