Nặng lòng thương nhớ chiến khu

01/05/2022 - 07:26

PNO - Cho chúng tôi xem bộ sưu tập… bằng khen của nhiều đơn vị, tỉnh, thành vì công tác thiện nguyện xây cầu, mở đường khắp nơi, bà Lê Thị Kiều nói khẽ: “Còn khỏe, tôi còn làm những việc trả ơn đời thế này!”…

Ở tuổi 84, bà Lê Thị Kiều chọn sống ở tầng cao nhất trong ngôi nhà bốn tầng. Bà tươi cười giải thích: “Mỗi ngày phải vài lần lên xuống mấy chục bậc thang như vậy tui mới giãn gân cốt, khỏe người đặng trả ơn cho đời”. Căn phòng của bà giản dị, nhiều sách, bằng khen và hình ảnh của vợ chồng bà trong tháng ngày cùng hoạt động cách mạng.

Mùa xuân trên chiến khu

Bà Lê Thị Kiều trong căn phòng giản dị của mình, đọc lại tư liệu của những tháng năm hoa lửa nơi chiến khu
Bà Lê Thị Kiều trong căn phòng giản dị của mình, đọc lại tư liệu của những tháng năm hoa lửa nơi chiến khu

Bà Kiều sinh ra ở vùng Nam kỳ khởi nghĩa (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Thời niên thiếu, bà cùng các tổ chức nông hội, thanh niên, phụ nữ địa phương đi rải truyền đơn, vận động lương thực nuôi bộ đội.

Năm 1962, ở tuổi 22, bà tham gia lực lượng vũ trang, trở thành thành viên của Cơ quan Thông tin Miền, Ban Quân lực Miền thuộc Quân ủy Trung ương Miền. Đơn vị nằm sâu trong rừng Dương Minh Châu (Tây Ninh), thực hiện các nhiệm vụ về vô tuyến điện, hữu tuyến điện và giao liên các thông tin mật. 

Với ý đồ xóa sạch các cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trú đóng giữa rừng già, không ngày nào bầu trời vùng chiến khu không có máy bay địch quần thảo và B52 dội bom. Các chiến dịch của địch như Sao Mai, Junction City, Hòn đá vàng… càn quét khắp chiến khu.

“Một sáng đầu năm 1965, như thường lệ, tôi có mặt trên tổng đài thì nghe tiếng phản lực lướt đi rất nhanh. Máy bay qua vùng trời khu A, thẳng hướng về khu B. Chưa đầy 10 phút sau, chuông điện từ khu B réo vang, tôi bật công tắc nghe thì đầu dây bên kia báo bị đánh bom nhiều lắm” - bà Kiều nhớ lại trận không kích rải 1.800 tấn bom của địch. 

Ngồi ở khu A nhìn lên bầu trời, bà Kiều rơi nước mắt dõi theo từng tốp máy bay và từng đợt bom dội xuống. Tiếng nổ vang rền. Mỗi trận “rải thảm” của địch là một lần biết căn cứ bị phát hiện, các đơn vị phải lập tức di chuyển đi tìm căn cứ mới, có lúc sang tận biên giới Campuchia rồi lại trở vào rừng sâu. Dưới mưa bom, công việc trực tổng đài và lan tỏa các đường dây hữu tuyến của bà Kiều cùng đồng đội gặp khó khăn.

Bà kể: “Công tác kéo dây, đào đất, chôn lấp, ngụy trang phục vụ cho các chiến dịch của quân ta khó tránh khỏi thương vong. Mỗi lần ai rời chiến hào đi làm nhiệm vụ đều ngoảnh lại nhìn khắp đồng đội như thể ngầm chia tay nhau lần cuối”.

Từ năm 1972, lực lượng cách mạng phát triển nhanh về quân số, khí tài. Mạng lưới thông tin cũng vươn dài theo mặt trận, đảm bảo phục vụ chỉ huy, chỉ đạo tác chiến khắp chiến trường miền Nam. Bà Kiều cũng bận rộn với công tác đánh máy, vận tải, văn thư, phụ bếp, tăng gia sản xuất. Cuối năm 1973, địch rơi vào tình thế bị động đối phó khắp nơi. Trước sự phản công của lực lượng cách mạng, địch lùi xa chiến khu, Bệnh xá K30b cách Cơ quan Thông tin Miền chừng 6km cũng nhiều bệnh nhân hơn. Lúc này, bà Kiều được bổ nhiệm làm chính trị viên phó đại đội phục vụ Bệnh xá K30b. 

Tháng 3/1975, tình hình chiến sự dữ dội. Ngày ngày, từng đoàn quân kéo nhau “xuống đường”, khí thế hào hùng khắp chiến khu. Từ đầu tháng 4/1975, vùng giải phóng mở rộng, ở chiến khu, tất cả đều nôn nóng nhận lệnh “xuống đường”. Hơn 200 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh xá K30b liên tục xin ra viện sớm để trở về đơn vị góp sức trong giai đoạn quan trọng.

Ngày 28, 29/4/1975, đài phát thanh đưa tin cánh quân chủ lực của ta đã tiến vào Xuân Lộc. Lúc này, chiến khu đã hoàn toàn bặt tiếng phản lực gầm rú. Hậu cứ không còn đông đúc. Quanh quẩn bên chiếc radio nghe tin từ mặt trận, ai nấy đều rạng rỡ, hồi hộp, nhấp nhỏm.

11 giờ 30 phút ngày 30/4, đài phát thanh thông báo Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tiếp đến, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. “Sự đè nén bao lâu nay òa vỡ. Chiến khu như đón mùa xuân, mọi người bật dậy, nhảy múa mừng vui dậy cả một góc trời” - bà Kiều nhớ lại.

Những ngày sau đó, ai cũng trong tâm thế sẵn sàng chờ lệnh hành quân, nôn nao ngóng ngày bước thênh thang trên từng tấc đất của Tổ quốc. Bệnh xá K30b vắng bệnh nhân, chờ lệnh chuyển về khu vực Sóng Thần (Bình Dương). Bà Kiều được về trước để tiếp nhận địa điểm mới cho bệnh xá.

Bà nhớ lại: “Đi đến đâu lòng dạ phấn khởi đến đó, cảm giác rất khó tả. Giấc mơ “có một ngày độc lập, tự do” sau bao nhiêu năm đã thành hiện thực. Cờ hoa rực rỡ khắp đường, nhà; gương mặt ai cũng hớn hở hạnh phúc”.

Món nợ với người dân Tà Băng

Di ảnh ông Nguyễn Phong Vân
Di ảnh ông Nguyễn Phong Vân

“Thời trẻ thì hết lòng phục vụ cách mạng, chỉ một quyết tâm giành độc lập. Bây giờ, ở tuổi già, tôi thường hoài niệm quá khứ để thấy mình cần làm gì hôm nay” - bà Kiều rưng rưng nhớ về những nỗi niềm riêng trong tháng ngày trên chiến khu. Ở đó, bà đã có một tình yêu sâu đậm, gian khổ với ông Nguyễn Phong Vân - Thủ phó của Cơ quan Thông tin Miền.

“Thoạt đầu, tôi không để tâm ông ấy do ông thiếu gần gũi với mọi người” - bà Kiều bật cười. Trong ký ức của bà, thuở ấy, ông là người ít nói, đã có “đối tượng” để theo đuổi - chính là… máy móc, thiết bị. Lúc nào ông cũng bận rộn nghiên cứu, lắp ráp, thử nghiệm. Vậy mà một hôm, thấy bà Kiều xuống bếp chuẩn bị bữa sáng cho đơn vị, ông xuất hiện rồi nói: “Anh thương em rồi…”.

Thủ trưởng quân khu trao quyết định, bà Kiều - ông Vân chính thức trở thành vợ chồng. Năm 1963, khi mang thai đứa con đầu chừng bảy tháng tuổi, vợ chồng bà ngại sinh con trong bệnh xá, vốn dành chữa trị cho thương, bệnh binh nên đã liên hệ về sống tại một gia đình cơ sở cách mạng ở Tà Băng (Tây Ninh).

Lội bộ mất ba ngày rừng, bà Kiều được gia đình chú Sáu Hòa tiếp nhận. “Cháu cần gì cứ nói, bà con ở đây không bỏ cháu” - bà Kiều ghi khắc tấm lòng của vợ chồng ông Sáu Hòa cùng nhiều bà con khác ở Tà Băng.

Trong ký ức của bà, tấm lòng, sự chăm sóc của người Tà Băng đối với cán bộ hoạt động cách mạng như trời biển. Có món ngon, họ mang cho bà. Lo sợ bà thiếu chất, đứa trẻ sinh ra còi cọc, người dân đi đánh bắt tôm cá giúp bà cải thiện bữa ăn.

Bà Lê Thị Kiều
Bà Lê Thị Kiều

Khắc ghi lời hứa với nhau trong tình đồng đội, đồng chí khi trở thành vợ chồng, rằng “không để tình riêng cản trở công việc, chí hướng của nhau”; sau hai tháng sinh con, bà Kiều lặng lẽ ôm con trở về cứ điểm cách mạng, không thông báo vì sợ nặng gánh cho chồng. Đường sá hiểm trở, trèo đèo lội suối khiến bà bị băng huyết và sa tử cung khi trở lại đơn vị. Một lần nữa, vợ chồng bà gửi thư cầu cứu chú thím Sáu Hòa. Đơn thuốc được gửi lên đơn vị giúp bà qua cửa tử.

Chiến tranh ác liệt, núi non ngăn cách, như nhiều đồng đội, bà Kiều mấy bận đối diện với sống - chết dưới làn bom đạn và chứng sốt rét kinh hoàng. Đứa con thứ hai chào đời, vợ chồng bà cũng gửi lại cho núi rừng trong một trận cậu bé lâm trọng bệnh.

Từ năm 1972, ông Phong Vân bận bịu với các chiến dịch và lan tỏa mạng thông tin liên lạc giúp chỉ huy tác chiến. Những ngày tháng Tư lịch sử, ông cũng được lệnh theo một cánh quân đánh vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, sau đó cùng lực lượng giải phóng tiếp quản Sài Gòn. Ngày 12/5, vợ chồng bà mới đoàn tụ.

Bà Kiều bồi hồi: “Trong chiến tranh, ông ấy là đồng đội, sếp của tôi, mọi mệnh lệnh đều vì cái chung. Hòa bình rồi, ông ít khi “ra lệnh” cho tôi, mọi chuyện hầu như để vợ tự quyết. Chúng tôi chưa một lần cãi nhau vì bất đồng cho đến ngày ông mất (năm 2009) sau một thời gian chống chọi với ung thư gan”.

Bà Kiều cho hay, những tháng ngày ông Phong Vân còn sống, vợ chồng bà đã mấy lần trở lại chiến khu xưa tìm hài cốt đồng đội, thăm những người còn sống. Nhưng, có một nỗi buồn cứ trĩu nặng trong lòng vợ chồng bà, chính là ngày trở lại thăm người dân Tà Băng, ông bà mới hay chú thím Sáu Hòa đã qua đời.

“Người nặng ơn không còn, chúng tôi chỉ biết trong khả năng mình làm bất cứ điều gì để trả ơn cho đời, cũng qua đó, trả ơn tấm lòng chú thím Sáu” - bà Kiều nói. Cho chúng tôi xem bộ sưu tập… bằng khen của nhiều đơn vị, tỉnh, thành vì công tác thiện nguyện xây cầu, mở đường khắp nơi, bà Kiều nói khẽ: “Còn khỏe, tôi còn làm những việc trả ơn đời thế này!”… 

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI