Mỹ ráo riết hoàn thiện cuộc chạy đua "quái vật biển" với Trung Quốc

11/07/2016 - 07:08

PNO - Siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ được triển khai đến điểm nóng ở châu Á nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Hải quân Trung Quốc.

Tạp chí National Interest cho biết Hải quân Mỹ đang phối hợp với nhà sản xuất hoàn thành công đoạn cuối cùng để bàn giao siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) cho Hải quân Mỹ vào tháng 9. 

Theo dự kiến, siêu tàu sân bay này sẽ chạy thử để kiểm tra khả năng vận hành vào năm 2017, sau đó trải qua “các bài kiểm tra sốc” vào năm 2019 và chính thức được đi vào hoạt động từ năm 2021. Theo lời giới chức Hải quân Mỹ, các bài kiểm tra sốc đối với USS Gerald R. Ford bao gồm việc vận hành siêu tàu sân bay này ở các điều kiện hàng hải khác nhau như tại khu vực biển động với giả định từ các vụ nổ do hỏa lực của đối phương gây ra.

Một quan chức Hải quân Mỹ cho biết, quyết định triển khai USS Ford tại các vùng biển trên thực địa cần quá trình suy nghĩ thận trọng và thấu đáo, việc này sẽ phụ thuộc vào các yêu cầu tác chiến cũng như tình hình địa chính trị an ninh vào đầu những năm 2020.

My rao riet hoan thien cuoc chay dua
Siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ sắp được tung vào Châu Á trong tương lai

“Quyết định triển khai tàu sân bay đến một địa điểm nào đó thường cần quá trình suy nghĩ và cân nhắc kỹ”, vị quan chức Hải quân Mỹ nói.

National Interest nhận định, trong bối cảnh Mỹ đang theo đuổi chính sách tái cân bằng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc hải quân nước này triển khai siêu tàu sân bay mới tới khu vực trên là điều dễ hiểu và có thể đoán trước được. 

Theo đó, sức mạnh của USS Gerald R. Ford được thiết kế như một rào cản để ngăn chặn Hải quân Trung Quốc tăng cường các hoạt động bành trướng và hung hăng của nước này tại các vùng biển như Biển Đông. Việc sở hữu siêu tàu sân bay thế hệ mới và triển khai tới châu Á - Thái Bình Dương sẽ cho phép Hải quân Mỹ tăng cường sự hiện diện của Washington trong khu vực.

Siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford được áp dụng nhiều công nghệ mới để giải quyết các mối đe dọa trong tương lai.

CVN-78 sẽ có mặt sàn rộng hơn so với các tàu trước đó, với mục đích chứa được nhiều trang thiết bị và phương tiện quân sự có khả năng phóng từ tàu sân bay này, đặc biệt là hệ thống máy bay không người lái trong tương lai. 

Bên cạnh đó, CVN-78 sẽ được trang bị máy phóng điện từ thay vì dùng hệ thống hơi nước như hiện tại, ngoài ra các công nghệ tự động và điều khiển bằng máy tính cũng sẽ được lắp đặt trên siêu tàu sân bay mới này để giảm sức lao động của thủy thủ đoàn.

Tàu sân bay Ford được lắp 4 máy phát điện với công suất 26 MW/máy. Hệ thống cung cấp điện với tổng công suất 104 MW đủ cung cấp năng lượng cho máy phóng điện từ, đặc biệt là có thể lắp vũ khí năng lượng định hướng trong tương lai.

My rao riet hoan thien cuoc chay dua
Trung Quốc gần đây đã giới thiệu tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D với biệt danh “kẻ giết tàu sân bay”.

Một chỉ huy Hải quân Mỹ từng phát biểu, khi công nghệ vũ khí laser được phát triển hoàn thiện, nó có thể thay thế cho các loại pháo, tên lửa trên sân bay để tăng khả năng phòng thủ. Hệ thống điện trên tàu sân bay Ford đủ cung cấp cho pháo laser, pháo ray điện từ để đánh chặn tên lửa của đối phương.

Nhiều chuyên gia quân sự nhận định, với việc sở hữu USS Gerald R. Ford, trong một vài năm tới, sức mạnh của Hải quân Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ được tăng cường đáng kể. Tuy nhiên, việc triển khai này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trung Quốc gần đây đã giới thiệu tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D với biệt danh “kẻ giết tàu sân bay”. Ngoài ra, Trung Quốc sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình chống hạm nguy hiểm. Giới hoạch định quân sự Mỹ đang thảo luận các kế hoạch để tăng cường vũ khí mới cho tàu sân bay, phát triển các hệ thống không người lái để giảm thiểu rủi ro cho binh lính.

Trong đó, kế hoạch bổ sung vũ khí năng lượng định hướng để tăng khả năng phòng thủ được xem là những vũ khí không thể thiếu đối với tàu sân bay trong tương lai.

Thụy Anh (Tổng hợp)

Nguồn tổng hợp
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI