Mỹ ngưng điều tra các vụ án gian lận thị thực của các nhà nghiên cứu Trung Quốc

25/07/2021 - 15:59

PNO - Tối 23/7, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã quyết định ngưng điều tra các hồ sơ liên quan đến việc cáo buộc 5 nhà nghiên cứu Trung Quốc gian lận trong việc xin thị thực để đến Mỹ. Theo cộng đồng các nhà khoa học địa phương, đây là một biểu hiện cho thấy Mỹ đã đi lùi đáng kể trong các nỗ lực ngăn chặn các hoạt động thu thập thông tin tình báo của các “gián điệp” Trung Quốc tại nước này.

Các công tố viên cho biết sẽ không tiếp tục điều tra các hồ sơ cáo buộc 5 nhà khoa học Trung Quốc, trong đó có các nhà nghiên cứu y sinh và ung thư ở bang California và 1 nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở bang Indiana.

Bộ Tư pháp Mỹ ngưng điều tra các cáo buộc gian lận visa của các nghiên cứu sinh Trung Quốc
Bộ Tư pháp Mỹ ngưng điều tra các cáo buộc gian lận visa của các nghiên cứu sinh Trung Quốc

Theo kế hoạch, Tang Juan - một trong số những nhà khoa học nói trên - sẽ bị đưa ra tòa xét xử vào ngày 26/7. Nhưng đầu tuần này, các hồ sơ của tòa án liên quan đến trường hợp của cô Tang cho thấy một số nhà phân tích của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã nghi ngờ về giá trị của các vụ án, khiến cho kế hoạch này bị ngưng lại.

Các nhà phân tích FBI cho rằng bằng chứng trong các vụ án không cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc làm giả hồ sơ xin thị thực và việc chuyển giao bất hợp pháp công nghệ của Mỹ cho Trung Quốc - mối quan tâm chính của FBI.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Mỹ đã bị bắt giữ vào tháng 7 năm ngoái trong một cuộc truy quét của FBI, được tiến hành sau khi Wang Xin - một nhà nghiên cứu khác - thừa nhận với cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã nói dối về việc đang phục vụ trong quân đội Trung Quốc để tăng thêm cơ hội được cấp thị thực đến Mỹ với mục đích hợp tác nghiên cứu.

Wang được cho là đã được cấp trên giao nhiệm vụ đem về cho Trung Quốc một số thông tin tình báo.

Vào thời điểm đó, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, đẩy quan hệ giữa 2 nước xuống mức thấp nhất trong ít nhất ba thập niên, và khiến Trung Quốc trả đũa bằng cách ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra những bằng chứng cho thấy các quan chức của lãnh sự quán Trung Quốc tại Mỹ đã giúp các nhà nghiên cứu của họ tránh sự giám sát an ninh khi đến Mỹ.

Ngay sau đó, hơn 1.000 nhà nghiên cứu có liên hệ với quân đội Trung Quốc đã rời Mỹ, các quan chức Mỹ cho biết.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, các nhà nghiên cứu Trung Quốc bị buộc tội gian lận trong việc xin thị thực đã bị kết án tối đa khoảng vài tháng tù giam, và tất cả các bị cáo đều đã bị tạm giam giữ hoặc bị áp đặt các hạn chế khác ở Mỹ kể từ khi bị bắt cách đây một năm. Vì vậy, theo bộ này, Mỹ không nhất thiết phải kéo dài điều tra vụ án và giữ các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở lại Mỹ lâu hơn nữa, và những hình phạt mà họ đã phải nhận trong thời gian kể từ khi bị bắt đã đủ tác dụng trong việc trừng phạt và răn đe.

Wyn Hornbuckle - người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ - cho biết “những diễn biến gần đây” trong các vụ án nói trên đã khiến bộ này đánh giá lại các cáo buộc. “Chúng tôi đã quyết định phóng thích họ vì công lý”, Hornbuckle nói.

Các luật sư của các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng biện minh rằng các nhà nghiên cứu này đã khai báo rõ về các tổ chức của họ tại quê nhà và xem các hợp tác nghiên cứu của họ tại Mỹ là một phần trong chương trình trao đổi kiến thức đã có truyền thống lâu năm giữa Mỹ và Trung Quốc, chứ không xuất phát từ bất cứ một âm mưu quân sự nào.

Quyết định ngưng điều tra và giải phóng cho các nhà khoa học Trung Quốc đã được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Wendy Sherman - một quan chức ngoại giao Mỹ - tới Trung Quốc để tham dự cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các quan chức cấp cao giữa hai nước sau hơn ba tháng, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang phải nỗ lực để đối đầu với Trung Quốc về các vấn đề an ninh mạng, nhân quyền và một số vấn đề khác.

Tuy nhiên, quyết định nói trên đã bị cộng đồng các nhà khoa học của Mỹ, nhất là những người Mỹ gốc Á, chỉ trích gay gắt.

“Việc các cá nhân, công ty và chính phủ Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ một cách vô lương là điều có thật. Tình trạng này đã khiến cộng đồng nhìn những người Mỹ gốc Á - những người, giống như cha mẹ tôi, đã coi Mỹ là quê hương của họ - với sự ngờ vực. Nhiều đồng nghiệp người Mỹ gốc Hoa của tôi cảm thấy rằng họ đang bị chính phủ Mỹ giám sát ngày càng chặt chẽ và vô cớ”, Steven Chu - cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ - lên tiếng tại một hội nghị bàn tròn của Quốc hội Mỹ vào tháng trước.

Nhất Nguyên (theo WSJ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI