Nga, Trung Quốc, Triều Tiên phản ứng về động thái thử tên lửa của Mỹ

23/08/2019 - 10:00

PNO - Hãng tin Reuters cho hay, ngày 22/8, Nga và Trung Quốc đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp ngay sau các tuyên bố của quan chức Hoa Kỳ về kế hoạch phát triển và triển khai tên lửa tầm trung mới nhất.

Moskva và Bắc Kinh muốn triệu tập 15 thành viên hội đồng với chương trình nghị sự bàn về “các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.

Nga, Trung Quoc, Trieu Tien phan ung  ve dong thai thu ten lua cua My
Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo vụ thử tên lửa mới của Hoa Kỳ và cam đoan sẽ phản ứng - Ảnh: AP

Thứ Hai ngày 19/8, Lầu Năm Góc xác nhận đã thử nghiệm một tên lửa hành trình được cấu hình đánh trúng mục tiêu sau khi bay xa hơn 500km. Tên lửa này là phiên bản Tomahawk của hải quân được điều chỉnh để phóng từ mặt đất. Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên của Hoa Kỳ kể từ khi họ rút khỏi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (gọi tắt là INF) được ký sau thời chiến tranh lạnh.

Trả lời câu hỏi của kênh Fox News hôm 21/8, rằng liệu cuộc thử tên lửa là nhằm gửi “thông điệp” tới Nga, Trung Quốc hay Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper nói mối quan tâm chính là Trung Quốc. “Chúng tôi muốn bảo đảm việc ngăn chặn hành vi xấu của Trung Quốc bằng cách xây dựng cho mình khả năng có thể tấn công ở phạm vi vũ khí tầm trung”, ông nói.

Esper cho biết trong chuyến thăm Úc trong tháng Tám, ông đã ủng hộ việc sớm triển khai hệ thống tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất ở châu Á.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố hôm 20/8, rằng cuộc thử nghiệm tên lửa cho thấy Hoa Kỳ đang tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang và đối đầu mới. Điều này, theo Bắc Kinh, sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến an ninh khu vực và toàn cầu.

Tương tự, Triều Tiên lên tiếng cho rằng cuộc thử nghiệm của Mỹ cùng kế hoạch triển khai chiến đấu cơ F-35 và các thiết bị quân sự quanh bán đảo Triều Tiên là động thái nguy hiểm. Điều đó sẽ phát động một cuộc chiến tranh lạnh mới ở khu vực.

Về phản ứng của Nga, theo AP, phát biểu họp báo sau cuộc gặp Tổng thống Cộng hòa Phần Lan Sauli Niinisto tại Helsinki ngày 21/8, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo vụ thử tên lửa mới của Hoa Kỳ cho thấy mối đe dọa mới đối với Nga và cam đoan sẽ phản ứng.

Hiệp ước INF năm 1987 cấm Hoa Kỳ và Nga phát triển tên lửa hành trình đất đối đất trong tầm bắn 310-6.300km, hòng giảm khả năng khởi động một cuộc tấn công hạt nhân. Trung Quốc không phải là một bên tham gia hiệp ước và hiện có một kho tên lửa tầm trung lớn trên đất liền. Washington đã chính thức rút khỏi hiệp ước vào tháng 10/2018 sau khi xác định Moskva vi phạm, một cáo buộc mà dĩ nhiên Kremlin luôn bác bỏ. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI