Mỹ đóng cửa nhiều bệnh viện phụ sản ở nông thôn vì khó khăn tài chính

19/03/2023 - 15:32

PNO - Hàng loạt khoa Sản thuộc bệnh viện công ở khu vực nông thôn trên khắp nước Mỹ đã phải đóng cửa do không đủ nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động.

 

Bệnh viện Astria Toppenish hiện vẫn đang đóng cửa khoa Sản do gặp khó khăn về tài chính - Ảnh: Ruth Fremson/The New York Times
Bệnh viện Astria Toppenish hiện vẫn đang đóng cửa khoa Sản do gặp khó khăn về tài chính 

Cuối tháng 12/2022, khoa Sản bệnh viện Astria Toppenish - cơ sở y tế duy nhất ở khu vực nông thôn nơi có bộ lạc người da đỏ Yakama (tiểu bang Washington, Mỹ) sinh sống - đột ngột ngừng hoạt động mà không hề thông báo trước cho cộng đồng khiến kế hoạch sinh nở của ít nhất 35 thai phụ bị xáo trộn. 

Bệnh viện Astria Toppenish là một trong hàng loạt bệnh viện công trên khắp nước Mỹ đã ngừng cung cấp dịch vụ chăm sóc thai sản và sinh nở vì lý do “kiểm soát chi phí trong bối cảnh căng thẳng về tài chính”, ngay cả khi tỉ lệ sản phụ mắc các biến chứng nguy hiểm và tử vong tăng ở mức báo động.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội bệnh viện Mỹ (AHA), từ năm 2015 đến 2019, có ít nhất 89 đơn vị sản khoa thuộc các bệnh viện công ở khu vực nông thôn trên khắp nước Mỹ đóng cửa ngưng hoạt động. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi đến cuối năm 2022, hơn một nửa số bệnh viện cộng đồng ở nông thôn ngừng cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa cho người dân.

Tỷleej sản phụ và trở sơ sinh bị biến chứng, tử vong tăng cao ở Mỹ trong thời gian gần đây - Ảnh:
Tỉ lệ sản phụ và trẻ sơ sinh bị biến chứng, tử vong tăng cao ở Mỹ trong thời gian gần đây 

Tờ The New York Times cho biết, Mỹ là quốc gia phát triển nhưng “nguy hiểm đối với phụ nữ sinh con”, với tỉ lệ sản phụ tử vong là 23,8 trên 100.000 ca sinh nở (tương đương hơn một ca tử vong cho mỗi 5.000 ca sinh).

Các báo cáo gần đây cho thấy, vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với phụ nữ ở các cộng đồng thiểu số bởi họ có nguy cơ tử vong do các biến chứng liên quan đến thai kỳ cao gấp ba lần so với phụ nữ da trắng. Trẻ sơ sinh của nhóm phụ nữ bản địa thì có nguy cơ tử vong trong năm đầu đời cao gần gấp đôi so với trẻ sơ sinh da trắng.

Tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe bà mẹ March of Dimes đưa ra con số bảy triệu phụ nữ da màu trong độ tuổi sinh đẻ đang phải sống tại các cộng đồng “vùng trắng” bởi không có dịch vụ chăm sóc sản khoa tại bệnh viện, không có bác sĩ sản phụ khoa và y tá hộ sinh.

Tiến sĩ Katy Kozhimannil, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Nông thôn thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) cho biết, công tác điều hành một đơn vị sản phụ khoa là rất tốn kém về cả nhân lực chuyên môn, trang thiết bị, cơ sở vật chất cùng hàng loạt dịch vụ kèm theo. Đây là nguyên nhân chính của tình trạng đóng cửa hàng loạt các khoa Sản trong hệ thống bệnh viện công ở khu vực nông thôn trên khắp nước Mỹ trong suốt thời gian qua.

Nhiều sản phụ phải di chuyển một đoạn đường dài mới đến được cơ sở y tế có khoa Sản để sinh con - Ảnh: Ruth Fremson/The New York Times
Nhiều sản phụ phải di chuyển một đoạn đường dài mới đến được cơ sở y tế có khoa Sản để sinh con 

Giờ đây, các sản phụ ở khu vực Yakama phải di chuyển rất xa mới có thể tìm được nơi phục vụ nhu cầu sinh nở của mình.

Cô Shayla Owen, 35 tuổi, chuyển dạ vào đúng ngày ngày lễ Valentine 14/2, và chồng cô đã lái xe đưa cô đi hơn 120km để đến được bệnh viện gần nhất có khoa Sản.

“Tôi bị sốt xuất huyết sau sinh, và không dám tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi quyết định sinh con tại nhà chỉ vì không có bệnh viện phụ sản tại cộng đồng nơi tôi sinh sống”, cô Shayla Owen nói.

Nguyễn Thuận (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI