Mỹ thiếu thuốc điều trị ung thư?

28/06/2023 - 16:55

PNO - Sự cố gián đoạn sản xuất tại một nhà máy dược phẩm ở Ấn Độ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc hóa trị cisplatin ở Hoa Kỳ.

 

Công ty dược phẩm đa quốc gia Intas Pharmaceuticals của Ấn Độ điều hành nhà máy Intas, nơi cung cấp gần 50% số thuốc hóa trị cisplatin cho người dân Mỹ – Ảnh: Getty Images
Công ty dược phẩm đa quốc gia Intas Pharmaceuticals của Ấn Độ điều hành nhà máy Intas, nơi cung cấp gần 50% số thuốc hóa trị cisplatin cho người dân Mỹ – Ảnh: Getty Images

Gần 50% nguồn cung thuốc cisplatin cho người dân Mỹ đến từ một nhà máy dược phẩm của công ty đa quốc gia Intas Pharmaceuticals có trụ sở ở Ấn Độ.

Sự việc nhà máy này tạm ngừng sản xuất đã dẫn tới cuộc khủng hoảng thiếu thuốc hóa trị ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo bài báo của Washington Post ngày 27/6.

Cisplatin là hóa chất gây độc tế bào, được sử dụng để điều trị nhiều bệnh ung thư, từ ung thư tinh hoàn, buồng trứng, cổ tử cung, vú, bàng quang đến ung thư thực quản, phổi, u não và nhiều bệnh khác.

Xuất xứ của các loại thuốc là vấn đề ít được nhắc đến ngay cả với những bệnh nhân ung thư ở Mỹ, cho đến khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) kiểm tra nhà máy Intas vào tháng 11 năm ngoái. Các thanh tra viên đã phát hiện ra một loạt “thất bại” trong việc đảm bảo chất lượng thuốc.

Từ đó, nhà máy Intas đã tạm ngừng sản xuất để giải quyết các vấn đề trên, dẫn tới tình trạng thiếu hụt cisplatin. Các bác sĩ chuyên khoa ung thư ở Mỹ giờ phải tranh giành nguồn cung thuốc, hoặc tìm phương pháp điều trị thay thế, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn bệnh nhân.

Đây mới chỉ là trường hợp mới nhất về một loại thuốc đột nhiên khó mua ở Hoa Kỳ, nơi người tiêu dùng vốn đã phải xoay xở tìm nhiều thứ, từ paracetamol dành cho trẻ em đến thuốc kháng sinh và điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý.

Nguồn tin của Washington Post, đại diện của Hiệp hội Thuốc gốc Hoa Kỳ (AAM) cho biết, có nhiều lý do, bao gồm sự cố ở nhà máy Intas, dẫn đến bức tranh chung của tình trạng thiếu hụt dược phẩm ở Hoa Kỳ.

Nguồn tin nói trên giải thích, thuốc gốc (generic), tức bản sao rẻ hơn của biệt dược gốc, giúp kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe, vốn chiếm tới 90% chi phí đơn thuốc ở Hoa Kỳ. Sự cạnh tranh ngày càng tăng làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp, khiến họ có ít động lực để bảo dưỡng và nâng cấp dây chuyền sản xuất, vốn đã bị vắt kiệt công suất.

Tình trạng trên dẫn tới chuỗi cung ứng thuốc mong manh cho người dân Mỹ, với sự gián đoạn tại một nhà máy cách gần nửa vòng trái đất có thể gây ra tình trạng thiếu thuốc trên diện rộng ở xứ sở cờ hoa.

Không chỉ Intas Pharmaceuticals, còn có 4 công ty khác cũng sản xuất cisplatin đã báo cáo tình trạng thiếu thuốc cho FDA, lý do “nhu cầu gia tăng”. Sự thiếu hụt này dẫn tới phản ứng dây chuyền là sự thiếu hụt khác, thuốc carboplatin, cũng là thuốc hóa trị dùng để chữa nhiều bệnh ung thư, có thể thay thế cho cisplatin và cũng được sản xuất tại cùng nhà máy Intas.

Một trong các nạn nhân của chuỗi biến động, bà Anne Ingebretsen - 63 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng vào tháng 4 vừa qua - cho biết, ban đầu bà được chỉ định dùng carboplatin để hóa trị, nhưng tình trạng thiếu hụt thuốc này buộc bà phải chấp nhận phương án điều trị khác. Nữ bệnh nhân chia sẻ: “Cảm giác như bị đánh bồi vậy”.

Liên quan đến thông tin trên, CEO Robert Carlson của Mạng lưới Trung tâm Ung thư Hoa Kỳ (CNNC) cho biết, trong tháng 5 vừa qua, 27 cơ sở thành viên của họ đều thông báo tình trạng thiếu cisplatin hoặc carboplatin, từ 70 đến 93%. Ông Carlson nhận định: “Vụ này tác động lớn hơn nhiều so với bất cứ lần thiếu thuốc điều trị ung thư nào trong quá khứ”.

FDA đã cam kết sẽ giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, giải pháp tạm thời là nhập khẩu cisplatin từ một nhà cung cấp ở Trung Quốc. Cơ quan này vẫn còn 14 loại thuốc điều trị ung thư trong danh sách thiếu hụt.

 

Trường An (theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI