Mỹ: Thế hệ Z có xu hướng nói “không” với ứng dụng xã hội

19/04/2022 - 18:33

PNO - Ngày càng có nhiều người trẻ ở Mỹ nhận ra họ đang bị “nghiện” các nền tảng xã hội một cách vô lý và đã quyết tâm từ bỏ chúng để làm chủ thời gian và công việc của mình.

Theo một cuộc khảo sát gần đây do ngân hàng đầu tư Piper Sandler thực hiện, chỉ 22% số người trong độ tuổi 7-22 cho biết Instagram - nền tảng chia sẻ hình ảnh phổ biến của Meta - là ứng dụng yêu thích của họ, giảm so với tỷ lệ 31% vào đầu năm 2020.

Ngày càng có nhiều người trẻ xóa các ứng dụng mạng xã hội vì chúng chiếm thời gian
Ngày càng có nhiều người trẻ xóa các ứng dụng mạng xã hội vì chúng chiếm thời gian

“Khi xóa ứng dụng này đi, bạn sẽ nhận ra rằng mình thật sự không cần nó”, Gabriella Steinerman, 20 tuổi, chia sẻ với tờ The New York Post (NYP).

Là một sinh viên chuyên ngành kinh tế học, Steinerman đã gỡ bỏ cả ứng dụng Instagram và TikTok ra khỏi các thiết bị của mình vào năm 2019, và cho biết cô “lập tức cảm thấy nhẹ nhõm sau đó”.

“Khi tôi đăng một bức ảnh, tất nhiên tôi muốn đăng bức ảnh đẹp nhất mà tôi có, với góc chụp đẹp nhất, và tôi đã phải chọn đi chọn lại trong số 20 bức ảnh khác nhau của mình về cùng một chủ đề. Điều này chẳng khác gì tôi đang so sánh bản thân với chính mình, và chẳng có gì vui thú cả.

Tôi có thể nói rằng đó là một chuyện rất mất thời gian và có hại, nhưng nó vẫn “âm thầm” trở thành một chuyện bình thường, khiến bạn khó nhận ra mình đang “nghiện” một trò chơi vô nghĩa”, nữ sinh viên lập luận.

Theo một bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal (WSJ) vào năm ngoái, Facebook phát hiện ra rằng Instagram có hại cho em gái tuổi vị thành niên, khiến các em luôn cảm thấy lo lắng về ngoại hình của mình, đến mức trầm cảm. Tuy nhiên, WSJ cho rằng Facebook đã không thực sự xem trọng vấn đề này.

Pat Hamrick, một chàng trai 22 tuổi, hiện đang sống ở bang Pennsylvania (Mỹ), cũng đã từ bỏ Instagram và Facebook 2 năm trước, khi cảm thấy bản thân mình bị cuốn vào sự so sánh bản thân với những người khác.

“Mạng xã hội đã khiến tôi trở nên vô thức khi so sánh mình với những người khác, và điều đó thực sự đã ăn sâu vào tôi. Tôi tự hỏi bản thân, liệu mình có đang làm điều đúng đắn không, và liệu tôi có đang theo đuổi một thú vui thích hợp không”, Hamrick chia sẻ.

Cuối cùng, Hamrick đã quyết định tránh xa Instagram vì sức khỏe tinh thần của mình. “Tôi nhận thấy tâm trạng của mình có sự cải thiện đáng kể khi rời bỏ Instagram. Tôi cảm thấy cuộc sống hàng ngày của mình tốt hơn, và tôi có thể tập trung vào công việc của mình, theo cách của tôi”, Hamrick cho biết.

The một cuộc khảo sát do Tallo - một dịch vụ tư vấn và tuyển dụng nhân sự - thực hiện vào tháng 12/2021, 56% những người thuộc thế hệ Z (những người sinh ra trong giai đoạn cuối thập niên 1990 đến năm 2010), cho biết “mạng xã hội đã khiến họ bị tụt hậu các đồng nghiệp của mình”.

Đó cũng là lý khiến Olivia Eriksson - một sinh viên kỹ thuật hóa học ở Columbia, 21 tuổi - có “cảm xúc lẫn lộn” về việc sử dụng các ứng dụng tương tác xã hội.

“Tôi nghĩ mọi người thường phải dành nhiều thời gian để đăng bài trên Instagram. Điều này đôi khi có thể rất thú vị, nhưng cũng có lúc tôi tự hỏi mục đích của tất cả những việc này là gì?” Eriksson chia sẻ, và cho biết cô đã nhiều lần tải về rồi lại xóa đi ứng dụng Instagram trong vòng nửa năm qua.

Cũng theo khảo sát của Tallo, hầu hết những người thuộc thế hệ Z cho biết thích ứng dụng TikTok hơn Instagram, trong đó 34% nói rằng đang sử dụng Tiktok như một nền tảng xã hội chính.

Tuy nhiên, theo NYP, ngay cả những người dùng thường xuyên nhất của TikTok cũng đôi lúc tự đặt ra câu hỏi về hiện tượng “nghiện” chia sẻ video trên ứng dụng này.

Halle Kaufax, 23 tuổi, thú nhận rằng cô bị cuốn vào của TikTok và “không có đủ ý chí” để xóa ứng dụng này ra khỏi điện thoại của mình.

Là một diễn viên đầy tham vọng và mới tốt nghiệp đại học Đại học New York, Kuafax tin rằng việc nổi tiếng trên TikTok và có cơ hội làm đại diện cho các thương hiệu lớn có thể giúp cô phát triển sự nghiệp của mình, tuy cô cũng nhận thức rằng điều đó cũng không hoàn toàn tốt cho bản thân.

“Tôi thấy một cô gái có khoảng 3.900 người theo dõi, tức chỉ hơn tôi khoảng 1.000 người, nhận được gói hàng rất lớn do Dior gửi cho cô ấy, và làm một đoạn phim để khoe cảnh mở gói hàng này. Khi đó tôi đã có suy nghĩ: Tại sao lại là cô ấy mà không phải tôi?”, Kaufax chia sẻ.

Để thu hút người theo dõi, Kaufax đã đăng những nội dung gây cười, trong đó có các điệu nhảy TikTok và các màn trình diễn hát nhép.

Kuafax là một điển hình của những người dùng “chạy theo” các nhân vật trên các nền tảng xã hội. Theo khảo sát của Tallo, khoảng 3/4 phụ nữ trẻ cho biết mạng xã hội đã khiến họ “so sánh mình với bạn bè đồng trang lứa”.

Tim Lanten - một sinh viên 25 tuổi, đang theo học khoa kỹ thuật y sinh tại Đại học Columbia - đã từ chối tải TikTok vì cho rằng “ứng dụng này có vẻ phù hợp cho đối tượng học sinh trung học hơn, vì nó chỉ tạo ra sự chú ý trong một thời gian ngắn”.  

Nhất Nguyên (theo The New York Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI