Mỹ tăng kỷ lục số ca mắc COVID-19, châu Âu lao đao vì dịch bệnh tái bùng phát mạnh

16/10/2020 - 07:06

PNO - Tại Hoa Kỳ, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 đang gia tăng ở 44 tiểu bang, nghiêm trọng nhất là khu vực Trung Tây.

Số ca mắc mới COVID-19 tăng kỷ lục ở Trung Tây Hoa Kỳ

Bang Wisconsin và các bang khác ở Trung Tây Hoa Kỳ đang phải chống chọi với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 và số bệnh nhân nhập viện tăng kỷ lục, dấu hiệu đáng ngại dự báo cho sự bùng phát dịch trở lại trên toàn quốc khi thời tiết bắt đầu trở nên lạnh hơn.

Hơn 22.000 ca nhiễm mới virus đã được báo cáo trong ngày 15/10 trên khắp Trung Tây, xô đổ kỷ lục trước đó là hơn 20.000 ca vào ngày 9/10. Số trường hợp nhập viện cũng đạt mức cao trong ngày thứ 10 liên tiếp, một số bệnh viện đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Tại Hoa Kỳ, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục gia tăng ở 44 tiểu bang.
Tại Hoa Kỳ, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục gia tăng ở 44 tiểu bang

Riêng Wisconsin, hơn 86% số giường trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt của bang đã được sử dụng tính đến ngày 15/10. Một bệnh viện dã chiến đã mở ở ngoại ô Milwaukee, trong khi các cơ sở y tế đều quá tải. Tiến sĩ Paul Casey, Giám đốc y tế của khoa cấp cứu tại Bệnh viện Bellin ở Green Bay, Wisconsin, cho biết toàn bộ khu vực đều chứa đầy bệnh nhân COVID-19, và đội ngũ y, bác sĩ đang phải căng nguồn lực "đến mức giới hạn."

"Dịch COVID-19 sẽ trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi dự đoán nó sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 11", tiến sĩ Paul Casey nói với CNN. Hơn 1.000 ca đã nhập viện vì COVID-19 ở Wisconsin trong ngày 15/10. Bên cạnh đó, các cơ quan y tế ghi nhận mức tăng đột biến gần 25% số trường hợp nhập viện trong 7 ngày qua so với tuần trước.

Tương tự, các bang Trung Tây như Bắc Dakota và Nam Dakota, kể từ đầu tháng 10, đã báo cáo nhiều trường hợp nhiễm mới virus.

Châu Âu lao đao vì dịch COVID-19 tái bùng phát mạnh

Sau khi khống chế thành công dịch COVID-19 trong đợt bùng phát vào đầu năm 2020, 2 tháng gần đây, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 bất ngờ tăng đột biến trở lại, đạt mức chưa từng có ở Đức, Cộng hòa Séc, Ý, Tây Ban Nha và Ba Lan

Sáng 16/10 (theo giờ Việt Nam), Bộ Y tế Pháp đã báo cáo số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tăng kỷ lục trên 30.000, mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại đây. Tổng thống Emmanuel Macron đã ban hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm ở Paris và 8 thành phố lớn khác, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.

Châu Aayu tăng cường xét nghiệm COVID-19 khi số ca nhiễm mới virus tăng cao kỷ lục.
Châu Âu tăng cường xét nghiệm COVID-19 khi số ca nhiễm mới virus tăng cao kỷ lục

Bên cạnh đó, Tây Ban Nha cũng ghi nhận hơn 13.300 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, ngay lập tức chính phủ yêu cầu khu vực Catalonia (bao gồm thành phố lớn thứ hai của Tây Ban Nha là Barcelona) chuẩn bị đóng cửa các quán bar và nhà hàng trong 15 ngày, để cố gắng khống chế tốc độ lây nhiễm.

Tương tự, người dân London phải đối mặt với những lệnh giới nghiêm mới, chỉ được gặp gỡ mọi người trong nhà, hạn chế ra đường. Còn Hà Lan đã đóng cửa các quán bar và nhà hàng trong tuần này. Cộng hòa Séc và Bắc Ireland đóng cửa trường học. Ba Lan các phòng tập thể dục cũng như hồ bơi buộc phải tạm ngưng hoạt động.

Trước tình hình dịch bệnh tiến triển trầm trọng, tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực châu Âu, kêu gọi các chính phủ “không khoan nhượng” trong việc kiểm soát virus. Ông cho biết hầu hết sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 đang xảy ra bởi vì mọi người không tuân thủ các quy tắc an toàn.

WHO: Remdesivir có “ít hoặc không ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong” của bệnh nhân COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết thuốc kháng virus remdesivir có "ít hoặc không ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhập viện vì COVID-19". Đồng thời, nghiên cứu của WHO còn cho thấy remdesivir dường như không giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.

Nghiên cứu của WHO đã xem xét lại remdesivir và ba loại thuốc khác: hydroxychloroquine, lopinavir, ritonavir và interferon. Theo đó, không có loại nào giúp bệnh nhân sống lâu hơn hoặc giúp họ hồi phục nhanh hơn.

Theo văn phòng báo chí của WHO, thử nghiệm tạo ra bằng chứng thuyết phục về tác động của thuốc đối với tỷ lệ tử vong, nhu cầu thở máy và thời gian nằm viện.

Trước nghiên cứu của WHO, một nghiên cứu quy mô lớn về remdesivir ở Mỹ đã phát hiện ra rằng thuốc giúp rút ngắn thời gian phục hồi khoảng 1/3 ở những người lớn bị mắc bệnh nặng, nhập viện vì COVID-19, nhưng không giúp được gì nhiều cho những trường hợp nhẹ hơn.

Cho đến nay, remdesivir là loại thuốc duy nhất có tác dụng đặc hiệu đối với COVID-19, có giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. 

Nhà sản xuất remdesivir, Gilead, đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của CNN về nghiên cứu của WHO. 

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI