Mong cô nở một nụ cười

04/09/2020 - 17:34

PNO - Dẫu chia sẻ gánh nặng với cô nhưng giá như… Giá như cô đón bé bằng một nụ cười để ngày đầu tiên đến trường là cả bầu không khí vui tươi.

Sáng 1/9, tôi cũng như hàng triệu phụ huynh hồi hộp đưa con cháu mình vào lớp 1. Cả nhà phải thức dậy từ sớm để động viên cô công chúa Út đến trường. Con biết không còn đến mẫu giáo nữa, con biết không còn gặp bạn cũ nên có hàng triệu lý do để ở nhà. Nào là: “xem heo Peppa còn hay hơn”, nào là váy đồng phục kỳ quá, nào là ở đó không có bập bênh. Cuối cùng thì công chúa cũng chịu lên xe đến lớp với lời hứa hẹn có “quá trời bạn đang chờ con”. 

Trường tiểu học có tuổi đời thật xưa. Mẹ, cậu, cả anh chị của công chúa nhỏ đều trải qua khoảng trời tuổi thơ ở đây. Nhà không có điều kiện cho con học trường quốc tế thì trường gần nhà vẫn là lựa chọn tốt nhất. Đến nơi, cảnh nhộn nhịp khiến cô gái nhỏ rụt rè, nép chặt vào phụ huynh. Gặp vài người quen với những nụ cười, mở lời hỏi han, chúc con học tốt.

Mẹ dẫn con giới thiệu đây là dãy lớp mình từng học. Ngót ghét 40 năm, nơi đó bao kỷ niệm cùng bạn bè giờ kẻ còn người mất và cả kỷ niệm kinh hoàng với cây thước kẻ của cô giáo. Giờ thì, chẳng còn ai ủng hộ chuyện đòn roi uốn nắn con thành người nên mẹ cũng phần nào nhẹ nhõm. Mẹ muốn con yêu trường, yêu lớp tự nhiên chứ không sáo rỗng, cưỡng ép nên cố khơi nên vẻ đẹp của ngôi trường cũ kỹ. Mẹ giới thiệu gốc phượng vẫn còn vài cánh đỏ thắm còn sót lại.

Công chúa nhỏ bắt đầu tròn xoe mắt, hỏi “mẹ có phải mặc cái váy chán ghét này không?”. Mẹ cười, mẹ dẫn con ghé qua căn tin. Lúc nào nơi đây cũng là thiên đường bất hủ với bọn học trò. Con bắt đầu cười nhiều. Mẹ dẫn con vào lớp.

Lớp của con ngay tầng trệt, trước cửa đông nghẹt phụ huynh. Mẹ đẩy tay con ra, bảo con đến chào cô giáo. Cô đang đứng chộn rộn với sự hỏi han của phụ huynh. Con đến chào cô. Thế nhưng… cô chỉ ngắt câu chuyện, kêu con tự tìm chỗ ngồi. Cô chẳng nhìn con khi nói câu đó. Con buồn bã tìm một chỗ trống ngồi vào. Gương mặt con trở nên u buồn. Lớp gần 30 đứa trẻ nhưng im lặng, nghiêm túc đến kỳ lạ. Các bạn chẳng nhìn nhau cười, đừng nói tới chuyện hỏi han làm quen.

Trẻ con hay người lớn đều chỉ có mấy chục giây để ấn tượng tốt hay xấu về một thứ mình mới gặp. Tôi bỗng lo sợ cho niềm vui học tập của con mình. Dẫu chia sẻ gánh nặng với cô nhưng giá như… Giá như cô đón bé bằng cái ánh nhìn, bằng một nụ cười… Giá như cô biết cách dẹp cơn bão kia đi mang đến không khí vui tươi cho con. Tôi thấy chột dạ, lo cho con. Rồi nhanh chóng tìm ra nguyên cớ.

Giọng cô to lên: “Các phụ huynh vui lòng ra về, 10 giờ trở lại cô sẽ trả lời mọi thắc mắc. Giờ hãy ra để tôi dạy các em”. Thì ra, cô đang phải chiến đấu với sự lo lắng, thắc mắc của các phụ huynh và các em nhỏ cảm nhận được. Các em cảm thấy đang có gì đó ngột ngạt. Các con phải bật lên chế độ chạy trốn, phải ngoan nếu không muốn bị nhận lãnh cơn bão kia. Tôi bỗng thấy xót xa, buổi đầu tiên của con trẻ thành là thế này.

Biết chuyện, chồng tôi an ủi, “đâu phải trường quốc tế đâu em à”. Nhưng đâu phải là chuyện chất lượng trường mà là một cái tâm yêu trẻ tinh tế, một tư duy giáo dục tâm lý hơn. Dạy trẻ cực lắm nhưng xin hãy hiểu tâm lý trẻ.  Hãy dành một chút ân cần cho trẻ, cho trẻ một khởi đầu mới thật nhiều nụ cười.

Phụ huynh chỉ mong ước nhỏ nhoi cô đón con với sự ân cần. Chỉ cần thế thôi là có sự an lòng, trao con đi mà không nhiều tư lự. Đó là chưa kể phía chúng tôi. Chúng tôi cũng cần được cô làm cho tin tưởng, cảm thấy dễ chịu để cùng hợp tác với nhà trường. Nhưng có lẽ, chúng tôi sẽ vượt qua được ấn tượng này để cùng đi với con. Nhưng, học sinh của cô thì sao? Đứa bé vừa lên 6, vẫn cần sự yêu thương nhiều lắm.

Con về nhà, kể qua loa vài chuyện rồi lại nài nỉ mẹ cho xem tivi. Con chẳng biết tên bạn kế bên, thấy bạn cũ xa xa cũng chưa kịp đến chào hỏi. Tôi tự hỏi, lễ khai giảng hoành tráng liệu có cứu được khoảnh khắc quan trọng này của con? Bài diễn văn khai giảng với các loại kính thưa, với ngôn ngữ giáo điều không dành cho các con. Những lễ nghi mà con chưa hiểu ý nghĩa vẫn buộc phải trải qua.

Tất cả điều to lớn, bất biến qua hàng năm đó, có đủ sức làm nên niềm vui đến trường? Xin đừng dạy trẻ, yêu trẻ bằng hình thức nữa.

Hoa Thông Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI