Mỹ muốn triển khai tên lửa thông thường tầm trung ở khu vực Thái Bình Dương

22/08/2019 - 06:48

PNO - Quân đội Mỹ vừa tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất. Sau cuộc thử nghiệm, Mỹ cho biết muốn triển khai tên lửa thông thường tầm trung ở khu vực Thái Bình Dương

Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ vừa tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, ngoài khơi bờ biển phía tây nước này. Trước đây, những vụ thử tên lửa tương tự đều bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Liên Xô.

My muon trien khai ten lua thong thuong tam trung o khu vuc Thai Binh Duong
Mỹ thử nghiệm vũ khí chiến lược tầm trung

Cuộc thử nghiệm được thực hiện trên đảo San Nicolas, California. Lầu Năm Góc cho biết thêm: "Tên lửa thử nghiệm rời khỏi bệ phóng di động trên mặt đất và tấn công chính xác vào mục tiêu sau hơn 500km bay". Các quan chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, tên lửa được thiết kế để mang trọng tải thông thường chứ không phải là vũ khí hạt nhân. Họ khẳng định: "Dữ liệu được thu thập và bài học rút ra từ cuộc thử nghiệm này sẽ giúp thông báo cho Bộ Quốc phòng Mỹ về khả năng tấn công tầm trung trong tương lai".

Hiệp ước INF 1987, với chữ ký của Tổng thống Ronald Reagan (Mỹ) và Mikhail Gorbachev (Liên Xô), yêu cầu phá hủy hoàn toàn một số loại vũ khí cụ thể, cấm vũ khí tầm trung, tên lửa trên mặt đất có khả năng mang vũ khí hạt nhân với tầm hoạt động từ 500 - 5.500km. Sau khi hiệp ước được ký kết, Mỹ và Nga đã tháo dỡ hơn 2.600 tên lửa.

Mỹ rút khỏi INF với Moscow hồi đầu tháng này, sau nhiều năm cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, thông qua việc triển khai tên lửa SSC-8 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Đồng thời, Mỹ dẫn chứng nguồn tin tình báo, nói Nga đã sản xuất và triển khai nhiều tiểu đoàn tên lửa hành trình phóng từ mặt đất mang tên Novator 9M729, đặt tại một số khu vực phía tây nước Nga, có khả năng tấn công các mục tiêu ở châu Âu với phạm vi ước tính dưới 2.600km.

Nếu Mỹ phát triển đầy đủ hệ thống tên lửa hành trình di động phóng từ mặt đất, một câu hỏi quan trọng chưa được giải quyết là Washington sẽ triển khai loại vũ khí này ở đâu. Tuyên bố sau khi Mỹ rút khỏi INF, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Mark Esper - nói, ông muốn triển khai tên lửa thông thường tầm trung ở khu vực Thái Bình Dương, tốt nhất là trong vòng “vài tháng”, dù ông cho là sẽ mất một thời gian để phát triển loại tên lửa đất đối đất tiên tiến hơn.

Một số ước tính của Lầu Năm Góc cho thấy, tên lửa hành trình bay thấp, với tầm bắn tiềm năng khoảng 1.000km, có thể sẵn sàng cho việc triển khai trong vòng 18 tháng. Còn loại tên lửa đạn đạo với tầm bắn trong khoảng 3.000 - 4.000km có thể cần đến 5 năm trở lên để triển khai. Dù vậy, Lầu Năm Góc cho biết, không mẫu tên lửa nào được thiết kế để trở thành vũ khí hạt nhân.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI